Tăng 30% lương cơ sở, nhiều bệnh viện tự chủ phải co kéo thu chi

19/08/2024 15:41

Tăng 30% lương cơ sở chỉ có giá trị với đơn vị hưởng ngân sách nhà nước, các bệnh viện tự chủ tài chính khó khăn, phải co kéo thu chi.

Quỹ lương như 'miếng bánh san qua sẻ lại'

Lãnh đạo nhiều bệnh viện cho biết, hiện hầu hết các đơn vị hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. Nguồn tài chính chi trả cho cải cách tiền lương cũng từ bệnh viện. Chính sách tăng lương tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) khiến nhiều bệnh viện lo lắng khi vẫn phải thực hiện trả lương theo quy định mới cho nhân viên song nguồn thu, giá viện phí không thay đổi.

Theo giám đốc một bệnh viện tuyến huyện ở Hà Nội, đơn vị thuộc nhóm 2 - tự chủ chi thường xuyên, năm 2023 Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng bệnh viện phải “co kéo” nhiều trong việc cân đối ngân sách. Tháng 7/2024 theo lộ trình tăng thêm 30% lên 2,34 triệu đồng/tháng, bệnh viện lại càng khó khăn hơn. 

Khi lương cơ bản tăng từ ngày 1/7, bệnh viện phải chi thêm khoảng 600 triệu đồng/tháng cho 200 nhân sự. Trong khi đó bệnh viện có rất nhiều khoản phải chi nhưng nguồn thu lại cố định, giá khám chữa bệnh không thay đổi. Chưa kể, chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế, cùng với việc ngày càng nhiều người bệnh có tâm lý muốn lên tuyến trên khiến bệnh viện huyện vắng bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh chỉ đạt 20 - 30%.

“Chúng tôi có cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ các chuyên khoa. Tay nghề của y, bác sĩ ngày càng nâng cao, không thua kém gì các đơn vị y tế tuyến trên, khoa sản của đơn vị từng mổ thành công cho các sản phụ bị vỡ tử cung, sa dây rốn thắt nút, tiền sản giật. Thế nhưng, hiện lượng người vào tuyến huyện ngày càng thưa thớt dẫn đến bệnh viện không có nguồn thu”, vị lãnh đạo bệnh viện bộc bạch.

Tăng 30% lương cơ sở, nhiều bệnh viện tự chủ phải co kéo thu chi - 1

Nhân viên y tế kiểm tra sức khoẻ cho người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh minh hoạ: Thế Anh)

Để có tiền trả thêm lương theo quy định mới cho nhân viên, đơn vị phải cân đối từ các nguồn quỹ. “Quỹ lương của bệnh viện như một miếng bánh san qua sẻ lại. Nếu phải lấy nguồn quỹ khác bù vào để có tiền trả thêm lương như hiện tại, chúng tôi lo cuối năm sẽ không còn tiền để thưởng Tết cho nhân viên”, vị lãnh đạo bệnh viện e ngại.

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) nói, việc tăng lương sẽ giúp cải thiện được cuộc sống người lao động, nhất là giá cả thị trường, chi phí cuộc sống ngày càng tăng. Tuy nhiên, với bệnh viện tự chủ chi thường xuyên sẽ gặp một số khó khăn nhất định do nguồn thu của bệnh viện chưa kịp tăng theo chính sách cải cách tiền lương.

“Hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh đang tính trên mức lương cơ sở 1,8 triệu/tháng, vì vậy khi lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng, giá dịch vụ khám chữa bệnh vẫn giữ nguyên sẽ khiến bệnh viện gặp khó khăn trong việc cân đối thu, chi”, ông Thường nói.

Lãnh đạo bệnh viện này cũng thông tin, bệnh viện đang rà soát lại các chức danh, nguồn lực, dự kiến sẽ sử dụng quỹ bình ổn lương để đảm bảo tăng lương cho người lao động.

Cần sớm ban hành giá, lệ phí đầy đủ yếu tố

Theo BSCKII Nguyễn Quốc Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, tăng lương cơ sở 30% là sự nỗ lực, cố gắng của nhà nước. Tuy nhiên, với khối ngành y tế, để tăng được mức sống của người lao động, bên cạnh tăng lương cơ sở, các nhà hoạch định chính sách cần phải nghiên cứu cải thiện chế độ phụ cấp độc hại và phụ cấp trực cho nhân viên y tế.

Ông Dũng nêu thực tế, hiện giá viện phí mới được tính đầy đủ với dịch vụ theo yêu cầu. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đang thực hiện theo giá dịch vụ với 4/7 yếu tố. Trong khi đó, chi phí thuốc, vật tư tiêu hao, hàng hóa, tiền lương, tiền công tăng hằng năm do giá thị trường tăng song giá dịch vụ y tế không kịp điều chỉnh theo kịp.

Trước thực tế trên, ông Dũng đề nghị phải sớm ban hành giá, lệ phí đầy đủ yếu tố. Như vậy, các bệnh viện tự chủ mới có thể đảm bảo thu chi thường xuyên cho nhân viên y tế. Đây cũng là yếu tố tiên quyết để trả lương theo mức điều chỉnh mới.

Tăng 30% lương cơ sở, nhiều bệnh viện tự chủ phải co kéo thu chi - 2

Người bệnh kiểm tra sức khoẻ tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh minh hoạ: Thế Anh)

Theo ĐBQH Nguyễn Công Hoàng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, chính sách tăng lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng từ 1/7 chỉ có giá trị đối với khối công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, với khối cán bộ viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, việc tăng lương cơ sở không có ý nghĩa.

Nhờ số lượt khám chữa bệnh của đơn vị tăng nên khi áp dụng chính sách điều chỉnh lương theo quy định mới, ngân sách tăng lên 8 tỷ đồng/tháng, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vẫn đảm bảo đủ nguồn kinh phí để chi trả lương, phụ cấp, thu nhập tăng thêm cho người lao động theo quy định mới.

Ông Hoàng cũng chia sẻ với các đơn vị y tế khác, sau một thời gian thực hiện tự chủ vẫn còn khó khăn do giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ, nay lại phải thực hiện chính sách tăng lương mới dẫn đến gặp khó trong việc tính toán nguồn để bổ sung lương cho nhân viên theo quy định. “Với những đơn vị không có bệnh nhân, rất dễ rơi vào tình trạng âm vì thu ít hơn chi”, ông Hoàng nói.

Theo ĐBQH Nguyễn Công Hoàng, chính sách tăng lương đẩy các bệnh viện tự chủ vào thế khó, song đây cũng là dịp để các lãnh đạo bệnh viện nỗ lực hơn trong việc nghiên cứu, triển khai các giải pháp nâng cao năng lực quản lý, thu hút bệnh nhân. Đó không chỉ là sự cố gắng của riêng ban lãnh đạo mà còn của toàn thể cán bộ, nhân viên y tế toàn bệnh viện.

Để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh, ĐBQH Nguyễn Công Hoàng cho rằng các bệnh viện cần tích cực cải thiện cơ sở hạ tầng, chuyên môn tay nghề, đảm bảo thuốc men, trang thiết bị hóa chất, phát triển các loại hình dịch vụ. Khi đó sẽ thu hút được bệnh nhân, nguồn thu cũng sẽ cải thiện, tài chính bệnh viện tốt dần lên.

Về lâu dài, cần giải quyết được yêu cầu tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, để bệnh viện công có thêm nguồn lực đầu tư, phát triển toàn diện, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Cán bộ giá, Phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Bạch Mai, từ 1/7, cả nước thực hiện cải cách chính sách tiền lương, lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (30%). Bệnh viện Bạch Mai cũng xây dựng phương án giá đề xuất Bộ Y tế thẩm định, quyết định về thay đổi giá khám chữa bệnh.

Giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế mới sẽ tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng. Dự kiến, giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng khoảng 15-20% dành cho 8.300 dịch vụ, kỹ thuật. Mức giá thay đổi nhưng quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, bệnh nhân có bảo hiểm y tế sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Với việc trả lương theo quy định mới, quỹ lương của Bệnh viện Bạch Mai tăng lên 10-12 tỷ/tháng. Nếu Bộ Y tế chậm duyệt mức giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo cơ cấu lương mới, bệnh viện sẽ gặp khó khăn về tài chính.

Như Loan
Theo vtcnews.vn
https://vtcnews.vn/tang-30-luong-co-so-nhieu-benh-vien-tu-chu-phai-co-keo-thu-chi-ar886916.html
Copy Link
https://vtcnews.vn/tang-30-luong-co-so-nhieu-benh-vien-tu-chu-phai-co-keo-thu-chi-ar886916.html
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tăng 30% lương cơ sở, nhiều bệnh viện tự chủ phải co kéo thu chi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO