Tàu hoả đâm va máy xúc trên tuyến đường sắt Bắc - Nam: Trách nhiệm của ai?
Phúc Đức•08/06/2024 19:22
Theo luật sư, việc cản trở giao thông trên đường sắt là hành vi vi phạm pháp luật tuỳ vào tính chất mức độ thì có thể sẽ xử lý vi phạm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự.
Lúc 17 giờ ngày 6/6/2024, tại lý trình 1504+900m khu gian Sông Lũy - Châu Hanh, thuộc thôn Suối Nhum, xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận xảy ra vụ tai nạn.Tàu hỏa số hiệu SE10, được kéo bởi đầu máy 937chạy hướng Nam – Bắc. Khi đến địa điểm trên đã đâm va xe máy xúc chuyên dùng loại nhỏ, đang thi công công trình nâng cấp đoạn đường đường sắt thuộc khu gian Sông Lũy - Châu Hanh.
Vụ tai nạn khiến đường sắt Bắc – Nam qua huyện Bắc Bình bị gián đoạn. Sau gần 5 giờ nỗ lực giải phóng hiện trường, đến 21 giờ 40 phút cùng ngày, đường sắt qua khu vực trên mới thông suốt trở lại.
Tiến hành kiểm tra người điều khiển phương tiện liên quan, cơ quan chức năng cũng xác định: Người lái tàu hỏa và người điều khiển xe máy xúc không vi phạm nồng độ cồn. Vụ tai nạn không gây thương vong về người nhưng khung cản của đầu máy tàu hỏa bị hư hỏng, xe máy xúc cũng bị hư hại nặng. Luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn luật sư TPHCM cho biết, an toàn đường sắt đề cập đến các biện pháp và quy tắc được thiết lập để đảm bảo an toàn khi hoạt động trên đường sắt. Việc sử dụng phương tiện để cản trở đường sắt là hành vi nguy hiểm và vi phạm pháp luật về giao thông đường sắt gây hậu quả khôn lường đến an ninh trật tự của đường sắt. Cản trở giao thông trên đường sắt là hành vi vi phạm pháp luật tuỳ vào tính chất mức độ thì có thể sẽ xử lý vi phạm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự.Giả sử trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi để phương tiện thi công không đúng quy định gây cản trở việc chạy tàu, không đảm bảo an toàn giao thông thì chủ thể vi phạm có thể sẽ bị phạt tiền từ từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 56 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.Trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vi phạm có hành vi dùng phương tiện cản trở, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt mà đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 268 về tội cản trở giao thông đường sắt tại Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù thấp nhất từ 1 năm đến mức cao nhất là từ 7 năm đến 15 năm.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.