Thiếu phụ hai lần phạm tội mua bán người

Gia Ân 27/06/2024 15:48

Tội phạm mua bán người đã và đang bị lên án gay gắt, trở thành loại tội phạm nguy hiểm trong xã hội. Thế nhưng, vì tiền mà nhiều đối tượng đã nhẫn tâm dùng những lời lẽ dụ dỗ, hứa hẹn tìm việc làm lương cao, công khai ngã giá, rủ rê nạn nhân đi lấy chồng nước ngoài. Đáng nói, có những đối tượng đã nhiều lần bán phụ nữ sang bên kia biên giới.

Hai lần lừa bán phụ nữ

Cụt Thị Tư (SN 1993), sinh ra tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) nhưng sau đó sang Trung Quốc lấy chồng. Quá trình sinh sống, người phụ nữ này biết nhu cầu mua phụ nữ về làm vợ của một số đàn ông nơi đây.

Do đó, cuối năm 2016 trong một lần về nước, Tư đã gặp và bàn bạc với Lô Văn Đức (SN 1990, trú xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn) về việc tìm phụ nữ đưa sang Trung Quốc bán. Tư giao kèo với Đức “nếu người đẹp trả công 20 triệu, còn người xấu 10 triệu đồng”.

muabannguoi.jpg
Bị cáo Cụt Thị Tư và Lô Văn Đức tại tòa.

Trước phi vụ làm ăn béo bở, Đức liền đi tìm “con mồi”. Đối tượng này đã tiếp cận với chị Lương Thị U. (SN 1995, trú xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn), cho biết có khả năng đưa người đi làm công ty ở miền Nam. Trước lời hứa sẽ có việc nhẹ, lương cao, chị U. gật đầu đồng ý.

Ít ngày sau, Đức đưa chị U. ra TP. Móng Cái (Quảng Ninh). Lúc này, Đức mới cho cô gái biết qua Trung Quốc để lấy chồng và sẽ trả cho gia đình 100 triệu đồng. Do không còn cách nào khác nên cô gái trẻ đành nhắm mắt theo chân Đức vượt biên sang bên kia biên giới.

Sau khi sang xứ người, Tư đón chị U. về nhà chồng ở. Khoảng 1 tuần sau, Tư đã bán nạn nhân cho một người đàn ông Trung Quốc lấy làm vợ với giá 165 triệu đồng. Tư đưa cho Đức 150 triệu đồng để gửi về cho người thân của chị U. Tuy nhiên, Đức chỉ đưa cho bố của chị U. 70 triệu, số tiền còn lại thì tiêu xài cá nhân hết.

Về phần nạn nhân, sau thời gian làm vợ xứ người, chị U. bỏ trốn về Việt Nam. Đến ngày 8/2/2023, nạn nhân làm đơn tố cáo về hành vi của Lô Văn Đức đến cơ quan công an.

Từ đơn tố giác tội phạm, cơ quan công an đã lần lượt bắt giữ Lô Văn Đức và Cụt Thị Tư để điều tra về hành vi mua bán người. Đáng nói, tại thời điểm này Tư đang chấp hành bản án 8 năm tù. Bởi trước đó, Tư được xác định có liên quan đến vụ mua bán người khác và bị Tòa án tuyên phạt mức án như trên vào năm 2021.

Lần thứ hai đứng trước bục khai báo về hành vi mua bán người, bị cáo Tư cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo khai nhận từng lấy chồng và có thời gian sinh sống ở Trung Quốc.

Dù biết hành vi đưa phụ nữ sang Trung Quốc bán làm vợ là vi phạm pháp luật nhưng bị cáo vẫn thực hiện vì hám lợi. Chính hành vi nhẫn tâm của bị cáo đã khiến bị hại phải chịu nhiều khổ cực.

Nâng cao cảnh giác trước tội phạm mua bán người

Đến tham dự phiên tòa, bị hại đã kể lại cuộc sống khổ cực khi bị bán làm vợ người đàn ông không quen biết. Chị U. trình bày, vì tin lời bị cáo Đức là đi làm công ty nên mới đồng ý. Đến khi gần sang bên kia biên giới, bị hại mới biết mình đã bị lừa nhưng lúc này không thể quay đầu bỏ chạy.

muabannguoi2.jpg
Bị cáo Tư hai lần bị đưa ra xét xử về tội "Mua bán người".

Kể về cuộc sống nơi xứ người, chị U. cho hay, có rất nhiều rào cản từ ngôn ngữ, phong tục, lối sống… khiến bản thân chán nản. Tuy nhiên, vì không biết tiếng lại không rõ đường đi lối về nên đành phải âm thầm chịu đựng.

Quá trình chung sống như vợ chồng với người đàn ông Trung Quốc chị sinh 2 đứa con. Hàng ngày chị bị quản lý lỏng, phải ở nhà chăm con, lo cơm nước cho gia đình chồng mà không được ra ngoài. Cuộc sống tù bức khiến chị đành bỏ lại các con để trốn về nước. Đến tham dự phiên tòa, bị hại đề nghị HĐXX xử phạt các bị cáo theo quy định của pháp luật.

HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo đã trực tiếp xâm hại đến quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ. Các bị cáo là người khỏe mạnh, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự nhưng vì vụ lợi cá nhân mà coi thường pháp luật, cố ý thực hiện hành vi phạm tội nên cần có mức án nghiêm minh.

HĐXX đã tuyên phạt Cụt Thị Tư 6 năm tù, tổng hợp với bản án trước buộc bị cáo này phải thi hành án 14 năm tù. Bị cáo Lô Văn Đức bị tuyên phạt 6 năm tù.

Thời gian qua, tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp với nhiều thủ đoạn. Trong đó, các đối tượng đã lợi dụng vào các mối quan hệ quen biết hoặc qua các đầu mối trung gian để tiếp cận nạn nhân bằng những lời lẽ ngon ngọt như “việc nhẹ, lương cao”, công khai ngã giá, rủ rê nạn nhân đi lấy chồng ở nước ngoài sẽ có cuộc sống nhàn hạ hơn, gia đình có tiền nên một số nạn nhân tự nguyện đi theo.

Bên cạnh đó, một số đối tượng dùng thủ đoạn tìm đến các gia đình có phụ nữ ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đang mang thai, hoặc lợi dụng các trang mạng xã hội để dụ dỗ số phụ nữ đang mang thai đưa sang Trung Quốc sinh con, rồi bán.

Để ngăn chặn loại tội phạm này, ngoài công tác điều tra, các cơ quan liên quan chú trọng tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng cao. Bên cạnh đó, ngành chức năng và các địa phương duy trì, nhân rộng mô hình, điển hình trong phòng, chống mua, bán người.

Cùng với đó là hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống cho đồng bào miền núi, đặc biệt là phụ nữ. Đây được xác định là một trong những giải pháp bền vững để ngăn chặn tội phạm mua bán người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thiếu phụ hai lần phạm tội mua bán người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO