Thêm vụ ngộ độc cá nóc tử vong: Làm sao để phòng tránh?

13/12/2021 12:11

PLBĐ - Ở nước ta đã có không trường hợp bị ngộ độc nặng, thậm chí là tử vong do ăn cá nóc. Mới đây nhất, tại tỉnh Ninh Thuận cũng ghi nhận thêm 1 người tử vong, 3 người cấp cứu sau khi ăn loại cá này.

Nhiều vụ ngộ độc do ăn cá nóc

Sáng nay (13/12), bà Dương Thị Mỹ Diễm - Chủ tịch UBND xã Cà Ná (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm thương tâm khiến 1 người tử vong và 3 người phải đi cấp cứu khẩn cấp.

Theo đó, vào khoảng 18h ngày 11/12, anh L.V.S. (33 tuổi, làm nghề câu cá, ngụ thôn Lạc Sơn 3, xã Cà Ná) được bạn thuyền cho 4 con cá nóc. Anh S. đem về chế biến món ăn, rồi mời chị N. và 2 con của chị N. ăn cùng.

Đến 20h cùng ngày, chị N. và 2 con nhỏ có biểu hiện bị tê môi, tê lưỡi thì được người nhà phát hiện và đưa đến bệnh viện cấp cứu. Nhờ cấp cứu kịp thời nên đến sáng 13/12, chị N. và 2 con nhỏ đã qua cơn nguy kịch.

Riêng anh S., đến 23h mới được người nhà phát hiện có biểu hiện lạ và đưa đi bệnh viện cấp cứu. Do không được phát hiện kịp thời, độc tố phát tán mạnh nên anh S. đã tử vong.

Nhiều nghười tử vong do ăn cá nóc: Nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 1.

Gia đình đang tiến hành lo hậu sự cho anh S. (Ảnh: Dân trí)

Được biết, dù đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng hằng năm ở nước ta vẫn còn khá nhiều ca ngộ độc, thậm chí tử vong do ăn cá nóc. Cụ thể, vào khoảng 20h ngày 25/12/2019, tại nhà ông Đồng Trinh H. (thôn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có chế biến 1 con cá nóc trọng lượng 8kg do ông H. đánh cá được. Có 6 người cùng ăn cá nóc.

Ngay sau khi ăn cá nóc, cả 6 người đều bị ngộ độc thực phẩm và được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương tỉnh Quảng Nam. Trong đó, ông H. đã tử vong sau khi cấp cứu.

Trước đó, vào tháng 1/2019, trong lúc đưa tàu vào tránh trú bão số 1 tại cửa Rạch Gốc (Cà Mau), anh Nguyễn Thành H. (42 tuổi, ở ấp Lưu Hòa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) có làm thịt cá nóc. Ngay sau khi ăn, anh H. bị ngộ độc dẫn đến tử vong trên tàu.

Vào 10/2017, một nhóm ngư dân đi biển ở Bình Thuận ăn cá nóc cũng đã bị trúng độc khiến 1 người chết và 5 người khác phải nhập viện cấp cứu. Khi được hỏi sao biết cá nóc độc mà vẫn ăn, nhóm ngư dân cho biết từng ăn cá nóc không sao nên lần này tiếp tục làm thịt cá nấu bữa sáng.

Độc cá nóc nguy hiểm như thế nào và cách phòng ngừa ngộ độc

Cá nóc là một sinh vật có xương sống, rất độc. Tại Việt Nam, nó còn có tên là cá cóc, cá bống hoa, cá đùi gà. Tại Mỹ, cá nóc được gọi là Pufferfish còn Nhật Bản gọi sinh vật này là Fugu. Loài cá này sống chủ yếu ở vùng biển cận nhiệt đới và ở vùng nước mặn nhiều hơn nước ngọt. 

Cá nóc có kích thước từ nhỏ đến trung bình, thân dài từ 4 - 40cm, thân chắc, đầu to, mắt lồi, thịt trắng. Đây là một sinh vật rất độc, độc tố chủ yếu tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng và nhiều nhất là ở trứng. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng cá nóc cái độc hơn con đực, đặc biệt là vào mùa sinh sản.

Nhiều nghười tử vong do ăn cá nóc: Nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 2.

Cá nóc. (Ảnh tư liệu của Cục An toàn thực phẩm)

Chất độc của cá nóc có tên là Tetrodotoxin. Đây là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.200 lần so với Cyanua. Độc tố của một con cá nóc đủ giết chết 30 người.

Người ăn phải cá nóc có độc tố Tetrodotoxin, sau 5 phút đến 3-4 giờ mới xuất hiện cảm giác ngộ độc: ngứa miệng và tê môi, lưỡi. Tiếp sau đó là mệt mỏi, chóng mặt, thắt nghẹt lồng ngực, vã mồ hôi, sùi bọt mép, nói khó, đau bụng, buồn nôn, nôn, liệt các cơ vùng đầu, mặt, cổ. Trường hợp nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái. Cuối cùng là suy hô hấp, trụy tim mạch và tử vong. Tỷ lệ người trúng độc tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời.

Theo các chuyên gia y tế, mặc dù ngộ độc cá nóc rất nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì sẽ phục hồi hồi sau 1 ngày. Hiện nay, chưa có thuốc giải độc cá nóc, các biện pháp điều trị chỉ mang tính chất hỗ trợ loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể nên nguy cơ tử vong do nhiễm độc nặng vẫn có thể thể xảy ra.

Để phòng tránh bị ngộ độc cá nóc, người dân cần lưu ý những vấn đề như không nên ăn cá nóc. Kiểm tra kỹ xem cá nóc có bị lẫn vào cá thường hay không khi đánh bắt hoặc phơi cá khô. Người dân không nên làm các sản phẩm từ cá nóc đem bán. Nâng cao mức hiểu biết của người dân về loài cá nguy hiểm này bằng cách tuyên truyền qua nhiều kênh khác nhau. Khi ăn phải cá nóc, nếu xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc cần đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thêm vụ ngộ độc cá nóc tử vong: Làm sao để phòng tránh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO