Từ 01/7/2024, mức lương cơ sở sẽ chính thức tăng lên 2,34 triệu đồng. Theo đó, kéo theo mức trợ cấp một lần đối với người tham gia BHXH bắt buộc cũng sẽ có sự thay đổi.
Tăng mức trợ cấp một lần từ 01/7/2024 đối với người tham gia BHXH bắt buộc khi lương cơ sở tăng (Hình từ internet)
Ngày 30/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo đó, từ 01/7/2024, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng.
Do đó, khi lương cơ sở tăng kéo theo những khoản trợ cấp một lần sau đây cũng tăng, cụ thể:
(1) Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi
Theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi như sau:
Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nuôi con nuôi từ ngày 01/7/2024 là 4,680,000 đồng.
(2) Trợ cấp một lần khi suy giảm khả năng lao động
- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.
- Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
+ Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
+ Ngoài mức trợ cấp trên, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
Như vậy, từ 01/7/2024, mức trợ cấp một lần khi bị suy giảm khả năng lao động như sau:
- Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 11,700,000 đồng. Sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở
- Suy giảm 30% khả năng lao động thì được hưởng 40,950,000 đồng.
(Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015)
(3) Trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014 khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.
Như vậy, mức trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 01/7/2024 là 84,240,000 đồng.
(Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015)
(4) Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu
Theo Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định trợ cấp một lần khi nghỉ hưu như sau:
- Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
- Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Theo đó, có thể thấy, việc tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ ngày 01/7/2024 không tác động trực tiếp đến mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu của người lao động mà ảnh hưởng gián tiếp thông qua khoản tiền lương tháng đóng BHXH hằng tháng làm căn cứ tính hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.