Thảm họa làm đẹp khi đến nhầm chỗ (bài 2): Chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ nói gì về sụn sinh học lạnh Seogsun của ChangWon?

04/05/2024 07:05

Liên quan đến sản phẩm sụn sinh học lạnh Seogsun được nhắc đến tại Viện Thẩm mỹ Quốc tế ChangWon (22A-22B Đại Cổ Việt, Hà Nội), phóng viên Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) đã có cuộc trao đổi với GS.TS.BS Trần Thiết Sơn - giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực Phẫu thuật Tạo hình Việt Nam.

GS.TS.BS. Trần Thiết Sơn hiện là giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực Phẫu thuật Tạo hình Việt Nam; đang là Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình Trường Đại học Y dược (ĐHQG Hà Nội); cố vấn cao cấp khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai; Chủ tịch hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Hà Nội. Ông đồng thời là cố vấn, thành viên của Hội đồng thẩm định vật tư y tế nhập ngoại của Bộ Y tế.

Sụn sinh học lạnh Seogsun chưa được thẩm định chất lượng tại Việt Nam

Trong buổi trao đổi với phóng viên, GS.TS.BS. Trần Thiết Sơn khẳng định: "Theo quy định, một vật tư y tế nhập khẩu trước khi được sử dụng, lưu hành tại thị trường trong nước, phải được thẩm định, đánh giá bởi Hội đồng thẩm định của Bộ Y tế và phải được cấp phép lưu hành. Đây là tiêu chuẩn pháp lý căn bản đối với một sản phẩm mô mũi. Tuy nhiên, là cố vấn và thành viên Hội đồng Thẩm định vật tư y tế nhập ngoại, tôi chưa từng nhìn thấy sản phẩm nào là sụn sinh học lạnh Seogsun như được đề cập tại cơ sở thẩm mỹ ChangWon".

Theo GS. Trần Thiết Sơn, hiện nay, tại Việt Nam, Bộ Y tế mới chỉ cho phép thực hiện nâng mũi bằng sụn tự thân (như sụn vành tai) và silicon định hình (silicon đặc, được đúc thành một khuôn mũi để dùng).

Thảm họa làm đẹp khi đến nhầm chỗ (bài 2): Chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ nói gì về sụn sinh học lạnh Seogsun của ChangWon?- Ảnh 2.
Liên quan đến sản phẩm sụn sinh học lạnh Seogsun được nhắc đến tại Viện Thẩm mỹ Quốc tế ChangWon (22A-22B Đại Cổ Việt, Hà Nội), phóng viên Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) đã có cuộc trao đổi với GS.TS.BS Trần Thiết Sơn. Ảnh: Nhật Tân

"Bên cạnh đó, người ta cũng có thể kết hợp giữa silicon và sụn tự thân để tăng hiệu quả sụn silicon", GS. Sơn cho hay.

Cũng theo GS. Trần Thiết Sơn, sụn sinh học lạnh Seogsun không phải sụn tự thân nên không được phép sử dụng trong phẫu thuật thẩm mỹ (nâng mũi). Nếu không được kiểm soát an toàn, giả sử là sụn của người đã chết, sẽ rất nguy hiểm. Bởi khi không được kiểm chứng, kiểm soát được độ an toàn chất liệu, diệt khuẩn… thì nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm càng cao.

GS. Trần Thiết Sơn khẳng định: "Trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi tại Việt Nam chỉ có 2 loại chất liệu nói trên. Riêng silicon có nhiều loại nhưng dạng lỏng đang cấm không được sử dụng".

Thảm họa làm đẹp khi đến nhầm chỗ (bài 2): Chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ nói gì về sụn sinh học lạnh Seogsun của ChangWon?- Ảnh 3.
Những lời quảng cáo mỹ miều về nâng mũi trên website: http://thammyvienchangwon.vn.

Về giá thành trong một ca phẫu thuật nâng mũi, GS Trần Thiết Sơn cho rằng, chi phí tùy thuộc vào tay nghề của bác sĩ. Mức chi phí nâng mũi có thể dao động từ 80 – 100 triệu đồng/ca. Song, giá có thể chỉ còn vài triệu đối với bác sĩ mới vào nghề cần nâng cao tay nghề hoặc thiếu uy tín. Đặc biệt, chi phí ở những cơ sở không phép sẽ càng thấp hơn. Mức phí phẫu thuật sẽ được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định và công khai.

GS.TS.BS. Trần Thái Sơn 'chỉ điểm' những quảng cáo sai sự thật tại ChangWon

Trong buổi làm việc với phóng viên, GS.TS.BS Trần Thiết Sơn đã chỉ ra nhiều nghi ngờ trong hoạt động tư vấn, quảng cáo của ChangWon.

Thứ nhất, về việc bảo quản sụn sinh học lạnh Seogun ở nhiệt độ âm 200 độ C đưa về Việt Nam, GS.TS.BS Trần Thiết Sơn khẳng định, hiện ở nước ta, thiết bị bảo quản mức tối đa là âm 196 độ C. 

"Để bảo quản được vật tư y tế ở nhiệt độ âm 200 độ C, trang thiết bị bảo quản phải rất đặc biệt. Hơn nưa, khi đưa về Việt Nam, sản phẩm phải được bảo quản như thế nào, bệnh viện lớn tại Việt Nam chưa đủ cơ sở để đạt độ âm 200 độ C thì làm sao một cơ sở thẩm mỹ quy mô nhỏ có thể làm, nên việc quảng cáo bảo quản sụn mũi ở nhiệt độ âm 200 độ C là vớ vẩn", GS. Trần Thiết Sơn cho hay.

Thứ hai, quảng cáo nâng mũi bằng siêu sợi sinh học là vớ vẩn nhất. GS Trần Thái Sơn khẳng định: "Tôi không biết họ học ở đâu về nâng mũi bằng sợi sinh học. Tôi đã tiếp nhận, xử lý nhiều ca bệnh bị "nhét" nhiều sợi chỉ trong mũi. Nhiều ca bị nhiễm trùng, viêm nhiễm, có người bị viêm trong vòng 2 năm phải mổ đi mổ lại. Chưa bao giờ phẫu thuật nâng mũi bằng chỉ có kết quả tốt đẹp".

Thảm họa làm đẹp khi đến nhầm chỗ (bài 2): Chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ nói gì về sụn sinh học lạnh Seogsun của ChangWon?- Ảnh 4.
Hình ảnh sau nâng mũi của một bạn đọc phản ánh đến Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) sau thời gian dài nâng mũi tại ChangWon cơ sở số 22A-22B Đại Cổ Việt. Ảnh: NVCC

Thứ ba là quảng cáo không cần định hình, không mổ, không gây mê, không đau… khi nâng mũi cũng không đúng sự thật. GS. Trần Thiết Sơn khẳng định, khi mở (mổ) vách mũi ra là có nguy cơ chảy máu, xung huyết. Sau mổ có thể làm biến dạng các vị trí silicon, tăng nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu và tiết dịch… nên không có chuyện không mổ.

  • Phòng khám thẩm mỹ Cao Kim và hàng loạt nha khoa, thầy thuốc bị xử phạt do vi phạm quy định pháp luật

    Phòng khám thẩm mỹ Cao Kim và hàng loạt nha khoa, thầy thuốc bị xử phạt do vi phạm quy định pháp luậtĐỌC NGAY

"Họ quảng cáo dùng các mỹ từ đặc biệt để lôi kéo khách hàng, trên thế giới cũng không có phẫu thuật viên nào khuyên bệnh nhân như thế", GS Sơn cho hay.

Theo GS. Trần Thiết Sơn, mỗi người đều có cấu trúc mũi, đặc thù mũi riêng. Trước khi thực hiện phẫu thuật, phải làm xét nghiệm để xem đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng. Trong phẫu thuật, cho dù gây mê, gây tê cũng phải đủ các yếu tố xét nghiệm cơ bản để tránh những trường hợp như: tiểu đường, bệnh lý về máu, chậm liền vết thương, không đông máu, rối loạn thận, chức năng gan… Khi đủ điều kiện đảm bảo các yếu tố đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, mới tiến hành thực hiện.

Bên cạnh đó, các chất liệu thuốc gây mê, gây tê phải được kiểm soát về vấn đề phản ứng với cơ thể bệnh nhân. Bởi vì có thể xảy ra sốc phản vệ.

GS.TS.BS Trần Thiết Sơn khuyến cáo người dân cần thực hiện các hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở y tế được cấp phép, hoặc tại Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ của bệnh viện, với đầy đủ trang thiết bị sơ cứu, cấp cứu.

Hiện người dân đang bị nhầm lẫn hoặc chưa hiểu rõ thẩm mỹ viện với phòng khám thẩm mỹ. Thẩm mỹ viện hay viện thẩm mỹ, viện chăm sóc sắc đẹp… đều không được thực hiện các hoạt động xâm lấn, phẫu thuật như nâng mũi, xâm lấn, tiêm, mổ…

Phòng khám thẩm mỹ, khoa phẫu thuật thẩm mỹ ở bệnh viện công hoặc tư nhân mới được phép thực hiện các hoạt động xâm lấn, phẫu thuật nhưng phải được thẩm định, kiểm soát chặt chẽ về cơ sở vật chất, nhân lực.


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thảm họa làm đẹp khi đến nhầm chỗ (bài 2): Chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ nói gì về sụn sinh học lạnh Seogsun của ChangWon?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO