Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động tạp chí điện tử gửi 01 bộ hồ sơ về Bộ Thông tin và Truyền thông. Vi phạm quy định về giấy phép tạp chí điện tử bị phạt bao nhiêu?
Tại Điều 3 Luật Báo chí 2016 có giải thích một số thuật ngữ liên quan đến tạp chí điện tử như sau:
Báo điện tử là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử.
Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng.
Hồ sơ thủ tục cấp giấy phép hoạt động tạp chí điện tử
Hiện nay, thủ tục cấp giấy phép hoạt động tạp chí điện tử được hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư 41/2020/TT-BTTTT cụ thể như sau:
(1) Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động tạp chí điện tử gửi 01 bộ hồ sơ về Bộ Thông tin và Truyền thông. Hồ sơ gồm có:
- Tờ khai đề nghị cấp giấy phép hoạt động tạp chí điện tử (Mẫu số 07);
- Đề án hoạt động tạp chí điện tử (có chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu hoặc ký số của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép) và các tài liệu kèm theo, gồm các nội dung sau: Sự cần thiết và cơ sở pháp lý; trình bày việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 17 Luật Báo chí 2016; kết cấu và nội dung chính của các chuyên trang, chuyên mục của tạp chí điện tử, các chuyên mục của chuyên trang, trong đó thể hiện rõ về nội dung thông tin chuyên sâu, chuyên ngành, giới thiệu, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn, phản biện chính sách về lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép; tên miền phù hợp với tên tạp chí điện tử; việc sở hữu tên miền còn thời gian sử dụng tối thiểu 06 tháng tính từ thời điểm đề nghị cấp giấy phép; quy trình xuất bản và quản lý nội dung;
- Danh sách dự kiến nhân sự của tạp chí điện tử (Mẫu số 03);
- Sơ yếu lý lịch người dự kiến là Tổng biên tập (Mẫu số 04);
- Mẫu trình bày giao diện trang chủ của tạp chí điện tử có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép. Trang chủ của tạp chí điện tử phải hiển thị các thông tin theo quy định tại Điều 46 Luật Báo chí 2016, trong đó tên gọi tạp chí điện tử thể hiện rõ cụm từ “tạp chí” hoặc “tạp chí điện tử” có cỡ chữ tối thiểu bằng 1/2 cỡ chữ của tên tạp chí điện tử;
Mẫu trình bày giao diện trang chủ của chuyên trang có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép. Trang chủ của chuyên trang phải hiển thị các thông tin theo quy định tại Điều 46 Luật Báo chí 2016, trong đó: Tên gọi chuyên trang thể hiện rỗ cụm từ “chuyên trang” có cỡ chữ tối thiểu bằng 1/2 cỡ chữ của tên chuyên trang và tên gọi tạp chí điện tử có cỡ chữ tối thiểu bằng 1/2 cỡ chữ của tên chuyên trang.
(2) Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động tạp chí điện tử (Mẫu số 18); trường hợp từ chối cấp phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Theo Điều 5 Nghị định 119/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm quy định về giấy phép (trong đó có giấy phép tạp chí điện tử) như sau:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Thay đổi biểu tượng kênh phát thanh, kênh truyền hình nhưng không có văn bản chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Thay đổi thời lượng phát sóng, thời lượng chương trình tự sản xuất của kênh phát thanh, kênh truyền hình được quy định trong giấy phép hoạt động phát thanh, giấy phép hoạt động truyền hình, giấy phép sản xuất kênh chương trình phát thanh trong nước, giấy phép sản xuất kênh chương trình truyền hình trong nước;
- Thay đổi tên gọi cơ quan chủ quản báo chí; tên gọi cơ quan báo chí; tên gọi kênh phát thanh, kênh truyền hình; địa điểm phát sóng; địa điểm trụ sở gắn với trung tâm tổng khống chế; phương thức truyền dẫn, phát sóng quy định trong giấy phép hoạt động phát thanh, giấy phép hoạt động truyền hình nhưng không được Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Hoạt động thông tin, báo chí không đúng mục đích, chương trình đã được ghi trong giấy phép của Bộ Ngoại giao;
- Thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép xuất bản bản tin, đặc san.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Sửa chữa, tẩy xóa giấy phép trong hoạt động báo chí;
- Thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 4 và điểm d khoản 5 Điều 8 Nghị định 119/2020/NĐ-CP;
- Hoạt động thông tin, báo chí mà không có giấy phép của Bộ Ngoại giao;
- Xuất bản bản tin, đặc san không có giấy phép;
- Vi phạm các quy định về điều kiện thành lập Văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú của cơ quan báo chí;
- Báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam thực hiện hoạt động báo chí, hoạt động liên quan đến báo chí không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;
- Cơ quan báo chí nước ngoài đặt văn phòng thường trú tại Việt Nam khi không có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi xuất bản thêm ấn phẩm báo chí, phụ trương, mở chuyên trang đối với báo điện tử, tạp chí điện tử; sản xuất thêm kênh phát thanh, kênh truyền hình mà không có giấy phép.
5. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động báo in, tạp chí in, báo nói, báo hình, báo điện tử, tạp chí điện tử không có giấy phép hoạt động báo chí theo quy định trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 5 Nghị định 119/2020/NĐ-CP.
Xem chi tiết tại Điều 5 Nghị định 119/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP).