Bài viết sau có nội dung về việc tăng cường công tác điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng tại Thành phố Hà Nội trong Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2024.
Tăng cường công tác điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng tại Thành phố Hà Nội (Hình từ Internet)
Ngày 13/8/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị 09/CT-UBND nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo nội dung trong Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2024 thì để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố chịu trách nhiệm và tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau:
- Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao hiệu quả phối hợp thực hiện công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngày hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, thi hành án mới chuyển.
Kịp thời phối hợp nâng cao chất lượng công tác giám định, định giá tài sản phục vụ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, không để kéo dài.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp trong việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng kịp thời, đầy đủ các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản để ngăn chặn việc tẩu tán, thất thoát tài sản; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm tượng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Thành ủy phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội; vai trò của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phát huy dân chủ, nâng cao nhận thức, tiếp tục hoàn thiện, thể chế hóa đối với hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phát huy hiệu quả vai trò giám sát của các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong việc thực thi chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; kịp thời phát hiện, đưa tin biểu dương các tổ chức cá nhân thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
- Tiếp tục rà soát, kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhất là hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả các cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức, công khai minh bạch và thu hồi tài sản tham nhũng;
Kịp thời xử lý các mặt hạn chế và đề ra các giải pháp tối ưu trong quá trình xây dựng, thực hiện quy định về kiểm soát quyền lực, cơ chế giám sát, cơ chế về kiểm soát thu nhập, chế tài xử lý các vi phạm, giảm thiểu nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi khu vực công và khu vực ngoài nhà nước.
Xem thêm Chỉ thị 09/CT-UBND ban hành ngày 13/8/2024.