Thoái hóa khớp háng có chữa khỏi hoàn toàn?

Thu Thủy (t/h) 18/11/2022 09:02

PLBĐ - Bệnh nhân thoái hóa khớp háng thường bị đau đớn kéo dài, cấu trúc khớp bị biến đổi và thậm chí là tàn phế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống cũng như tạo thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nếu được chẩn đoán, điều trị sớm, bệnh sẽ phát triển chậm lại, giảm triệu chứng đau đớn, bệnh nhân khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ tàn phế.

Nguyên nhân, triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp háng

Khớp háng là phần giáp giữa xương chậu và xương đùi, có nhiệm vụ làm trụ đỡ phần thân trên cơ thể, điểm trụ trung tâm cho các cử động của cơ thể. Vì thế khi khớp háng thoái hóa sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của con người.

Thoái hóa khớp háng có chữa khỏi hoàn toàn? - Ảnh 1.

Sự khác nhau giữa khớp lành và khớp bị thoái hóa. (ảnh minh họa)

Thoái hóa khớp háng chủ yếu là do lão hóa - căn bệnh đi kèm tuổi tác. Ngoài ra, một số yếu tố cũng được xem là nguyên nhân gây ra bệnh lý như: Dị dạng khớp háng bẩm sinh; Xương hông bị gãy, rách sụn chêm hoặc có chấn thương tại vùng háng làm cho khớp háng bị bào mòn hoặc suy yếu; Vận động cường độ cao: lao động chân tay thường xuyên, tham gia các môn thể thao phải va chạm hay có tính chất đối kháng với tần suất liên tục; Di truyền...

Bên cạnh đó, thừa cân cũng có thể góp phần làm cho bệnh tiến triển nhanh hơn. Mặt khác, có những trường hợp không có những yếu tố nêu trên nhưng vẫn bị thoái hóa khớp háng.

Tùy vào từng giai đoạn bệnh mà triệu chứng thoái hóa khớp háng ở từng bệnh nhân sẽ có sự khác nhau:

Thoái hóa khớp háng ở giai đoạn đầu thường đi lại gặp phải nhiều khó khăn. Đau nhức ở vùng bẹn rồi lan dần xuống đùi hoặc cũng có thể sẽ đau cả khớp gối, đau lan ra mông hoặc vùng mấu chuyển của xương đùi. Cơn đau có chiều hướng tăng lên khi đi đứng hoặc cử động nhiều. Các thao tác vận động, sinh hoạt như buộc dây giày, đi vệ sinh,... gặp khó khăn.

Thoái hóa khớp háng có chữa khỏi hoàn toàn? - Ảnh 2.

Thoái hóa khớp háng khiến việc vận động của người bệnh gặp khó khăn. (ảnh minh họa)

Thoái hóa khớp háng ở giai đoạn sau thường xuất hiện những cơn đau dồn dập ở vùng háng từ sáng đến tối. Đau cả khi di chuyển hoặc thay đổi tư thế đột ngột. Tần suất cơn đau ngày càng dày lên, kể cả khi đang nghỉ ngơi, đau nhiều khi thời tiết thay đổi hoặc lúc giao mùa.

Ngoài ra, người bị thoái hóa khớp háng cũng sẽ có một số triệu chứng khác như cứng khớp khi ngồi quá lâu hoặc vào sáng sớm, khô khớp nên khi cử động khớp thường xuyên phát ra âm thanh lục cục, lạo xạo.

Các triệu chứng này thường tiến triển theo thời gian. Đặc biệt, nếu có hiện tượng khớp bị nóng, bị sưng thì cần nhanh chóng đến bệnh viện để điều trị vì nó có thể cảnh báo nguy cơ nhiễm trùng.

Thoái hóa khớp háng có chữa khỏi hoàn toàn?

Thoái hóa khớp háng có chữa khỏi hoàn toàn không trở thành mối băn khoăn, bận tâm chung của nhiều người là bởi nếu không được điều trị tích cực bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Tàn phế vĩnh viễn vì khớp háng bị biến dạng; Xương hông bị nứt, gãy; Dây chằng và cơ ở xung quanh khớp háng bị teo lại; Giấc ngủ có chất lượng kém vì đau nhức kéo theo sự suy giảm về sức khỏe tinh thần, dễ sinh ra trầm cảm.

Giải thích về băn khoăn thoái hóa khớp háng có chữa khỏi hoàn toàn không các chuyên gia chia sẻ đây là bệnh lý mà đến nay y học vẫn chưa tìm ra biện pháp để chữa khỏi hoàn toàn được. Tất cả các biện pháp điều trị khớp háng hiện nay đều chỉ nhằm mục đích cải thiện triệu chứng và phòng ngừa biến chứng nhằm kiểm soát các cơn đau dai dẳng do bệnh gây ra, giúp cho khả năng đi lại của người bệnh được duy trì, giảm nguy cơ tàn phế, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nếu có dấu hiệu thoái hóa khớp háng chúng ta nên sớm đến cơ sở y tế để thăm khám. Tùy vào từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị khác nhau. Hiện nay các biện pháp hiện đang được áp dụng để điều trị thoái hóa khớp háng gồm:

Điều trị bằng thuốc: giảm đau, kháng viêm, thuốc giãn cơ,... do bác sĩ chỉ định.

Phẫu thuật: áp dụng khi đã điều trị bằng thuốc nhưng không hiệu quả hoặc bệnh có chiều hướng nặng hơn. Các loại phẫu thuật khớp háng thường được áp dụng là:

Phẫu thuật thay thế khớp háng: mục đích nhằm loại bỏ khớp háng bị tổn thương để thay bằng khớp nhân tạo nhờ đó mà khả năng hoạt động của bệnh nhân được cải thiện, dễ dàng hòa nhập với cuộc sống. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định thay một phần hoặc thay thế toàn bộ khớp háng.

Cắt bỏ gai xương: nhằm hạn chế rủi ro dây thần kinh hoặc mạch máu bị chèn ép, khớp bị biến dạng.

Vật lý trị liệu: hỗ trợ phục hồi khớp háng.


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thoái hóa khớp háng có chữa khỏi hoàn toàn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO