Thay đổi lối sống, hành vi ăn uống thế nào để bệnh đái tháo đường không trở nặng?

25/11/2022 06:38

Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định, TS.BS. Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương khuyến cáo việc thay đổi lối sống, hành vi ăn uống, vận động thể lực giúp ngăn ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường.

Nguyên tắc ăn uống, vận động cho người bệnh đái tháo đường

  • Người bệnh đái tháo đường nên áp dụng chế độ ăn uống có các chất đạm - béo - đường - vitamin - muối khoáng - nước với khối lượng hợp lý.
  • Không làm tăng đường huyết máu nhiều sau ăn. Không làm hạ đường máu lúc xa bữa ăn.
  • Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp , suy thận.
  • Ăn món ăn đơn giản, không quá đắt tiền, phù hợp với tập quán ăn uống của địa phương, dân tộc.
  • Ăn uống theo chế độ và phân bố nhóm đa lượng: Sự phân bố cần được cá nhân hóa trong khi vẫn duy trì lượng calo và các mục tiêu trao đổi chất.
  • Nhóm carbohydrate từ ngũ cốc nguyên hạt, rau, hoa quả, hạt đậu và các sản phẩm từ sữa, với trọng tâm là thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao và chỉ số đường huyết thấp được khuyên nên dùng so với các loại thực phẩm khác, đặc biệt là thực phẩm có chứa đường.
  • Duy trì được hoạt động thể lực bình thường hàng ngày. Duy trì cân nặng ở mức lý tưởng, không để quá béo hoặc quá gầy.

Thay đổi lối sống, hành vi ăn uống thế nào để bệnh đái tháo đường không trở nặng? - Ảnh 2.

Điều trị đái tháo đường cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa dinh dưỡng với việc tuân thủ dùng thuốc và chế độ luyện tập thể dục phù hợp để ngăn ngừa các biến chứng. Ảnh minh họa.

Khuyến nghị dinh dưỡng cần áp dụng

- Những bệnh nhân đái tháo đường có thể trạng gầy, yếu cần tăng năng lượng, có thể thêm bữa phụ tùy theo sự lựa chọn, tình trạng bệnh lý của người bệnh.

  • Bữa phụ bổ sung nằm trong kế hoạch dinh dưỡng. Bữa ăn hỗn hợp bao gồm: glucid, protid, lipid, chất xơ... hạn chế tăng đường huyết.
  • Bữa chính và bữa phụ nên thực hiện thời điểm tương đối cố định hàng ngày, cũng như số lượng và loại thức ăn.

Lượng glucid tối thiểu trong khẩu phần ăn hàng ngày ≥ 130 g.

- Về chất đạm: Không có bằng chứng về lượng protein lý tưởng để tối ưu hóa việc kiểm soát glucose máu hoặc các nguy cơ về tim mạch. Do vậy, nên cá nhân hóa lượng protein.

Tiêu thụ protein làm tăng đáp ứng insulin mà không tăng nồng độ glucose trong huyết tương. Do đó, không nên dùng các nguồn protein có hàm lượng carbohydrate cao để điều trị hoặc ngăn ngừa hạ đường huyết.

- Người bệnh đái tháo đường không nên uống rượu nhiều vì có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết, đặc biệt nếu dùng insulin hoặc các chất gây tiết insulin. Cần đảm bảo việc giáo dục về nhận thức liên quan đến quản lý hạ đường huyết.

- Những người mắc bệnh đái tháo đường nên hạn chế tiêu thụ sodium (Na - một loại muối mà cơ thể hấp thụ phần lớn từ những thực phẩm chế biến sẵn và đóng gói được bày bán và tiêu thụ rộng rãi hiện nay), dưới 2.300mg/ngày. Những hạn chế này còn quan trọng hơn với người bị cả bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.

Một kế hoạch ăn uống nhấn mạnh đến các yếu tố theo kiểu Địa Trung Hải (với rau, củ, quả, cá và các loại gạo nguyên cám), giàu axit béo không bão hòa đơn có thể cải thiện chuyển hóa glucose, giảm nguy cơ bệnh tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường.

Thay đổi hành vi ăn uống hàng ngày đóng vai trò quan trọng trong thay đổi lối sống

  • Người bệnh cần biết đọc các nhãn mác các sản phẩm dinh dưỡng, lựa chọn thực phẩm, tự theo dõi và ngừng ăn vặt, bỏ bữa.
  • Chỉ ăn khi cảm thấy đói và dừng lại khi cảm thấy no hoặc sự vui thích ăn uống giảm.
  • Ăn chậm: cảm giác no sẽ xuất hiện 20 phút sau khi bắt đầu bữa ăn;
  • Ngồi xuống bàn khi ăn (không đứng hoặc đang đi) và không làm việc gì khác: xem tivi, xem điện thoại, nghe đài, đọc sách…
  • Hãy ăn chậm và thưởng thức bữa ăn, chú ý mùi vị, hương vị, thành phần và nhiệt độ món ăn.
  • Cần duy trì 3 bữa chính, các bữa phụ nên cá nhân hóa. Cần tránh bỏ bữa sáng để giảm cân, cũng như ăn bữa phụ trước khi đi ngủ vì các nghiên cứu cho thấy cả hai đều làm tăng nguy cơ gây tăng cân.
  • Bữa ăn thay thế (thay thế 1 – 2 bữa ăn/ngày như là một phần của can thiệp dinh dưỡng giảm năng lượng) có tác dụng giảm cân, vòng bụng, huyết áp và kiểm soát đường huyết.
    Các phân tích meta-analysis của 23 nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng về chương trình can thiệp giảm cân trong đó có sử dụng bữa ăn thay thế đã cho thấy hiệu quả giảm cân lớn hơn trong thời gian 1 năm so với chương trình giảm cân không sử dụng bữa ăn thay thế, có hoặc không có sự hỗ trợ thay đổi hành vi.

Vận động thể lực là cần thiết

- Tăng cường vận động trong cuộc sống hàng ngày, tránh lối sống tĩnh tại, ít vận động: hạn chế xem tivi, chơi điện tử, đi cầu thang bộ thay vì cầu thang máy, làm việc gia đình, làm vườn…

- Vận động thể lực thường xuyên có thể cải thiện nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch chuyển hóa ở người trưởng thành thừa cân, béo phì bao gồm: tăng đường huyết và nhạy cảm insulin, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu.

- Vận động thể lực đều đặn có thể cải thiện chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe, các rối loạn tâm sinh lý (trầm cảm, lo âu…) của người thừa cân, béo phì .

- Người bệnh được khuyến khích tập thường xuyên, ít nhất là 30 phút/ngày với cường độ vận động trung bình như: đi bộ nhanh, chạy, bơi, đạp xe đạp tốc độ trung bình... Việc tăng cường mức độ vận động hơn nữa sẽ mang lại những hiệu quả có lợi cho sức khỏe hơn.

- Nếu không có chống chỉ định, người bệnh nên tập luyện những môn thể thao đối kháng ít nhất 2 lần/tuần. Việc vận động thời gian ngắn (10 – 15 phút) nhiều lần trong ngày (như đi bộ nhanh) cũng mang lại lợi ích cho sức khỏe.

- Tăng cường vận động cơ thể, tập luyện thể thao không chỉ giúp giảm cân mà còn có tác dụng duy trì cân nặng sau khi đạt mục tiêu giảm cân và tăng cường sức khỏe.

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính mà dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị. Để kiểm soát tốt đường huyết, người bệnh không nhất thiết phải “kiêng khem” quá mức như mọi người từng nghĩ.

Hiểu rõ được tầm quan trọng của dinh dưỡng điều trị, biết cách phân bố bữa ăn hợp lý và lựa chọn thực phẩm phù hợp trong khẩu phần ăn hằng ngày, người bệnh đái tháo đường vẫn có thể xây dựng được các thực đơn đa dạng, phong phú với đầy đủ các nhóm thực phẩm mà vẫn duy trì được mức đường huyết ổn định lâu dài.

Ngoài ra, điều trị đái tháo đường cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa dinh dưỡng với việc tuân thủ dùng thuốc và chế độ luyện tập thể dục phù hợp. Như vậy, bệnh nhân sẽ kiểm soát tốt căn bệnh và phòng ngừa được những biến chứng nguy hiểm về sau.

 TS.BS. Phan Hướng Dương

Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thay đổi lối sống, hành vi ăn uống thế nào để bệnh đái tháo đường không trở nặng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO