Tại khu vực Chợ Lớn từng phổ biến bài đồng dao: "Nhất dương chỉ, Nhị thiên đường, Tam tông miếu, Tứ đổ tường, Ngũ vị hương, Lục tào xá". Trong đó, Trong đó, Nhị Thiên Đường là tên một hãng dầu nổi tiếng do ông Vi Khải sáng lập.
DẦU GIÓ TRỊ BÁCH BỆNH
Nhị Thiên Đường đã phát triển thương hiệu ở Việt Nam và Campuchia từ trước những năm 1930. Trước khi thành lập nên nhà thuốc, dòng thuốc "hiệu ông Phật" đã có mặt tại miền Nam vào những năm 1900, do ông Vi Bắc phát triển. Ông là một nhà chiêm tinh học, giỏi nghề y và là cha của ông Vi Khải. Nhà thuốc được thành lập sau khi ông Vi Khải du học rồi trở về Việt Nam cùng với số tiền may mắn có được nhờ vào xổ số.
Tại Việt Nam, hãng đã phát triển ở Chợ Lớn hai cơ sở là "Nhị Thiên Đường Dược Hành" (ngày nay thuộc đường Triệu Quang Phục, Q.5) và "Nhị Thiên Đường Chế Dược Xưởng" (nhà máy sản xuất, nay thuộc đường Trần Hưng Đạo) với nhãn hiệu "Ông Phật".
Các sản phẩm của hãng vào lúc thịnh hành bao gồm: Nhân đơn, Ngoại cảm tán, Vạn ứng Nhị thiên dầu ve vuông, phát lãnh hoàn, sâm nhung bổ thận hoàn, phụ khoa kim phụng hoàn, sâm nhung vệ sinh hoàn, cam tích tán, thối nhiệt hoàn, căn cơ tán.v.v ....
Đặc biệt, dầu gió Nhị Thiên Đường được người dân tín nhiệm gọi là dầu "trị bá bệnh", hễ đau ở đâu là lấy ra bôi ở đấy, đau đầu thì xoa hai bên thái dương, đau bụng xoa lên bụng, sổ mũi thì thoa lên hai lỗ mũi, ho thì xức lên cổ. Thậm chí, bị trầy da chảy máu lấy dầu thoa lên như loại thuốc sát trùng, hay khi cảm thấy ớn lạnh người ta thường nhỏ vài giọt dầu vào nồi nước sôi, trùm mền để xông, khi mồ hôi ra như tắm thì sẽ thấy khỏe lại...
Việc phân phối sản phẩm đã được mở rộng từ Việt Nam sang các thành phố lớn ở Campuchia, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Ấn Độ, Philippines và Trung Quốc. Năm 1930, hãng phát triển hai cơ sở tại Hương Cảng (Trung Quốc) giống như ở Chợ Lớn. Đến năm 1954, chúng được hợp nhất để trở thành Công ty TNHH Nhị Thiên Đường.
THAM VỌNG MỞ CHUỖI 2.000 NHÀ THUỐC CỦA BÀ CHỦ NHỊ THIÊN ĐƯỜNG
Sau rất nhiều thăng trầm do chiến tranh và thay đổi chế độ xã hội, ngày 22/6/1991, ông Lê Vinh Thọ - người được nhà thuốc Nhị Thiên Đường (Hồng Kông, Trung Quốc) ủy nhiệm để tiếp tục sản xuất ở Việt Nam đã chính thức chấm dứt quyền sử dụng tên và nhãn hiệu Nhị Thiên Đường.
Đến năm 2012, Thương hiệu Nhị Thiên Đường được bà Lê Thị Giàu, chủ tịch Công ty CP Thực phẩm Bình Tây (Bình Tây Food) mua lại. Hiện nay, Công ty CP Đông Nam Dược Nhị Thiên Đường do bà Lê Thị Giàu làm Tổng giám đốc. Công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó, bà Lê Thị Giàu nắm 84%, ông Lê Trần Trường An nắm 6% và bà Đào Thị Thoại Châu cùng ông Nguyễn Thành Hậu mỗi người nắm 5%.
Dù đã về tay bà chủ Bình Tây Food nhưng chai dầu "trị bách bệnh" vẫn chủ yếu chỉ được bán tại nước ngoài cho các Việt kiều. Năm 2023, thương hiệu Nhị Thiên Đường chính thức quay trở lại thị trường Việt Nam sau 50 năm vắng bóng.
Với việc quay trở lại này, ở tuổi 65, bà chủ Nhị Thiên Đường bày tỏ khát vọng xây dựng hệ thống chuỗi cửa hàng Đông Nam Dược Nhị Thiên Đường với mục tiêu 2.000 cửa hàng trên toàn quốc và toàn cầu. Theo chia sẻ, nhà thuốc Nhị Thiên Đường sẽ. kết hợp thuốc Đông Nam dược, Tây dược, hợp tác với hệ thống phân phối thuốc sỉ.
Để so sánh, chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam là Long Châu của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đang có hơn 1.700 cửa hàng nội địa và được đánh giá là chuỗi mở rộng hiệu quả nhất trên thị trường chuỗi nhà thuốc hiện đại. An Khang của Thế giới di động đang dừng lại ở 500 cửa hàng trong khi Pharmacity cắt giảm dần xuống dưới 1.000 cửa hàng.
Mục tiêu 2.000 nhà thuốc của Nhị Thiên Đường đã thực hiện đến đâu?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có 1 nhà thuốc Nhị Thiên Đường Pharmacy tại quận 4, TP.HCM - là bên nhận nhượng quyền của chuỗi Nhà thuốc nhượng quyền Circa. Theo giới thiệu, bằng việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc phát triển hệ thống Quản lí bán lẻ (POS), Circa giúp nhà thuốc quản lý xuất nhập tồn, sản phẩm và doanh thu.
