Đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Sản phẩm này cho thu hoạch từ 3 - 4 đợt trong khoảng 3 tháng.
Mới đây, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã tiếp và làm việc với Văn phòng KOICA Việt Nam và Tập đoàn CJ về thực hiện dự án "Xây dựng nông thôn mới gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp" giai đoạn 2024 - 2026.
Dự án này nhằm mở rộng diện tích canh tác trồng ớt (vùng nguyên liệu) trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đề xuất nội dung hoạt động tiếp nối dự án với các hoạt động chính như: Hỗ trợ tư liệu sản xuất cho người nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí canh tác.
Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho người dân, tổ hợp tác, hợp tác xã thông qua việc cử tình nguyện viên, chuyên gia Hàn Quốc hỗ trợ kỹ thuật tại địa phương, hoàn thiện, bổ sung nhân lực và đào tạo năng lực cho cán bộ quản lý, vận hành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị cần sớm khởi động lại dự án, lấy địa điểm thôn Tầm Ngân, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn đặt nhà máy và mở rộng sản xuất, bố trí vùng nguyên liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất, nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm để mang lại lợi nhuận, thu hút người dân tích cực tham gia. Nghiên cứu trồng các loại giống ớt cho năng suất, hiệu quả cao, tạo sản phẩm phong phú nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.
Được biết, CJ là tập đoàn đa quốc gia, thành lập năm 1953 tại Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm/dịch vụ thực phẩm, công nghệ sinh học, hậu cần/bán lẻ, văn hóa. CJ đã đầu tư tại 25 quốc gia. Tổng số lao động gần 80.000 người, doanh thu năm 2023 khoảng 31 tỷ USD.
CJ đầu tư vào Việt Nam từ năm 1998 với tổng vốn đầu tư là 1 tỷ USD, hiện có 24 công ty thành viên, doanh thu 2023 đạt 1,4 tỷ USD, với 11,2 nghìn lao động.
Trước đó, tại cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi đầu tháng 7, ông Sohn Kyung Sik, Chủ tịch Tập đoàn CJ cũng bày tỏ mong muốn đầu tư tiếp vào Việt Nam trong các lĩnh vực thực phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm như chả giò, tôm chế biến...
Việt Nam là quốc gia có nhiều loại gia vị có tiếng trên thế giới. Bên cạnh hồ tiêu, hồi... thì ớt là một sản phẩm gia vị đem lại nguồn thu xuất khẩu lớn cho Việt Nam. Ớt được trồng rải rác ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, nhưng được trồng nhiều nhất tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh với tổng diện tích trên 7.000 ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm. Trong khi đó, tại Tây Nguyên, diện tích trồng đạt khoảng 4.000 - 5.000 ha với sản lượng khoảng 60.000 tấn/năm.
Trên thế giới, theo thống kê đến hết năm 2023, châu Á - Thái Bình Dương chiếm lĩnh thị trường với Ấn Độ là nước sản xuất và xuất khẩu ớt khô hàng đầu thế giới, tiếp theo là Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu ớt của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm là 7.326 tấn ớt, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 17,9 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu tăng 5,3%, kim ngạch tăng 31,7%. Một số loại ớt xuất khẩu phải kể đến ớt chỉ thiên, ớt hiểm, ớt sừng vàng, ớt ngọt, ớt chỉ địa.
Các thị trường xuất khẩu hàng đầu bao gồm Trung Quốc chiếm 86,5% đạt 6.338 tấn, Lào chiếm 9,1% đạt 669 tấn, Hoa Kỳ chiếm 1,7% đạt 124 tấn.
Với những người nông dân, ớt là loại cây "một vốn mười lời". Nguyên nhân là bởi đây là loại cây trồng có đặc điểm sinh trưởng ngắn ngày, có thể trồng xen với cây ăn quả và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc nên phù hợp với điều kiện canh tác của người nông dân trên khắp cả nước.
Cây ớt sau 2 tháng trồng bắt đầu cho thu hoạch từ 3 - 4 đợt trong khoảng 3 tháng. Giá ớt xuất khẩu dao động từ 58.000 - 65.000 đồng/kg, tùy từng loại. Trong khi đó, giá thu hoạch ở mức 8.000 - 12.000 đồng/kg, thậm chí, có những mùa vụ, mặt hàng này có giá lên đến 30.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi sào trồng ớt sẽ cho thu hoạch trên 1 tấn quả/năm, đạt lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng, nếu được giá có thể thu lãi lên đến 50 - 60 triệu đồng/sào.