Thêm một trường hợp bị vỡ túi ngực khi đi máy bay

Thanh Hải 26/07/2019 15:59

PLBĐ - Sau khi cất cánh được khoảng 40 phút, chuyến bay VN1262 của Vietnam Airlines khởi hành từ TP HCM đi Vinh đã phải hạ cánh khẩn cấp tại Đà Nẵng để cấp cứu cho một nữ hành khách bị chảy máu ở vết thương trên ngực trái.

Dân trí đưa tin, sáng nay (26/7), chuyến bay VN1262 của Vietnam Airlines khởi hành từ TP HCM đi Vinh đã phải hạ cánh khẩn cấp tại Đà Nẵng, để cấp cứu cho một nữ hành khách bị chảy máu ở ngực trái. Nữ hành khách sau đó được chẩn đoán bị vỡ túi ngực phẫu thuật thẩm mỹ do chênh lệch áp suất trên máy bay.

Theo đó, chuyến bay VN1262 cất cánh rời TP HCM lúc 6h40. Sau khoảng 40 phút, hành khách N.T.H. tại ghế ngồi 18B có dấu hiệu chảy máu tại vết thương sau phẫu thuật thẩm mỹ ở ngực trái. Khách nữ liên hệ tiếp viên để xin bông, gạc.

Ngay sau khi nhận thông tin về tình trạng sức khoẻ của khách, tiếp viên trưởng đã phát thanh đề nghị hỗ trợ y tế từ các hành khách trên chuyến bay và nhận được sự giúp đỡ của một y sĩ đông y. Mặc dù nỗ lực sơ cứu, nhưng y sĩ vẫn không thể cầm máu cho khách vì lúc này máy bay đang ở độ cao khoảng 10.000m, chênh lệch áp suất lớn.

vna-2-1564119026224
Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Đà Nẵng sáng 26/7. (Ảnh: Dân trí)

Nhận thấy tình trạng sức khoẻ của mình  không thuyên giảm, khách nữ N.T.H. yêu cầu hỗ trợ y tế gấp và tổ tiếp viên đã thông báo tới cơ trưởng để có phương án xử lý. Sau đó, cơ trưởng quyết định cho máy bay chuyển hướng hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Đà Nẵng và thông báo với bộ phận mặt đất để kịp thời cấp cứu cho hành khách.

Tại sân bay Đà Nẵng, chi nhánh Vietnam Airlines đã liên hệ với bộ phận y tế của sân bay, chuẩn bị xe cứu thương và đón hành khách N.T.H. từ trên máy bay. Do đi một mình nên hành khách đã được đưa đến Bệnh viện Hoàn Mỹ dưới sự hỗ trợ của nhân viên Vietnam Airlines.

Cùng lúc, Vietnam Airlines đã tiến hành nạp thêm nhiên liệu tại Đà Nẵng trước khi đưa chuyến bay VN1262 tiếp tục hành trình đến Vinh theo kế hoạch. Chuyến bay cất cánh rời Đà Nẵng lúc 9h. Hãng đã gửi lời xin lỗi đến hành khách trên chuyến bay và mong nhận được sự thông cảm của hành khách về trường hợp hạ cánh khẩn cấp này.

Tiếp viên trưởng Trần Thị Ngọc Mai - người trực tiếp xử lý sự cố của khách nữ N.T.H. trên chuyến bay VN1262 - cho biết: “Sau khi nhận được thông tin, tổ tiếp viên đã chia thành hai bộ phận, một mặt hỗ trợ sơ cứu, chăm sóc và động viên hành khách bị thương, mặt khác tiếp tục phục vụ các hành khách còn lại trên chuyến bay. Rất may là ngay sau khi máy bay hạ cánh tại Đà Nẵng, khách đã được nhân viên y tế sơ cứu và đưa đi bệnh viên kịp thời.”.

Cũng theo Tiếp viên trưởng chuyến bay VN1262, cả tổ tiếp viên cảm thấy rất vui vì hành khách đã được an toàn, dù sau cũng phải xử lý thêm nhiều nghiệp vụ khác để chuyến bay có thể cất cánh trở lại. “Sự an toàn của hành khách là động lực để chúng tôi an tâm, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ chuyến bay này cũng như các chuyến bay tiếp theo trong ngày.” - tiếp viên Trần Thị Ngọc Mai nói.

Theo nhiều nguồn tin, vết thương trên ngực trái của nạn nhân là do bị vỡ túi ngực phẫu thuật thẩm mỹ vì chênh lệch áp suất trên máy bay.

Được biết đây không phải là trường hợp đầu tiên, trước đó việc vụ "thánh nữ Bolero Việt" khi đi máy bay bị nổ ngực đã khiến nhiều người vô cùng quan tâm. Cụ thể, vào cuối tháng 10/2018, ca sĩ Mai Tường Vy (nghệ danh Ivy Trần, 38 tuổi) bị vỡ túi ngực trên máy bay. Sau khi Tường Vy kết thúc chuyến lưu diễn và đang trên chuyến máy bay từ Đài Loan về Việt Nam, nữ ca sĩ cảm thấy ngực trái có những âm thanh lạ giống như vỡ ra và sưng to gây đau đớn.

Tuy nhiên theo các bác sĩ, rất khó có trường hợp túi ngực phẫu thuật thẩm mỹ vỡ do chênh lệch áp suất máy bay vì áp suất trong khoang hành khách khoảng 760 mmHg tương đương với áp suất ở mặt đất.

Nguyên nhân vỡ túi ngực có thể là túi độn không chất lượng, bị thoái hóa, biến chất theo thời gian.

1_1_1
Mai Tường Vy bị vỡ túi ngực sau 7 năm "dao kéo". (Ảnh: BSCC)

Ngoài những trường hợp trên, trên thế giới cũng có một số trường hợp bị nổ ngực khiến nhiều chị em hoang mang:

“Nổ” ngực vì bác sĩ độn silicon quá tay

Huấn luyện viên thể hình Kim Brockhurst (51 tuổi) cũng gặp phải tai nạn kinh hoàng sau khi tân trang vòng 1. Ngực của bà Kim vỡ do bác sĩ bơm silicon quá nhiều so với khả năng chịu đựng của cơ thể. Điều này khiến khối silicon bị rò rỉ dịch và phát nổ. Một lý do nữa là bởi bà được trung tâm thẩm mỹ sử dụng chất liệu “rởm” để bơm ngực.

tu-vu-thanh-nu-bolero-viet-co-that-chuyen-no-nguc-khi-di-may-bay-ba311c

“Nổ” ngực khi đang đi máy bay

Vào tháng 7/2009, một phụ nữ người Nga tên Irena D. gặp sự cố kinh hoàng trên chuyến bay Boeing-767 từ Nga đi California, Mỹ. Khi chiếc máy bay vừa hạ cánh, Irena đột nhiên ngất xỉu. Các bác sĩ Mỹ phải mất một thời gian mới tìm ra nguyên nhân, chính là do ngực silicon của cô bị rách thủng. Trước đó trong suốt hành trình, Irena đã cảm thấy sức khoẻ không ổn nhưng chỉ nghĩ do chênh lệch áp suất.

Bác sĩ nhận định, ngực giả của bệnh nhân “nổ” do đã có vấn đề từ trước đó nhưng không được phát hiện kịp nên khi gặp áp suất chênh lệch trên máy bay mới xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Silicon chạy xuống bụng và lưng

Tai biến hy hữu xảy ra với bệnh nhân 37 tuổi ở Phúc Kiến, Trung Quốc vào năm 2015. Người phụ nữ này đã bỏ ra 215 USD để nâng ngực vào năm 2004, tuy nhiên từ năm 2012, cô bắt đầu thấy đau ngực thường xuyên, các u cục cứng bắt đầu xuất hiện cánh tay, bụng và lưng.

tu-vu-thanh-nu-bolero-viet-co-that-chuyen-no-nguc-khi-di-may-bay-547bed
Silicon chảy xuống bụng bệnh nhân.

Qua xác định, vật liệu nâng ngực là gel polyacrylamide hydrophilic có độc tính cao - một chất được sử dụng rộng rãi trong nâng ngực giai đoạn đầu tại Trung Quốc. Tuy nhiên từ 2006, Trung Quốc đã cấm sử dụng chất liệu này.

Từ những trường hợp trên, các chuyên gia khuyến cáo khi đặt túi ngực sau mổ từ 5 -10 năm, phái đẹp nên đi kiểm tra, nhất là giai đoạn trên 10 năm phải định kỳ đi kiểm tra 6 tháng/lần. Bệnh nhân sẽ được kiểm tra chụp X-quang nhũ ảnh (phim dành riêng chụp ngực) để phát hiện túi ngực bị biến dạng, nếp gấp co bao, có dịch hay không. Nếu có bất thường bác sĩ sẽ tư vấn cách xử lý an toàn cho bệnh nhân. Để tránh biến chứng co bao xơ sau nâng ngực, người bệnh phải tập luyện mát xa vòng một, không mặc áo ngực.

 T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thêm một trường hợp bị vỡ túi ngực khi đi máy bay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO