Bài viết sau có nội dung về thẩm quyền cấp Giấy phép và các trường hợp miễn cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm mới nhất được quy định trong Nghị định 34/2024/NĐ-CP.
Thẩm quyền cấp Giấy phép và các trường hợp miễn cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm mới nhất (Hình từ Internet)
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 34/2024/NĐ-CP thì thẩm quyền cấp Giấy phép và các trường hợp miễn cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm như sau:
- Bộ Công an tổ chức cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 1, loại 2, loại 3, loại 4, loại 9 theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 34/2024/NĐ-CP (trừ hóa chất bảo vệ thực vật và quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 34/2024/NĐ-CP).
- Bộ Quốc phòng tổ chức cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
- Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 5, loại 8 theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 34/2024/NĐ-CP.
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật.
- Cơ quan cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm căn cứ vào loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 34/2024/NĐ-CP để quyết định tuyến đường vận chuyển và thời gian vận chuyển.
- Việc cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 7 được thực hiện theo quy định tại Nghị định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.
- Cơ quan cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm từ chối cấp giấy phép đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là các chất dễ cháy, nổ có hành trình đi qua công trình hầm, phà theo quy định tại Điều 12 Nghị định 34/2024/NĐ-CP.
- Tổ chức, cá nhân khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm thuộc một trong các trường hợp sau đây được miễn cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo quy định tại Nghị định 34/2024/NĐ-CP:
+ Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và khí thiên nhiên nén (CNG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 1.080 ki-lô-gam;
+ Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 2.250 ki-lô-gam;
+ Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là nhiên liệu lỏng có tổng dung tích nhỏ hơn 1.500 lít;
+ Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật có tổng khối lượng nhỏ hơn 1.000 ki-lô-gam;
+ Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm đối với các hóa chất độc nguy hiểm còn lại trong các loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm.
- Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm không phải đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm quy định tại khoản 8 Điều 17 Nghị định 34/2024/NĐ-CP phải đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong quá trình vận chuyển.
Nội dung, mẫu Giấy phép và thời hạn Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm được quy định cụ thể tại Điều 16 Nghị định 34/2024/NĐ-CP như sau:
- Nội dung của Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm
+ Tên, địa chỉ, điện thoại liên hệ của đơn vị được cấp giấy phép; họ và tên, chức danh người đại diện theo pháp luật;
+ Loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm;
+ Hành trình, lịch trình vận chuyển (áp dụng đối với trường hợp cấp theo chuyến);
+ Thời hạn của giấy phép.
Đối với trường hợp cấp theo từng chuyến hàng phải có thêm thông tin về phương tiện và người điều khiển phương tiện, người áp tải (áp dụng đối với trường hợp vận chuyển hàng hóa nguy hiểm quy định phải có người áp tải).
- Mẫu Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải có mã nhận diện QR, báo hiệu nguy hiểm do cơ quan cấp quản lý và phát hành.
- Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm có hiệu lực trên toàn quốc. Thời hạn của giấy phép theo đề nghị của người vận tải nhưng tối đa không quá 24 tháng và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện.
Võ Tấn Đại