Sự vươn lên mạnh mẽ của Xanh SM không chỉ tạo ra làn sóng mới về tiêu dùng mà còn gây ra những khó khăn đáng kể cho các đối thủ khác trên thị trường.
10 năm kể từ khi những thương hiệu đầu tiên vào Việt Nam, thị trường gọi xe công nghệ trong nước đang tăng trưởng mạnh mẽ - với quy mô đã đạt 727,73 triệu USD vào năm 2023; dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 880 triệu USD vào năm 2024 và có thể đạt con số đạt 2,16 tỷ USD vào năm 2029 - theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence.
Đầy tiềm năng nhưng khốc liệt, thị trường cũng đã chứng kiến cú sẩy chân của không ít ông lớn công nghệ khi gia nhập. Uber không phải là ngoại binh đầu tiên ngã ngựa, từ 16/9 năm nay, Gojek - start up kỳ lân nổi tiếng của Indonesia cũng đã dừng hoạt động tại Việt Nam sau nhiều năm chinh chiến.
Việc Uber và Gojek rút lui khiến cho thị trường gọi xe công nghệ chỉ còn 3 cái tên lớn là Grab – Xanh SM và Be. Theo báo cáo "The Connected Consumer quý I/2024" của Decision Lab, Grab vẫn là ứng dụng gọi xe được ưa chuộng nhất tại Việt Nam với 64% người dùng. Tuy nhiên, thị phần của hãng gọi xe này đã giảm 8% so với năm trước.
Báo cáo từ Mordor Intelligence chỉ ra Xanh SM đang là nhân tố mới đầy tiềm năng, không chỉ đơn thuần là gia nhập thị trường mà đã trực tiếp làm thay đổi thứ hạng và thị phần của các nhà cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ. Với chiến lược mở rộng nhanh chóng và thu hút số lượng lớn tài xế cùng khách hàng, Xanh SM đã vươn lên chiếm thị phần lớn thứ 2 thị trường vào Quý IV/2023, chỉ sau hơn 7 tháng chính thức gia nhập thị trường.
“Sự phát triển của Xanh SM hơn 1 năm bằng cả thập kỷ các hãng xe công nghệ khác” – đó là cách giới chuyên gia nói về doanh nghiệp này.
Từ một đơn vị mới ra mắt với đội xe mang sắc xanh lục lam đặc trưng, Xanh SM đã nhanh chóng phủ sóng tại 55 tỉnh thành với hơn 80.000 phương tiện, bao gồm ô tô điện và xe máy điện.
Trong khi đó, Be – ứng dụng gọi xe thuần Việt vẫn duy trì sự ổn định, dù phải cạnh tranh gay gắt với Grab và Xanh SM. Theo dữ liệu từ Statista, vào năm 2021, chỉ có 18% người dùng thường xuyên sử dụng dịch vụ gọi xe máy của Be. Tuy nhiên, đến năm 2024, Be đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng với thêm 13% lượng người dùng thường xuyên, cho thấy sự thay đổi đáng kể trong thị phần.
Đầu tháng 1/2024, ứng dụng gọi xe Be huy động được thêm 740 tỷ đồng để mở rộng kinh doanh. Cùng với những gì đã đạt được, với bước đệm này, Be thực sự đang là đối thủ đáng gờm với Grab.
Áp lực của “gã khổng lồ” Grab và cách làm khác biệt của tân binh Xanh SM
Trong khi Xanh SM tập trung vào dịch vụ thân thiện với môi trường và giá cả linh hoạt, Be duy trì một vị thế ổn định nhờ chiến lược tập trung vào các thị trường đô thị cụ thể, tăng cường sự hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tăng sức “chiến đấu” thì Grab đang “hụt hơi”, và có phần chậm hơn trong việc đa dạng hóa dịch vụ và thích ứng với các xu hướng mới.
“Grab vào thị trường lâu năm nhưng phương tiện di chuyển đã cũ vì thế tôi thường cân nhắc đây là lựa chọn sau Xanh SM hoặc Be”, anh Trường Thắng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Về phía người dùng, Xanh SM đang được đánh giá cao bởi sử dụng 100% xe thuần điện, không phát thải, không mùi xăng và thái độ của tài xế lịch sự, chuyên nghiệp.
"Không giống một số xe taxi khác đã chạy lâu năm hay xe cá nhân chạy dịch vụ, taxi điện sạch sẽ, không mùi nên trẻ nhỏ nhà tôi không sợ, không say xe. Đi đường xa thì lên xe ngủ một giấc là đến nơi. Ngoài ra, tôi cũng có thể giải thích với con về việc sử dụng xe điện để bảo vệ môi trường, việc này rất ý nghĩa", anh Tuấn Nam (Hà Nội) chia sẻ.
Xanh SM ngày lớn mạnh với khả năng phủ thị trường cực khủng. Thực tế, ngày càng nhiều tài xế cũng đang chuyển sang đồng hành cùng thương hiệu này. Theo TS Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên cao cấp và Điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, điều này không khó hiểu bởi Xanh SM đang thực hiện các chính sách lương, thưởng và các chế độ phúc lợi tốt, giúp mang lại cảm giác sự an tâm và an toàn cho chính các tài xế.
Bên cạnh đó, hình ảnh thân thiện với môi trường không chỉ giúp Xanh SM nổi bật trong mắt người dùng mà còn tạo sức hút đối với những tài xế mong muốn làm việc cho một thương hiệu có trách nhiệm xã hội.
Một trong những điểm đặc biệt và chưa từng có trong tiền lệ, đó là Xanh SM đã truyền cảm hứng chuyển đổi xanh cho hơn 40 doanh nghiệp là các hãng taxi, doanh nghiệp vận tải hợp tác nhượng quyền kinh doanh taxi điện tại nhiều địa phương.
Trong tháng 9, GSM đã ký kết biên bản ghi nhớ với Liên hiệp Hợp tác xã Liên minh Kinh tế miền Nam về việc cho thuê 5.000 ô tô điện VinFast để thay dần đội xe xăng hiện tại. Trước đó, GSM cũng kết nối để hàng chục hãng taxi, doanh nghiệp vận tải sớm chuyển đổi sang xe điện với hàng loạt những cái tên như Én Vàng (Hải Phòng), Lado (Lâm Đồng)…
“Một là xây dựng tương lai cho con em chúng ta, để các thế hệ sau có môi trường sống xanh, sạch, an toàn hơn. Hai là có một thương hiệu Việt đẳng cấp quốc tế. VinFast có thể là thương hiệu đầu tiên nhưng từ sự truyền cảm hứng đó, chúng ta sẽ có hàng chục, hàng trăm thương hiệu khác. Đó cũng sẽ là niềm tự hào, là tương lai của con em chúng ta”, chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã nói trong cuộc gặp 70 doanh nhân đại diện cho 50 hãng taxi trong nước hôm 1/10 vừa qua. Điều này một lần nữa cho thấy tầm nhìn lớn của GMS, khi yếu tố quyền lợi được đặt song hành, hài hoà với trách nhiệm xã hội.
Quan sát sự thần tốc, bài bản trong cách làm của Xanh SM, nhiều chuyên gia phân tích thương hiệu này hoàn toàn có triển vọng "lật đổ" vị trí của gã khổng lồ Grab.