Robot được các công ty trong lĩnh vực ô tô, thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng, sản xuất kim loại sử dụng nhiều, với mức tăng trưởng mỗi năm khoảng 10%.
Tại buổi trao đổi về chủ đề "Nhà máy thông minh - Tương lai của ngành sản xuất và gia công cơ khí", do Công ty Reed Tradex Việt Nam tổ chức ngày 25-7 ở TP HCM, ông Huỳnh Phong Phú, Giám đốc Ban Robot và tự động hóa nhà máy Công ty ABB Việt Nam, cho biết trong năm 2017 thị trường robot tại Việt Nam đang bùng nổ và được xếp hạng lớn thứ 7 trên thế giới nhờ làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc trong lĩnh vực điện tử. Robot còn được các công ty trong lĩnh vực ô tô, thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng, sản xuất kim loại sử dụng nhiều, với mức tăng trưởng mỗi năm khoảng 10%.
Tuy nhiên, chi phí robot hiện vẫn còn khá cao nên chỉ có các doanh nghiệp quy mô vừa trở lên mới có khả năng sở hữu.
Quy mô thị trường nhà máy thông minh toàn cầu dự kiến tăng vọt từ 75 tỉ USD năm 2018 lên hơn 155 tỉ USD năm 2025. Nhà máy thông minh đóng vai trò quan trọng trong tương lai của ngành sản xuất do nhu cầu gia tăng mạnh mẽ đối với các giải pháp công nghiệp nhằm góp phần tối ưu hóa đầu ra, tiết kiệm chi phí lao động và chi phí vận hành vốn tiêu tốn không ít nguồn lực tài chính của doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Reed Tradex Vietnam, nhà máy thông minh được số hóa và trang bị tiên tiến sẽ nâng cao năng lực sản xuất và giảm chi phí trong nhiều hoạt động khác nhau.
Các công nghệ nổi trội phải kể đến như Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và phân tích trong mô hình nhà máy thông minh hoàn toàn có thể chủ động vận hành và sửa chữa. Một số phần mềm hoạch định và quản lý thậm chí còn có thể phát hiện các lỗi có nguy cơ xảy ra và cảnh báo người vận hành để loại bỏ tổn thất.
Còn theo ông Phú, ngành công nghiệp sản xuất phụ trợ tại Việt Nam đang phát triển khi hội tụ cùng lúc nhiều điều kiện. Sự xuất hiện các nhà sản xuất quy mô lớn trên thế giới như Samsung, LG, Toyota, Honda, Canon, Brother... tại Việt Nam, một số cơ sở sản xuất này là trọng tâm trong cả hệ thống cung ứng sản xuất trên toàn thế giới.
Các nhà sản xuất, lắp ráp Việt Nam cũng đã phát triển đến quy mô lớn và tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn sản xuất của thế giới. Hai điều kiện trên đã thúc đẩy sự phát triển của hệ thống các doanh nghiệm cung ứng, phụ trợ. Các yêu cầu về sản phẩm và năng suất cũng tăng lên. Đây chính là những yếu tố đã thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển cả về lượng và chất trong thời gian gần đây.
(Theo Người lao động)