Pháp luật

Thời điểm, trình tự phân loại nợ của ngân hàng thương mại từ 01/7/2024

08/07/2024 15:17

Thời điểm, trình tự phân loại nợ của ngân hàng thương mại từ 01/7/2024 là nội dung được đề cập tại Thông tư 31/2024/TT-NHNN .

Thời điểm, trình tự phân loại nợ của ngân hàng thương mại từ 01/7/2024 (Hình từ internet)

Ngày 30/6/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 31/2024/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có trong hoạt động của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thời điểm, trình tự phân loại nợ của ngân hàng thương mại từ 01/7/2024

Theo đó, thời điểm, trình tự phân loại nợ của ngân hàng thương mại được quy định tại Điều 8 Thông tư 31/2024/TT-NHNN như sau:

(1) Ít nhất mỗi tháng một lần, trong 07 ngày đầu tiên của tháng, ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 1, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư 31/2024/TT-NHNN để tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng đến thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề theo kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng và gửi kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng cho CIC.

Ngoài thời điểm phân loại nêu trên, ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng được tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo quy định nội bộ.

(2) Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng quy định tại khoản (1), CIC tổng hợp danh sách khách hàng theo nhóm nợ có mức độ rủi ro cao nhất mà các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng đã tự phân loại và cung cấp cho ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

(3) Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được danh sách khách hàng do CIC cung cấp theo quy định tại khoản (2), ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng điều chỉnh nhóm nợ theo nhóm nợ của danh sách khách hàng do CIC cung cấp.

Trường hợp kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng theo quy định tại khoản (1) thấp hơn nhóm nợ theo danh sách khách hàng do CIC cung cấp, ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải điều chỉnh kết quả phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo nhóm nợ của khách hàng do CIC cung cấp.

(4) Căn cứ kết quả kiểm tra, thanh tra, giám sát và thông tin tín dụng có liên quan, Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng thực hiện việc đánh giá, phân loại lại các khoản nợ cụ thể phù hợp với mức độ rủi ro của các khoản nợ đó.

Quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ, chính sách dự phòng rủi ro của ngân hàng thương mại

- Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải ban hành quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ, chính sách dự phòng rủi ro phù hợp với quy định tại Thông tư 31/2024/TT-NHNN, Nghị định về trích lập dự phòng rủi ro và các quy định pháp luật khác có liên quan.

- Quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ tối thiểu phải đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Được xây dựng trên cơ sở thông tin, số liệu khách hàng đã thu thập được, kết quả xếp hạng khách hàng theo hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ;

+ Được áp dụng thống nhất và nhất quán trong toàn hệ thống, làm cơ sở để thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng, quản lý nợ đối với khách hàng cụ thể;

+ Có quy định chính sách tín dụng đối với khách hàng, trong đó bao gồm quy định về điều kiện cấp tín dụng, hạn mức cấp tín dụng, lãi suất, hồ sơ, trình tự, thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng, quản lý nợ;

+ Có quy định về quản lý nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

+ Có quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị, cá nhân trong việc thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng, quản lý chất lượng tín dụng, quản lý tài sản bảo đảm;

+ Có quy định về quy trình, nội dung kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau khi cấp tín dụng;

+ Có quy định về biện pháp bảo đảm, thẩm định và quản lý tài sản bảo đảm;

+ Có quy định về định giá tài sản bảo đảm, bao gồm nguyên tắc, định kỳ, phương pháp, quy trình và trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc định giá tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật để đảm bảo giá trị tài sản bảo đảm phù hợp với giá trị thị trường khi tính số tiền trích lập dự phòng cụ thể theo quy định tại Nghị định về trích lập dự phòng rủi ro;

+ Có quy định về các biện pháp thu hồi nợ.

- Chính sách dự phòng rủi ro tối thiểu phải đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Phù hợp với các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, chế độ tài chính; về chế độ báo cáo, thống kê;

+ Có quy trình thu thập thông tin, số liệu về khách hàng, bảo đảm phân loại nợ, cam kết ngoại bảng chính xác, quản lý nợ xấu, quản lý số dư cấp tín dụng xấu, trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định;

+ Có quy định cụ thể về việc phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động đối với từng đối tượng khách hàng theo định kỳ, đột xuất;

+ Có quy định quyền hạn, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong việc phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động;

+ Có cơ chế kiểm tra, giám sát và báo cáo các nội dung quy định nêu trên.

(Điều 6 Thông tư 31/2024/TT-NHNN)

Theo thuvienphapluat.vn
https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/chinh-sach-moi/66744/thoi-diem-trinh-tu-phan-loai-no-cua-ngan-hang-thuong-mai-tu-01-7-2024
Copy Link
https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/chinh-sach-moi/66744/thoi-diem-trinh-tu-phan-loai-no-cua-ngan-hang-thuong-mai-tu-01-7-2024
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thời điểm, trình tự phân loại nợ của ngân hàng thương mại từ 01/7/2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO