Từ nay đến 09/03, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ tăng cường công tác kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm, người điều khiển xe trong cơ thể có nồng độ cồn, chất ma túy, vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh, vượt, dừng, đỗ sai quy định, xe “cơi nới” thành thùng, chở hàng quá tải, quá khổ...
Ngày 10-1, đại diện Cục Cảnh sát giao thông thông tin về kế hoạch thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xử lý vi phạm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các lễ hội đầu xuân 2024. Theo đó, lực lượng CSGT toàn quốc mở đợt cao điểm kiểm soát, xử lý vi phạm dịp Tết Giáp Thìn 2024 kéo dài tới ngày 9-3.
Lực lượng CSGT trên toàn quốc sẽ tập tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để triển khai thực hiện cao điểm với mục tiêu kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), nhất là các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, hạn chế ùn tắc giao thông.
Đáng chú ý, lực lượng CSGT sẽ tập trung kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm, người lái xe trong cơ thể có nồng độ cồn, chất ma túy, vi phạm tốc độ. Đồng thời, trên lĩnh vực đường bộ, chú trọng kiểm tra, xử lý vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh, vượt, dừng, đỗ sai quy định, xe “cơi nới” thành thùng, chở hàng quá tải, quá khổ, quá số người quy định...
Bên cạnh đó, cục CSGT cho biết, sẽ chỉ đạo hàng loạt các biện pháp để nắm bắt tình hình, kịp thời huy động lực lượng địa bàn để điều tiết giao thông thông suốt. Điều này nhằm hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc giao thông. Trong đó, một số khu vực đáng chú ý là các trục chính ra vào Hà Nội và TP.HCM, địa điểm tổ chức chợ Tết, khu vui chơi, bắn pháo hoa, các lễ hội, nơi có mật độ phương tiện giao thông cao.
Đồng thời, phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông, hỗ trợ, phục vụ nhu cầu đi lại, vui chơi, lễ hội trong dịp Tết.
Đối với các tuyến đường giao thông đường thủy, lực lượng cảnh sát tập trung kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa, các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, hoạt động vận tải hành khách ngang sông, theo tuyến cố định ở các tuyến vận tải trọng điểm; điểm có hoạt động du lịch, lễ hội, vui chơi, giải trí trên đường thủy nội địa...
Các hành vi tập trung xử lý bao gồm: vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản; vi phạm điều kiện hoạt động của phương tiện; chở hàng quá vạch nước an toàn; vi phạm về cảng, bến, quy định về vận tải hàng hóa, hành khách...
Trong đó, với phương tiện vi phạm về chở quá vạch dấu mớn nước an toàn phải yêu cầu thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả buộc hạ tải. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng sẽ đình chỉ các bến, phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn, đặc biệt là không thực hiện đúng quy định trang thiết bị an toàn cho người và phương tiện đi trên đường thủy...
Lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm soát các đường ngang, lối đi tự mở đối với loại hình đường sắt. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn chạy tàu của các nhân viên đường sắt, điều kiện lưu hành của các phương tiện giao thông đường sắt.
Đáng chú ý, lực lượng CSGT sẽ tập trung nắm bắt tình hình, chủ động phát hiện đầu mối để đề xuất xác lập chuyên án, tập trung vào các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, khai thác cát, sỏi trái phép… Đối tượng tập trung kiểm tra, xử lý là xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách tại các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường giao thông nông thôn.
Riêng tuyến Quốc lộ 1A, tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm liên tuyến do Cục CSGT trực tiếp chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra.