Tật khúc xạ có di truyền hay không là thắc mắc được nhiều người quan tâm, chuyên gia sẽ giải đáp ngay dưới đây.
Tật khúc xạ gồm cận thị, viễn thị, loạn thị, là rối loạn về mắt thường gặp ở người trẻ Việt Nam. Dấu hiệu trẻ mắc tật khúc xạ, đó là mờ mắt, không nhìn rõ các vật ở xa; đọc chữ hay bị nhảy hàng hoặc dò chữ khi đọc; hay bị đau đầu; mỏi mắt, chảy nước mắt; vùng nhìn bị chói hoặc bị quầng sáng.
Nguyên nhân dẫn đến các tật khúc xạ mắt có liên quan đến yếu tố di truyền và thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng. Ngoài lý do bữa ăn thiếu vi chất dinh dưỡng, môi trường ánh sáng chưa phù hợp, ít tham gia vận động sinh hoạt ngoài trời, lạm dụng thiết bị điện tử trong thời đại số cũng là yếu tố dẫn đến tật khúc xạ.
Các bậc phụ huynh không nên chủ quan bởi những hệ quả và rủi ro do tật khúc xạ mang lại. Cụ thể, ngoài gây bất tiện trong sinh hoạt, không nhìn rõ, tật khúc xạ nặng hay bất đồng khúc xạ có thể gây nhược thị, mất chức năng thị giác, hoặc cận thị nặng có nhiều nguy cơ gây rách, bong võng mạc, xuất huyết hoàng điểm, đục thủy tinh thể sớm, glaucoma thậm chí gây mù lòa.
Nếu trẻ không chủ động nói về tình trạng của mắt thì phụ huynh có thể quan sát một số biểu hiện như thường xuyên nheo mắt, vẹo cổ hoặc nghiêng đầu khi nhìn, không nhìn rõ chữ viết trên bảng, viết sai chữ hoặc ngồi học sát với mép vở.
Khi nhận thấy trẻ có các biểu hiện trên, phụ huynh cần đưa con đi khám để có chẩn đoán chính xác và hướng điều trị để tránh các bệnh về tật khúc xạ.
Để phòng tránh tật khúc xạ ở trẻ, bác sĩ khuyến cáo cần giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử; điều chỉnh khoảng cách nhìn gần; bảo đảm ánh sáng trong phòng học. Cha mẹ không để mắt trẻ làm việc liên tục trong khoảng thời gian dài, cứ khoảng 30 phút hoặc 1 giờ nên cho trẻ nghỉ ngơi, thư giãn mắt. Ngoài ra, kiểm tra thị lực thường xuyên cho trẻ khi vào độ tuổi đi học là việc làm cần thiết để phòng tránh tật khúc xạ.