Thanh niên bị suy thận và cao huyết áp cho biết thường xuyên có thói quen gây hại thận, đó là: Thích ăn khuya, uống nhiều rượu bia, ngày nào cũng uống nhiều cà phê và ăn nhiều muối.
Ở tuổi 21, anh Trần (Bắc Kinh, Trung Quốc) cho rằng suy thận hay huyết áp cao đều là “bệnh của người già”. Thật không ngờ, tháng trước anh phát hiện chính mình mắc cả hai bệnh cùng lúc sau khi đi khám đau đầu.
Theo lời anh Trần kể, anh bị đau đầu và mệt mỏi dai dẳng trong khoảng 3 tuần liên tiếp. Lúc đầu, anh nghĩ đó là do mình thiếu ngủ nhưng dù ngủ sớm và ngủ đủ giấc vẫn không thay đổi. Đến tuần thứ tư, cơn đau nửa đầu dữ dội đến mức uống thuốc giảm đau nhiều lần trong ngày nhưng không hiệu quả anh mới đi khám.
Khi kiểm tra sơ bộ, y tá tại phòng chờ hoảng hốt nhận ra huyết áp của anh Trần cao đáng báo động. Huyết áp tâm thu đạt gần 180mmHg còn huyết áp tâm trương là gần 100mmHg. Trong khi 2 chỉ số này bình thường sẽ lần lượt ở mức 90 - 140mmHg và 60 - 90mmHg. Hỏi thêm cuộc sống hàng ngày có gì bất thường không thì anh Trần cho biết gần đây mình hay tức ngực khi đi lại, có bị tiểu ra máu.
Trước tình trạng tăng huyết áp quá mức và rối loạn nhịp tim, đau đầu kèm dấu hiệu protein niệu, anh Trần được chuyển thẳng tới phòng cấp cứu để chạy thận. Hóa ra, anh bị suy thận đã lâu nhưng không biết và không điều trị, dẫn tới hình thành u rê huyết.
Sau khi tìm hiểu, anh Trần có 4 kiểu ăn uống khoái khẩu ở người trẻ gây hại cho thận đó là: Thích ăn khuya, uống nhiều rượu bia, ngày nào cũng uống nhiều cà phê và ăn nhiều muối. Ngoài ra, anh còn thức khuya mỗi ngày, thiếu ngủ và thích hút thuốc.
Bác sĩ cho biết lối sống không lành mạnh của anh chính là nguyên nhân gây bệnh. Tất cả chúng hiệp đồng khiến anh mắc bệnh thận, cao huyết ápkhi còn rất trẻ.
Một trong số những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh tăng huyết áp là suy thận và một trong những dấu hiệu thường gặp nhất ở những bệnh nhân mắc các bệnh lý thận là tăng huyết áp.
Trong trường hợp bệnh tăng huyết áp nguyên phát, nếu không điều trị kịp thời khi tình trạng huyết áp tăng quá cao có thể gây biến chứng ở thận. Khi áp lực quá lớn, các mạch máu bị giãn, tăng lượng máu lưu thông, hệ thống mạch máu yếu dần trong đó có mạch máu ở thận, các mạch máu xung quanh dần bị xơ cứng, từ đó làm suy giảm chức năng thận, gây bệnh. Đồng thời, khi huyết áp cao kéo dài sẽ làm tăng áp lực ở cầu thận khiến thận làm việc vất vả hơn, dẫn đến suy thận.
Trong trường hợp tăng huyết áp thứ phát từ bệnh thận, khi các chức năng của thận suy giảm, chức năng lọc máu của thận sẽ bị cản trở và không thể đào thải các chất bài tiết ra ngoài, gây áp lực lớn lên thành mạch máu dẫn đến huyết áp tăng. Huyết áp tăng khiến hệ thống mạch máu thận bị phá hủy, thận ngừng làm việc.
Vòng tuần hoàn bệnh lý trên dẫn đến bệnh thận ngày càng nặng hơn và gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Với những người huyết áp tăng nhẹ thường không có biểu hiện rõ ràng. Khi huyết áp tăng cao thường thấy đau đầu, chóng mặt, đôi khi thấy có cảm giác buồn nôn.
Ở giai đoạn sớm của bệnh thận, bệnh nhân thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Vào giai đoạn toàn phát, bệnh nhân thường có các biểu hiện như:
Phù ở chân, tay hoặc toàn thân do lượng nước và muối bị ứ đọng.
Bụng to, chướng, tích dịch gây đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu, chèn ép khiến người bệnh khó thở.
Chán ăn, ăn không ngon, sụt cân bất thường, buồn nôn, nôn ói.
Da sạm hoặc xanh xao, khô da, ngứa.
Tăng huyết áp, đau đầu, đau tức ngực, khó thở khi tim mạch hay phổi bị tác động.
Người mệt mỏi, mỏi cơ, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung.
Tiểu ít, bí tiểu, nước tiểu chứa đạm cao, nước tiểu đục, nhiều bọt, nước tiểu lẫn mủ, máu hoặc tiểu máu toàn bản.
- Để phòng suy thận do tăng huyết áp từ sớm, bạn cần được khám định kỳ để đánh giá chức năng thận.
- Người bị tăng huyết áp nên ăn uống điều độ để phòng ngừa, cải thiện suy thận.
- Giảm cân nếu đang béo phì, thừa cân.
- Nên tập thể dục nhẹ nhàng 30 phút/ngày.
- Không uống rượu, bia hoặc hút thuốc lá.
- Dùng thuốc điều trị tăng huyết áp theo chỉ định. Không được tự ý bỏ thuốc, tăng hoặc giảm liều, thay đổi loại thuốc.