Với 1.000 tấn cá chết, người nuôi cá trên sông La Ngà ở Đồng Nai có thể thiệt hại hàng chục tỷ đồng, gây hao tổn ngân sách nhưng nguyên nhân khiến con sông ô nhiễm vẫn không rõ ràng.
5 ngày sau khi xảy ra việc cá nuôi lồng bè của người dân trên sông La Ngà (đoạn thuộc xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) chết hàng loạt đến gần 1.000 tấn chỉ sau một đêm, ngày 22-5, có mặt ở làng bè, mùi xác cá thối rữa vẫn còn nồng nặc. Nhiều bao tải vứt đây đó chưa kịp nhặt dọn. Trên sông còn vương xác cá thối rùm. Nhiều gương mặt thất thần. Các dèo, bè nuôi cá ngổn ngang, tiêu điều, trống rỗng. Vài chỗ, người nuôi cá đang vận chuyển những bao cá chết cuối cùng, đã bốc mùi tanh nồng đưa lên xe tải hoặc ghe bán cho những nông dân trong vùng làm phân bón.
Cả làng bè buồn thảm
Gặp chúng tôi khi đang cố chất hết bao cá chết lên ghe, câu đầu tiên ông Huỳnh Thành Vinh (48 tuổi) thốt lên: "Mất trắng hết rồi! Hàng trăm triệu đồng vốn liếng vay mượn coi như tiêu tan!". Cùng cảnh ngộ, ông Phan Văn Trí nói chen vào: "Người nuôi cá có kinh nghiệm hơn 20 năm như ông cũng trở nên trắng tay. Vay ngân hàng làm vốn, thức ăn cho cá thì được đại lý bán thiếu rồi trả theo kiểu gối đầu, giờ đây cá chết hết, gia đình chúng tôi phải ôm một đống nợ nần…".
Anh Huỳnh Văn Bảy cho biết toàn bộ hơn 20 tấn cá lăng, chép của gia đình anh đã đến kỳ xuất bán chết trắng chỉ sau vài giờ khi một luồng nước đục theo dòng tràn xuống. "Cá ngáp rồi chết hàng loạt, trong đêm chúng tôi huy động người nhà vớt để cứu cá nhưng số lượng quá nhiều, không thể nào cứu vãn được…" - anh Bảy nhìn cảnh làng bè giờ đây tan hoang, giọng lạc đi.
Còn bà Phạm Thị Linh cho hay rút kinh nghiệm từ năm ngoái, năm nay gia đình bà tính thu hoạch cá sớm nhưng chưa kịp bán thì tai họa ập đến. Năm 2018, hộ bà cũng bị thiệt hại, thêm năm nay nữa thì nợ nần trở nên chồng chất. "Cá đến kỳ thu hoạch từ 70.000-100.000 đồng/kg, đến lúc đó bán tháo vài ngàn đồng/kg mà cũng không được, phải vứt lại đó hôi thối vài ngày sau người ta mới đến lấy đi ủ làm phân bón, đau lòng lắm nhưng cũng chỉ biết khóc mà thôi…" - bà Linh rơi nước mắt.
Riêng anh Long thì bức xúc hỏi chẳng lẽ những người nuôi cá như anh cứ mãi khóc vậy sao? "Năm ngoái, gia đình tôi thiệt hại 20 tấn, năm nay mất 40 tấn cá, vốn liếng của "bay" 1,4 tỉ đồng. Giờ đây cảm thấy gần như tuyệt vọng, bởi số tiền hỗ trợ không thể giúp gia đình tôi gượng dậy được" - anh Long không kìm được cảm xúc khi nhìn về phía bè cá trống rỗng của mình.
Cảnh ngộ của ông Vinh, ông Trí, anh Bảy, bà Linh hay anh Long cũng là tình cảnh chung của hàng trăm hộ dân nuôi cá xung quanh. Không khí làng bè buồn thảm. Chẳng ai nói chuyện với ai, chỉ cặm cụi dọn dẹp. Nhiều người bỏ mặc cảnh tan hoang, lên bờ đi đâu đó cho khuây khỏa.
Cần làm rõ nguyên nhân, thủ phạm
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán, cho biết hiện đang chờ kết luận từ các cơ quan của tỉnh để có phương án hỗ trợ người dân và giúp địa phương định hướng cho thời gian tới.
Trong khi đó, để bước đầu truy tìm nguyên nhân thảm kịch cứ xảy ra liên tiếp với người dân nuôi cá trên sông La Ngà, nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc. Tuy nhiên, những thông số đưa ra cũng như năm trước - tức không đưa ra một kết luận đáng tin cậy cuối cùng.