Đồng thời sẽ được số hóa các dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân, phát triển ứng dụng hỗ trợ người dùng tương tác với bác sĩ trực tuyến, trao đổi, tư vấn đơn thuốc online và ra đơn trực tiếp tại nhà thuốc. Hiện có hơn 200 nhà thuốc đã tham gia hệ thống nhượng quyền Circa.
Nhị Thiên Đường đang sở hữu 1 fanpage có tên Nhị Thiên Đường Pharmacy - Quận 4 với 1.100 người theo dõi. Fanpage Nhà thuốc Circa - Nhị Thiên Đường có hơn 40 người theo dõi và tạm dừng lại ở bài đăng bức ảnh khai trương. Website nhithienduongpharmacy đã xây dựng danh mục thuốc bán online khá phong phú nhưng chưa thể đặt mua.
Như vậy, sự trở lại của thương hiệu 120 năm tuổi Nhị Thiên Đường cùng tham vọng cực lớn là 2.000 chuỗi nhà thuốc tại Việt Nam và toàn cầu mới đang dừng lại ở những bước đi ban đầu.
Bà Giàu là doanh nhân từng khởi kiện bà Nguyễn Phương Hằng – vợ ông Dũng "lò vôi" vì livestream xúc phạm danh dự. Trong đơn kiện, bà Giàu còn yêu cầu yêu cầu tòa án buộc bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần với số tiền 1.000 tỷ đồng.
CÂU CHUYỆN CỦA NHÀ SÁNG LẬP NHỊ THIÊN ĐƯỜNG
Người sáng lập ra Công ty Nhị Thiên Đường là ông Vi Khải hay Vi Thiếu Bá, người gốc Quảng Đông. Ông đã tốt nghiệp trường kinh doanh và một số trường chuyên về y khoa của Pháp và chú tâm phát triển nền y học Trung Quốc kết hợp với nền y học phương Tây. Ông thông thạo tiếng Pháp, Anh, Việt và một số ngôn ngữ khác.
Cái tên “Nhị Thiên Đường” có ý nghĩa “Dân dĩ thực vi thiên, dĩ dược vi đệ nhị thiên, tức vị nhị thiên đường”, nghĩa là dân lấy ăn làm trước nhất, kế đến là dùng thuốc, nên có Nhị Thiên Đường.
Năm 1920, khi sản phẩm Dầu Nhị Thiên đường đã nổi tiếng trên thị trường và bắt đầu bị làm nhái, để đưa được sản phẩm đến với mọi người, ông chủ Nhị Thiên Đường đã sử dụng một cách quảng cáo độc đáo. Ngoài đăng quảng cáo trên báo, áp phích, ông chủ này còn nhờ các nhà trí thức trong đó có các nhà văn viết ra một bộ sách gọi là "Vệ sinh chỉ nam" với cả 3 ngôn ngữ là Việt, Hoa và Pháp.
Mở cuốn sách bên trong đầy hình ảnh kèm theo những lời thuyết minh cho các loại thuốc, cao đơn hoàn tán. Bên cạnh các trang quảng cáo là những bài thơ, những đoạn văn thậm chí có những trích đoạn các tác phẩm nổi tiếng như Lục Vân Tiên, Nghĩa hiệp kỳ duyên - vốn là những tiểu thuyết ăn khách lúc bấy giờ.
Lúc đầu, "Vệ sinh chỉ nam" chỉ để tặng, không bán. Nhưng sau đó, lượng người xin để đọc quá nhiều, buộc lòng ông chủ Nhị Thiên đường phải in thêm và bán với giá rất rẻ để thu hồi lại chi phí in ấn. Cách quảng cáo của ông chủ Nhị Thiên đường đã có kết quả hơn cả mong đợi.
Năm 1925, ông Vi Khải đã đề xuất với chính quyền bỏ tiền ra xây cây cầu Nhị Thiên Đường bắc ngang kênh Đôi, nối liền trục giao thông từ Cần Giuộc về Sài Gòn để thuận tiện cho người dân và cho chính công nhân của mình qua lại.
Cầu Nhị Thiên Đường dài khoảng 200 m, bắc ngang qua một nhánh của kênh đôi Tàu Hũ, chảy nối từ sông Sài Gòn (phía bắc) về huyện Bình Chánh (phía nam). Đây là cửa ngõ kết nối vùng Chợ Lớn với các tỉnh miền Tây thông qua quốc lộ 50 bởi nhà thầu Vallois-Perret. Trong thời đại hoàng kim của cầu sắt nhưng không hiểu sao những người thiết kế cây cầu huyết mạch nối Chợ Lớn với miền Tây này lại xây hoàn toàn bằng bê tông cốt thép. Ngoài thân cầu thì cả các cột đèn trên cầu cũng bằng bê tông, trong khi đa phần các trụ đèn đường thời xưa của thành phố đều được Pháp làm bằng thép đúc.
Với sự nghiệp của mình, ông Vi Khải đã được nhà vua Bảo Đại Việt Nam và Vương quốc Campuchia trao thưởng các huân chương cao quý. Năm 1932, ông được người Pháp trao “Long Bảo Tinh” về những cống hiến và doanh nhân gốc Hoa ở hải ngoại được vinh danh như thế là hiếm có. Năm 1933, ông được ghi nhận vào Niên Giám Đông Dương với nhiều thành tựu và cống hiến.
Ông Vi Khải mất vào năm 1940, hai người con trai của ông là Cơ Trạch và Cơ Ân nối nghiệp cha.