PLBĐ - Phản ánh đến Báo Sức khoẻ & Đời sống, một khách hàng của TMV Cihan đã cảm thấy bản thân như bị lừa khi phải mua tuýp thuốc Aciclovir cream BP 5% tại cơ sở TMV Cihan với giá 300 nghìn đồng trong khi ngoài thị trường tuýp thuốc này chỉ có giá... 25 nghìn đồng.
Ngày nay, nhu cầu làm đẹp tỷ lệ thuận với việc các Spa và Thẩm mỹ viện (TMV) "mọc" lên ngày càng nhiều, chính vì vậy việc đi đến các Thẩm mỹ viện hay Spa để làm đẹp không còn là điều xa lạ với nhiều người.
Tuy nhiên, không phải ai khi đến những địa chỉ làm đẹp đều hiểu rõ được chức năng và nhiệm vụ thực sự của cơ sở, nên xảy ra tình trạng nhiều nơi chỉ là cơ sở chăm sóc sắc đẹp thông thường nhưng lại hoạt động các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn gây chảy máu, hay kê đơn bán thuốc cho khách hàng.
Phản ánh đến Báo Sức khỏe & Đời sống, anh H.T.L. (Hà Nội) cho biết, anh đã phải mua một tuýp thuốc với giá 300 nghìn đồng tại một cơ sở thẩm mỹ viện thông thường, trong khi ngoài thị trường tuýp thuốc này chỉ có giá 25 nghìn đồng.
Cụ thể, qua facebook anh L. biết đến TMV Cihan Beauty & Academy (TMV Cihan - số 9 Nguyễn Văn Tuyết, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) có dịch vụ "Điều trị thâm môi". Theo quảng cáo trên facebook, giá điều trị là khuyến mại là 599.000 nghìn đồng. Sau khi đến TMV Cihan, được tư vấn và kiểm tra thì anh L. đăng ký gói điều trị 3 ngày với giá 2,6 triệu đồng.
Cũng theo anh L., sau khi điều trị xong buổi 1 thì bên TMV Cihan yêu cầu anh thanh toán 2,6 triệu đồng tiền điều trị 3 buổi, cộng thêm tiền thuốc mang về bôi thêm với giá 1,5 triệu đồng. Do không mang đủ tiền nên anh đã thanh toán cho TMV số tiền là 1,5 triệu đồng, bao gồm thanh toán một phần tiền điều trị và mua 1 lọ thuốc Aciclovir cream BP 5%.
"Tôi thấy mình bị lừa khi mua tuýp thuốc Aciclovir cream BP 5% với giá 300 nghìn đồng trong khi ngoài hiệu thuốc chỉ bán với giá 25 nghìn đồng. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà các khách hàng khác khi đến TMV Cihan cũng đều bị lừa khi phải mua thuốc với giá "cắt cổ" như thế này", anh L. chia sẻ".
Để có thông tin khách quan, chính xác, phóng viên đã liên hệ đến TMV Cihan theo số điện thoại 0987131xxx có trên Fanpage Viện Thẩm Mỹ Quốc Tế CIHAN. Trả lời phóng viên, người tự xưng là quản lý của TMV Cihan cho hay sẽ xác nhận lại thông tin phản ánh sau đó liên hệ lại. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía cơ sở.
Xung quanh sự việc này, trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, Luật sư Hoàng Thị Hương Giang – Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, theo quy định tại Luật dược năm 2016, để kinh doanh thuốc thì các cơ sở kinh doanh phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo quy định (trừ các cơ sở có hoạt động dược nhưng không vì mục đích thương mại; Cơ sở kinh doanh có tổ chức kệ thuốc; Cơ sở nuôi trồng, thu hái dược liệu; Cơ sở y tế thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hoạt động cung ứng thuốc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).
Quy định tại khoản 5, Điều 6, Luật khám chữa bệnh năm 2009 quy định cũng nghiêm cấm người hành nghề khám, chữa bệnh bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ bác sỹ đông y, y sỹ đông y, lương y và người có bài thuốc gia truyền.
Cũng theo Luật sư Hoàng Thị Hương Giang, đối với cơ sở bán lẻ thuốc phải có địa điểm, khu vực bảo quản, trang thiết bị bảo quản, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc; có người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược và phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của cơ quan có thẩm quyền.
"Trong trường hợp cơ sở không có giấy phép theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán thuốc, dược liệu mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược quy định tại điểm a, khoản 5 Điều 59 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Ngoài ra, cơ sở vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều này.
Còn nếu trong trường hợp việc bán thuốc là do người hành nghề khám, chữa bệnh của cơ sở đó thực hiện thì người này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định điểm a khoản 6 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính Phủ về vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được bán thuốc y học cổ truyền theo quy định của pháp luật. Ngoài ra người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng theo quy định tại điểm b khoản Điều này", Luật sư phân tích.
Luật sư Giang cho biết thêm, theo quy định tại khoản 73, Điều 5, Nghị định 155/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ y tế đã quy định rõ, cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại do chính cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công, cơ sở nhập khẩu thuốc đó đã kê khai, kê khai lại.
Do đó, trong trường hợp cơ sở kinh doanh bán thuốc cao hơn giá kê khai theo quy định thì đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 66 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
Khoản 3 Điều 66 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định:
3. Phạt tiền đối với hành vi bán buôn thuốc mà thuốc đó chưa được cơ sở sản xuất, cơ sở đặt gia công thuốc hoặc cơ sở nhập khẩu thuốc kê khai hoặc giá bán thuốc cao hơn so với giá đã được kê khai, kê khai lại đang có hiệu lực theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều này theo một trong các mức sau đây:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với thuốc có giá bán tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với thuốc có giá bán tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 1.000 đồng đến 5.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với thuốc có giá bán tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 5.000 đồng đến 100.000 đồng
d) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với thuốc có giá bán tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với thuốc có giá bán tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất trên 1.000.000 đồng.
Ngoài ra, còn buộc nộp lại số tiền chênh lệch do hành vi vi vi phạm theo quy định tại khoản 5 Điều 66 Nghị định này.
Pháp luật & Bạn đọc sẽ tiếp tục thông tin.