Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về thẻ đầu cuối là gì? Quy định về thẻ đầu cuối gắn trên các phương tiện để thanh toán điện tử giao thông.
Thẻ đầu cuối là gì? Quy định về thẻ đầu cuối gắn trên các phương tiện để thanh toán điện tử giao thông (Hình từ internet)
Thẻ đầu cuối là thiết bị điện tử được gắn trên phương tiện để giao tiếp thông tin với hệ thống thiết bị lắp đặt tại các điểm thu theo tiêu chuẩn về nhận dạng tần số vô tuyến thụ động cho việc giao tiếp không dây và lưu trữ các thông tin liên quan đến kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện.
(Khoản 3 Điều 3 Nghị định 119/2024/NĐ-CP)
Theo Điều 7 Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định thẻ đầu cuối gắn trên các phương tiện như sau:
- Phương tiện phải được gắn thẻ đầu cuối để mở tài khoản giao thông. Việc gắn thẻ đầu cuối và kích hoạt thẻ đầu cuối do Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện theo các quy định tại Nghị định 119/2024/NĐ-CP.
- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện gắn thẻ đầu cuối cho các phương tiện phục vụ an ninh, quốc phòng tham gia giao thông.
- Chủ phương tiện phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ. Thẻ đầu cuối được Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ bảo hành trong thời gian tối thiểu là 12 tháng kể từ thời điểm gắn thẻ.
Được biết, tài khoản giao thông là tài khoản mở cho chủ phương tiện giao thông đường bộ và kết nối với phương tiện thanh toán hợp pháp để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật về ngân hàng. (Khoản 2 Điều 43 Luật Đường bộ 2024)
Như vậy, theo quy định nêu trên, phương tiện phải được gắn thẻ đầu cuối để mở tài khoản giao thông nhằm thực hiện thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông.
Theo khoản 1 Điều 9 Quyết định 19/2020/QĐ-TTg thì các phương tiện sau đây phải gắn thẻ đầu cuối:
- Phương tiện giao thông đường bộ thuộc đối tượng chịu phí dịch vụ sử dụng đường bộ;
- Các phương tiện được miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ như:
+ Xe cứu thương;
+ Xe cứu hỏa;
+ Xe chuyên dùng phục vụ an ninh;
+ Xe sử dụng vé “Phí đường bộ toàn quốc”.
Theo nguyên tắc chung về thanh toán điện tử giao thông đường bộ tại Điều 4 Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định:
- Bảo đảm tính minh bạch của công tác thanh toán điện tử các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện.
- Bảo đảm yêu cầu về kết nối liên thông giữa các cấu thành hệ thống thanh toán điện tử giao thông. Mỗi phương tiện chỉ gắn 01 thẻ đầu cuối tại một thời điểm.
- Bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của chủ phương tiện theo quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm việc tích hợp, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời để phục vụ các mục tiêu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm quyền được lựa chọn, sử dụng dịch vụ, tiện ích giá trị gia tăng của chủ phương tiện.
Như vậy, theo nguyên tắc trên thì mỗi phương tiện chỉ gắn 01 thẻ đầu cuối tại một thời điểm.