Tăng lương tối thiểu vùng 2024: Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 01/7/2024

20/12/2023 12:25

Khi nào tăng lương tối thiểu vùng 2024? Mức lương tối thiểu vùng 2024 cao nhất, thấp nhất là bao nhiêu? – Kim Ngân (TPHCM)

File Word Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng

Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 01/7/2024

Ngày 20/12/2023, sau phiên đàm phán, thương lượng lần thứ hai, tất cả thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia có mặt tại phiên họp đã bỏ phiếu chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2024 là 6%, thời gian áp dụng từ ngày 01/7/2024.

Với mức điều chỉnh lương tối thiểu thêm 6%, tăng 200.000-280.000 đồng tùy vùng.

Lương vùng 1 nâng lên 4.960.000 đồng; vùng 2 là 4.410.000 đồng; vùng 3 là 3.860.000 đồng và vùng 4 đạt 3.450.000 đồng.

Lương tối thiểu vùng hiện hành các vùng đang dao động 3.250.000 đồng đến 4.680.000 đồng.

Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ giữa năm 2024. Cụ thể, vùng 1 lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200 đồng; vùng 3 là 18.600 đồng; vùng 4 là 16.600 đồng.

Như vậy, thời điểm dự kiến tăng lương tối thiểu vùng là ngày 01/7/2024.

Công đoàn sẽ nghiên cứu lại đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2024

Ngày 03/12/2023, Tổng liên đoàn Lao động tổ chức họp báo thông tin kết quả Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nói tổ chức này sẽ nghiên cứu lại đề xuất tăng lương tối thiểu vùng vì phụ thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội, sức khỏe doanh nghiệp.

Cách đây 4 tháng, công đoàn đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng khoảng 5%.

Đề nghị tăng lương tối thiểu từ 01/7/2024, cùng lúc cải cách lương công chức

Ngày 31/10/2023, Đại biểu Quốc hội đề nghị Hội đồng tiền lương quốc gia đốc thúc việc thương lượng, đàm phán lương sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động ở khu vực doanh nghiệp từ 1/7/2024.

Tiền lương tối thiểu có thể không kịp tăng từ ngày 01/01/2024

Dự kiến cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, Hội đồng Tiền lương quốc gia mới họp để chốt phương án khuyến nghị tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Do đó lương tối thiểu trong khối doanh nghiệp khó có thể tăng từ ngày 01/01/2024.

Ngày 13/10/2023, Văn phòng Chính phủ có Công văn 7978/VPCP-KTTH gửi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thời điểm trình Nghị định về tiền lương tối thiểu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý đưa nội dung xây dựng và trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động ra khỏi Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và trình dự thảo Nghị định nêu trên sau khi Hội đồng tiền lương quốc gia khuyến nghị với Chính phủ về phương án lương tối thiểu năm 2024.

Đề xuất lùi thời điểm trình phương án tăng lương tối thiểu vùng đến cuối năm 2023

Do chưa đủ căn cứ đề xuất thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) báo cáo Chính phủ xin lùi thời gian trình phương án lương tối thiểu vùng đến cuối năm 2023.

Sớm báo cáo phương án tăng lương tối thiểu năm 2024

Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội đồng Tiền lương Quốc gia về thời điểm báo cáo phương án tiền lương tối thiểu năm 2024.

Theo đó, Hội đồng Tiền lương Quốc gia căn cứ vào diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, các yếu tố liên quan khác để xem xét việc khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu đối với người lao động…

Xây dựng phương án tăng lương tối thiểu vùng phù hợp

Thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp là nội dung đề cập tại Báo cáo 286/BC-CP giải trình và trả lời chất vấn của Chính phủ (tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV).

Báo cáo 286/BC-CP

Cụ thể, đối với nội dung về an sinh xã hội, lao động, việc làm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh:

Bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm và nâng cao đời sống Nhân dân được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm; nhiều cơ chế, chính sách được ban hành, triển khai thực hiện hiệu quả và đã đạt được những thành tựu quan trọng, được Nhân dân cả nước, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng người lao động bị mất việc, giảm giờ làm xảy ra cục bộ tại một số địa phương và trong một số ngành nghề; trong 5 tháng đầu năm có 510 nghìn lao động bị ảnh hưởng, trong đó 279 nghìn lao động bị thôi việc, mất việc. Việc chậm đóng, trốn đóng và rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng...

Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục đứt gãy các chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm duy trì và tạo thêm việc làm cho người lao động.

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động; theo dõi sát tình hình người lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm... để có phương án hỗ trợ phù hợp. Đẩy mạnh đào tạo và đào lại, chú trọng các chính sách tạo việc làm, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thị trường lao động.

Thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp.

(Xem thêm: Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023)

Cập nhật chỉ đạo mới nhất về tăng lương tối thiểu vùng 2024

Cập nhật chỉ đạo mới nhất về tăng lương tối thiểu vùng 2024 (Hình từ internet)

Đề xuất, kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng 2024

Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn 470/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 21/02/2023 về rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu, trong đó đề cập nội dung:

“2. Rà soát, đánh giá việc điều chỉnh phân vùng hiện hành. Trường hợp có đề xuất điều chỉnh phân vùng thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp trao đổi bằng văn bản với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp tỉnh, các Hiệp hội nghề nghiệp, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trên địa bàn, báo cáo để Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ý kiến gửi về Bộ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ ghi nhận những đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sau khi đã thực hiện theo quy trình nêu trên để báo cáo Chính phủ.

3. … dự báo nhu cầu sử dụng lao động và tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn trong thời gian tới; đề xuất, kiến nghị về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu áp dụng cho năm 2024 gắn với bối cảnh dự báo.”

TP.HCM: Rà soát nâng lương tối thiểu vùng I cho huyện Cần Giờ

Liên đoàn lao động TPHCM có Công văn 211/LĐLĐ-CSPL ngày 16/3/2023 thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu.

Trong đó, đề nghị Liên đoàn Lao động huyện Cần Giờ có ý kiến rà soát, đề xuất về việc điều chỉnh phân vùng đối với việc áp dụng mức lương tối thiểu trên địa bàn huyện Cần Giờ trong thời gian tới (giữ nguyên vùng II như hiện nay hoặc điều chỉnh lên vùng I) và căn cứ đề xuất để Liên đoàn Lao động Thành phố tổng hợp, báo cáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để điều chỉnh cho phù hợp.

Hiện hành, tại TP.HCM, tất cả các quận, TP Thủ Đức và các huyện (Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi) đều áp dụng mức lương tối thiểu vùng I (mức lương tối thiểu là 4,68 triệu đồng/tháng và 22.500 đồng/giờ).

Riêng huyện Cần Giờ áp dụng mức lương tối thiểu vùng II (tối thiểu là 4,16 triệu đồng/tháng và 20.000 đồng/giờ).

Theo thuvienphapluat.vn
https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/49650/tang-luong-toi-thieu-vung-2024-cap-nhat-chi-dao-moi-nhat
Copy Link
https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/49650/tang-luong-toi-thieu-vung-2024-cap-nhat-chi-dao-moi-nhat
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tăng lương tối thiểu vùng 2024: Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 01/7/2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO