Cả lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động đều có xu hướng tăng trong tháng 7, bất chấp việc NHNN bơm ròng hàng trăm nghìn tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
Trong báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) cho biết, trong tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng linh hoạt cả hai kênh OMO và phát hành tín phiếu nhằm giúp ổn định thanh khoản hệ thống.
Theo dữ liệu của MBS, lượng tiền được bơm qua kênh OMO tháng này đã tăng gấp 4 lần so với tháng trước. Tính đến ngày 25/7, giá trị tiền ròng vào hệ thống ước đạt 392.500 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4,5%, trong đó bao gồm 236,1 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Cùng với đó, trong tháng 7, Ngân hàng Nhà nước cũng duy trì phát hành tín phiếu với tổng giá trị khoảng 148.100 tỷ đồng với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 4,5%. MBS ước tính khoảng 33.600 tỷ đồng tín phiếu sẽ tiếp tục đáo hạn trong tháng 8
Mặc những nỗ lực can thiệp của NHNN, lãi suất qua đêm vẫn neo cao ở mức 4,7%, trong khi lãi suất các kỳ hạn từ 1 tuần đến 1 tháng dao động từ 4,7% - 4,8% vào cuối tháng 7. Cụ thể, lãi suất thị trường liên ngân hàng duy trì trên ngưỡng 4% ở tất cả các kỳ hạn trong tháng. Vào ngày 9/7, lãi suất qua đêm bật tăng lên 4,9% - mức cao nhất kể từ cuối tháng 5 – phát tín hiệu về thiếu hụt thanh khoản hệ thống sau những động thái hút ròng mạnh mẽ của NHNN trong 2 tháng vừa qua. Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 30/6 đã đạt 6% cũng là 1 yếu tố tác động đến đà tăng của lãi suất liên ngân hàng.
Trên thị trường 1, tính đến ngày 25/7, tổng cộng đã có 16 ngân hàng (bao gồm 4 ngân hàng lớn: MB, VPBank, Sacombank, và BIDV) điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1% - 0,7%, thậm chí lãi suất ở một vài ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn.
"Điều này đã khiến các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường", MBS nhận định.
Nhóm phân tích cho rằng lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2024 do cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
"Chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5 điểm %, quay về mức 5,2-5,5%/năm vào cuối năm 2024", báo cáo MBS viết.
Tuy nhiên, MBS đánh giá lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.