Cuộc sống hiện đại tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ em khám phá và phát triển mọi mặt, tuy nhiên các em có đủ sức bền duy trì sự năng động trong một ngày dài?
Đừng chủ quan khi trẻ mệt mỏi
Theo Tổng cục Thống kê, mức sinh năm 2023 của Việt Nam ước tính là 1,96 con/phụ nữ và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Các gia đình hiện nay có ít con hơn trước đây, đi kèm với điều kiện kinh tế xã hội phát triển nhanh chóng, đã giúp cho điều kiện nuôi dạy trẻ em tốt hơn nhiều so với thế hệ trước. Trẻ em bây giờ không chỉ đủ ăn, đủ mặc, được đến trường mà còn được tham gia vào vô số các hoạt động thú vị như học hát, múa, vẽ, piano, cờ vua, bóng bàn, xem phim,... Vậy làm thế nào để giúp các em có sức bền, duy trì trạng thái hoạt bát, vui vẻ suốt cả ngày là câu hỏi mà nhiều bậc cha mẹ quan tâm.
Đều đặn mỗi tuần hai buổi, chị Phương (TP.HCM) đón con gái ở trường và đưa bé tới trung tâm học vẽ, "Việt Hà nhà chị có năng khiếu hội họa. Cháu cũng thích học vẽ và không muốn bỏ buổi nào nhưng chị để ý có mấy lần trên đường từ trường đến lớp học vẽ, cháu ôm chặt lưng chị và ngủ gục". Chị Phương xót con nên định cho cháu nghỉ học năng khiếu mà cháu không chịu. Trong khi đó, chị Hoài An (Đà Nẵng) cũng chưa biết phải làm thế nào khi cô giáo chủ nhiệm cho biết con trai chị buổi sáng rất hiếu động, tiếp thu nhanh nhưng đến buổi chiều thì mệt mỏi và thiếu tập trung, nếu phải làm bài kiểm tra vào buổi chiều thì kết quả luôn kém hơn buổi sáng. "Buổi sáng đưa con đến cổng trường, con chơi với các bạn, thế mà tầm 4h chiều, tôi đến đón là cháu thất thểu ra khỏi cổng trường, mặt mũi bơ phờ và kêu đói, đòi mẹ mua đồ ăn vặt ở cổng trường", chị An nói thêm. Những biểu hiện này chỉ ra rằng các con có thể đang thiếu sức bền.
Nghiên cứu gần đây của Kantar cho biết 92% các bà mẹ Việt Nam muốn cải thiện sức bền của con để con có đủ năng lượng hoàn thành tốt mọi hoạt động trong ngày. Sức bền có thể hiểu là năng lực duy trì khả năng vận động trong khoảng thời gian dài nhất mà cơ thể có thể chịu đựng được, nâng cao sức bền là cơ sở để nâng cao sức bền và năng lực vận động của cơ thể nói chung. PGS.TS. bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, rèn luyện sức bền không chỉ giúp trẻ xây dựng niềm hứng khởi vận động, bồi đắp ý chí, mà còn góp phần xây dựng tính kỷ luật, cải thiện sự tự tin và lòng tự trọng ở các em.
Thiếu sức bền là điều đáng lo ngại. Cũng theo bác sĩ Lâm, việc thiếu hụt sức bền dẫn đến nhiều hệ quả không mong muốn đối với cuộc sống và sức khỏe của trẻ. Thiếu sức bền dễ khiến trẻ chậm tăng trưởng về cân nặng và chiều cao, dễ kiệt sức, giảm khả năng ghi nhớ, khó tiếp thu và khó tập trung khi học, ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, thể lực, dễ khiến trẻ nảy sinh tâm lý tránh né, từ bỏ, mất tự tin khi tham gia các hoạt động thể thao nói riêng và các hoạt động khác trong đời sống hằng ngày.
Cải thiện sức bền để con phát triển toàn diện
Trước trăn trở của nhiều phụ huynh là làm thế nào để nâng cao sức bền cho con, bác sĩ Nguyễn Thị Lâm đưa ra lời khuyên ba mẹ nên tập trung vào 2 yếu tố là dinh dưỡng và vận động.
Trẻ em ngày nay đã được ăn đủ bữa, bổ sung đủ năng lượng, nhưng nhiều bậc phụ huynh có xu hướng cho con ăn những gì con thích. Đa phần trẻ con rất thích ăn thức ăn nhanh, đồ chiên rán, đồ ngọt, không có lợi cho sức khỏe nếu ăn quá nhiều. Việc chỉ bổ sung một nhóm chất nhất định mà thiếu đi các nhóm chất khác sẽ dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng xấu đến thể lực, sức bền của trẻ nhỏ.
Để duy trì được khả năng hoạt động trong thời gian dài, hệ thần kinh trung ương và các cơ bắp cần được cung cấp nhiên liệu từ carbonhydrate, thường có trong các loại thực phẩm như rau củ, khoai lang, yến mạch,… Song song đó, cơ thể cũng cần các Vitamin nhóm B như B2 để duy trì chức năng của các bộ phận như não, tiêu hóa, các nhóm dẫn truyền thần kinh và hormone, Vitamin B3 giúp tăng tuần hoàn máu, có lợi cho sức bền và hoạt động trí não của trẻ. Phụ huynh có thể kết hợp những thực phẩm giàu các nhóm chất vào thực đơn mỗi ngày của trẻ, hoặc bổ sung loại sữa dinh dưỡng đã được chứng minh khoa học tăng cường sức bền nhờ cung cấp dưỡng chất cân bằng và bổ sung năng lượng tức thì cho trẻ để duy trì sức bền cũng như tinh thần hào hứng khi hoạt động suốt ngày dài.
Bên cạnh đó, tăng cường vận động cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc gia tăng sức bền cho trẻ. Theo nghiên cứu từ Học viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ giúp có thể giúp trẻ em và thanh thiếu niên cải thiện hệ hô hấp và tim mạch, mà còn tăng cường hoạt động nhận thức giúp các em tư duy, học tập tốt hơn. Phụ huynh nên khuyến khích các em hoạt động thể chất hàng ngày thông qua các hoạt động đơn giản như đi bộ, chạy bộ, hoặc tạo điều kiện để các em tham gia những môn thể thao đa dạng như bóng đá, bóng rổ, aerobic, Vovinam,… tùy theo sở thích của trẻ.
Khi xã hội đang không ngừng thay đổi, trẻ em được chăm sóc ngày càng tốt hơn và có nhiều điều kiện để phát triển theo năng khiếu, sở thích, lứa tuổi của mỗi trẻ, thì sẽ thiếu sót nếu chỉ quan tâm đến chiều cao, cân nặng của con, mà bỏ qua yếu tố sức bền. Để giúp con thỏa sức theo đuổi sở thích, không ngừng khám phá, học hỏi để phát triển cả tầm vóc và trí lực, phụ huynh cần khuyến khích con rèn luyện sức bền thông qua dinh dưỡng và vận động.