Cụ thể, vài ngày sau khi xảy ra sự việc, Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai đã lấy 13 mẫu nước, 14 mẫu cá tại khu vực cá chết để gửi lên các đơn vị chuyên môn cấp bộ phân tích làm rõ, hiện vẫn còn chờ kết luận. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đồng Nai sau khi xét nghiệm nguồn nước chỉ đưa ra kết luận là "khí độc vượt chuẩn". Theo đơn vị này, thời điểm cá chết hàng loạt, nguồn nước sông La Ngà ở khu vực trên có nồng độ ôxy hòa tan (DO) ở mức thấp, chỉ 2,6-3,2 mg/lít, trong khi ở mức thông thường hàm lượng này phải từ 4 mg/lít trở lên. Ngoài ra, nồng độ amoni và nitrite vượt ngưỡng cho phép từ 10-20 lần.
Sở này đưa ra nhận định ban đầu cho rằng do nước mưa sau những trận mưa lớn đổ về sông La Ngà đã làm tăng độc tố, khiến cá chết. Từ đó, một nguyên nhân chung chung được đưa ra: Sự cố cá chết là do… biến đổi môi trường (!?). Thế nhưng, trong ngày 22-5, tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai lại cho biết chờ kết luận từ các cơ quan chức năng, nếu xác định cá chết do thiên tai thì sẽ kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ người dân gặp họa, tổng mức hỗ trợ ban đầu đề nghị sẽ khoảng 10 tỉ đồng.
Năm ngoái, cũng tại khu vực này và cũng vào thời điểm này, sau một đêm mưa, gần 2.000 tấn cá đến kỳ thu hoạch của người dân cũng chết trắng bụng không kịp bán. Sau đó, rốt cuộc với những kết luận chung chung không rõ nguyên nhân, chính quyền phải hỗ trợ người dân với hơn 10 tỉ đồng từ ngân sách!
Tiền ngân sách đã trút ra cả chục tỉ đồng nhưng theo hàng trăm hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà thì chưa thấm vào đâu so với thiệt hại của họ. "Cái chúng tôi cần là phải làm rõ ai là thủ phạm gây ra thảm cảnh cá chết chứ cứ kết luận chung chung như năm ngoái thì chúng tôi không thể yên tâm làm nghề. Trong khi, nghề nuôi cá lồng bè là nghề chính nuôi sống gia đình chúng tôi" - anh Long bức xúc đề nghị.
Các nhà máy ven sông đều vô can?
Chị Giang, người nuôi cá tại đây, cho biết đã có thâm niên nuôi cá bè ở khu vực này gần 20 năm, nhưng nhiều năm về trước dòng sông còn sạch sẽ, không hề có việc cá chết đau lòng như gần đây. Theo chị, dòng sông đang dần ô nhiễm nặng, đặc biệt khi trời mưa các nguồn nước xung quanh đổ xuống, cũng không loại trừ các xí nghiệp nhà máy xung quanh lợi dụng trời mưa để xả thải "bẩn". "Tôi thấy rõ luồng nước đen đặc và váng màu vàng cuộn xuống và các bè cá trúng luồng này thì cá chết hàng loạt, các bè khác thì không bị" - chị Giang khẳng định.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện xung quanh khu vực làng bè La Ngà có nhiều nhà máy đang hoạt động như Nhà máy Sản xuất phụ gia Mauri, Nhà máy Đường La Ngà, Công ty Phúc Lộc Thọ… Các đơn vị này đều từng rất tai tiếng về việc xả thải bẩn, từng bị xử phạt nhiều lần. Ngoài ra, gần đây còn có nhiều đơn vị chế biến xoài trong khu vực sông cũng được coi có thể là thủ phạm gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tại vùng này, có dòng suối Tam Bung, chảy qua 2 xã Suối Nho và Phú Túc, đổ ra sông La Ngà. Con suối này hiện nay đặc quánh, đen kịt, nhiều nơi sủi bọt trắng và bốc mùi nồng nặc.
Dù thực tế chúng tôi ghi nhận là vậy nhưng UBND huyện Định Quán lại nhất mực cho rằng từ sau các sự cố xảy ra thời gian trước đây, các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên rà soát, giám sát các nguồn xả thải rất chặt chẽ (!?). Tương tự, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định các cơ sở sản xuất tại khu vực được kiểm soát rất chặt chẽ, có hệ thống quan trắc truyền dữ liệu thường xuyên được giám sát (!?).
Riêng ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, thì "nhẹ nhàng" hơn: "Nếu xác định thủ phạm là do con người thì pháp luật sẽ xử lý!".
(Theo Người Lao Động)