Tết Hàn thực đánh dấu bước chuyển mình của vạn vật trước khi bước sang mùa hè. Để mọi việc hanh thông, may mắn, gia chủ cần ghi nhớ những điều kiêng kị dưới đây.
Trong văn hóa Việt Nam, ngày 3/3 âm lịch là tết Hàn thực. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống, quan trọng trong năm. Trong ngày này, nhiều người thường có thói quen kiêng cữ, làm những việc đặc biệt để mang lại may mắn, sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Dưới đây là những việc cần chú ý trong tết Hàn thực.
Cúng bánh trôi, bánh chay ngũ sắc
Bánh trôi, bánh chay không thể thiếu trong tết Hàn thực. Ngoài món bánh trôi truyền thống, vào ngày này, nhiều gia đình còn chế biến món bánh trôi ngũ sắc để thắp hương, dâng lên tổ tiên.
Theo TS. Nguyễn Ánh Hồng, các gia đình không nên cúng bánh trôi ngũ sắc vào ngày tết Hàn thực. Ảnh minh họa: Tu Thanh Nguyen
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu văn hóa, TS. Nguyễn Ánh Hồng, việc làm trên không đúng với ý nghĩa nguyên gốc của tết Hàn thực. Theo truyền thống, bánh trôi được làm từ bột nếp trắng tròn đầy, tinh khiết với nhân đường phên.
Hình ảnh chiếc bánh trôi đã đi vào thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương. Vì thế, tết Hàn thực ở Việt Nam còn được xem là ngày tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ.
Ở làng Hát Môn (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) còn có tục lệ cúng tết Hàn Thực vào ngày 6/3 âm lịch để tưởng nhớ Hai Bà Trưng.
Kiêng lửa
Theo nghĩa chữ Hán, “hàn” là lạnh, “thực” là ăn. Tết Hàn thực là ngày Tết ăn đồ lạnh. Do đó, vào ngày này, người dân Trung Quốc thường kiêng lửa, kiêng nấu nướng, chỉ dùng những đồ ăn nguội.
Tuy nhiên ở Việt Nam, hoạt động nấu nướng vẫn diễn ra bình thường vào tết Hàn thực. Việc kiêng lửa được tượng trưng bằng việc ăn món nguội là bánh trôi và bánh chay.
Ngày xưa, người ta quan niệm rằng sử dụng lửa để nấu ăn vào tết Hàn thực sẽ không may mắn. Tuy nhiên, đến nay, phong tục này đã thay đổi. Mọi người vẫn có thể sử dụng lửa để nấu nướng, nhưng nên hạn chế.
Kiêng đồ ăn mặn
Ngày tết Hàn thực, mỗi gia đình nên kiêng lửa và đồ ăn mặn. Ảnh minh họa: P.X
Trong ngày tết Hàn thực, các gia đình thường ăn chay, kiêng ăn mặn để tránh sát sinh. Tục lệ này cũng liên quan đến tiết Thanh minh và mang ý nghĩa mong cầu cho linh hồn người đã khuất dễ dàng siêu thoát.
Nếu không có điều kiện để ăn chay thì vào ngày này, gia chủ cũng cần kiêng sát sinh trong nhà để thể hiện sự tôn kính với người đã khuất.
Kiêng tranh chấp, cãi vã
Việc tranh chấp, cãi vã giữa người thân trong nhà nếu tránh được thì nên tránh. Đặc biệt trong ngày tết Hàn thực là một điều đại kỵ.
Nếu có xảy ra vấn đề gì, mọi người nên ngồi lại với nhau bàn bạc và tìm cách hòa giải, tránh để xảy ra xích mích.
Đặc biệt, mọi người nên tránh dùng những từ ngữ xui xẻo sẽ khiến không khí gia đình trở nên nặng nề.
Kiêng việc bày vẽ mâm cao cỗ đầy
Vào ngày tết Hàn thực, gia chủ tuyệt đối không bày vẽ mâm cỗ cúng cầu kỳ hay đắt đỏ gây tốn kém, lãng phí.
TS Nguyễn Ánh Hồng khuyến cáo, mâm cúng ngày tết Hàn thực chỉ cần bánh trôi, bánh chay đơn giản. Gia chủ nên thành tâm khi dâng mâm cúng của mình lên tổ tiên để nguyện cầu bình an, hạnh phúc cho gia đình.
Kiêng chuyển nhà
Theo quan niệm dân gian, việc chuyển nhà trong ngày tết Hàn thực là một trong những điều kiêng kị cần tránh.
Người ta tin rằng, vong linh của người thân đã qua đời sẽ theo dõi và bảo vệ người thân còn sống tại chốn nhân gian.
Nếu chuyển nhà vào ngày này sẽ gây ra xáo trộn và đánh mất sự bình yên của vong linh, từ đó không mang lại may mắn cho gia đình.
Theo VietNamnet