Thói quen trước khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ

13/09/2024 00:00

Tiếp xúc nhiều với ánh sáng vào ban đêm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, đặc biệt ở người trẻ.

Ảnh: Academy of Ancient Reflexology
Ảnh: Academy of Ancient Reflexology

"Tại Mỹ, chúng tôi đã chứng minh mối liên hệ tương quan giữa tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer và việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm, đặc biệt ở những người dưới 65 tuổi. Ô nhiễm ánh sáng ban đêm, có thể là yếu tố nguy cơ quan trọng đối với bệnh Alzheimer", Robin Voigt-Zuwala, Tiến sĩ, trưởng nhóm tác giả của nghiên cứu và là phó giáo sư tại Trung tâm Y tế Đại học Rush, nói về kết quả nghiên cứu trên tạp chí Frontiers in Neuroscience.

Các tác giả nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ vệ tinh để xác định cường độ ánh sáng ban đêm trung bình ở Mỹ giai đoạn 2012 - 2018. Họ xếp hạng 48 bang của Mỹ theo cường độ ánh sáng ban đêm trung bình, chia thành 5 nhóm theo thứ tự tăng dần. Các nhà nghiên cứu cũng thu thập dữ liệu từ Medicare, một chương trình bảo hiểm sức khỏe liên bang dành cho những người từ 65 tuổi trở lên, để xác định tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer tại mỗi bang.

Họ phát hiện ra sự khác biệt về mặt thống kê giữa khu vực tối nhất và sáng nhất vào ban đêm. Cường độ ô nhiễm ánh sáng ban đêm tỷ lệ thuận với tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer. Điều đó đúng với những người dưới và trên 65 tuổi, cả nam và nữ ở tất cả chủng tộc được nghiên cứu.

Kết quả cho thấy những người từ 65 tuổi trở lên, ô nhiễm ánh sáng là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh Alzheimer không ảnh hưởng mạnh.

Nhưng với những người dưới 65 tuổi, các nhà khoa học phát hiện cường độ ánh sáng ban đêm có liên quan đến tỷ lệ mắc Alzheimer cao hơn bất kỳ yếu tố nguy cơ khác. Điều này cho thấy những người trẻ tuổi có thể đặc biệt nhạy cảm với tác động khi tiếp xúc ánh sáng vào ban đêm.

Không rõ vì sao những người trẻ tuổi lại dễ bị tổn thương hơn, có thể do khác biệt về độ nhạy sáng của từng cá nhân. Các tác giả lưu ý rằng nghiên cứu của họ có một số hạn chế. Dữ liệu Medicare có hạn và không có dữ liệu về ánh sáng trong nhà. "Việc tiếp xúc với ánh sáng trong nhà (ví dụ như tivi, máy tính, điện thoại) là cực kỳ quan trọng và cần được đánh giá trong các nghiên cứu tương lai. Nhìn chung, việc tiếp xúc với ánh sáng ban đêm trong nhà và ngoài trời là điều quan trọng cần xem xét để hiểu đầy đủ tác động của ánh sáng ban đêm đối với bệnh Alzheimer".

Nikki-Anne Wilson, Tiến sĩ, Nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại Đại học New South Wales và Nghiên cứu viên sau tiến sĩ liên kết tại Neuroscience Research Australia (NeuRA), người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết dù vẫn chưa biết liệu việc tiếp xúc với ánh sáng ban đêm có thực sự là một yếu tố nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hay không, nhưng giấc ngủ có thể là một phần quan trọng của câu đố.

"Nghiên cứu điều tra chứng mất trí nhớ và các yếu tố góp phần vào sự phát triển của chứng bệnh này. Còn quá sớm để nói rằng ô nhiễm ánh sáng có thể góp phần vào nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ hay không. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng việc phát triển thói quen ngủ tốt có liên quan đến những lợi ích sức khỏe rộng hơn", bà nói với Medical News Today.

Những việc như hạn chế thời gian sử dụng màn hình trước khi đi ngủ, sử dụng rèm để ngăn ánh sáng bên ngoài khi có thể và duy trì lịch trình ngủ nhất quán là những cách đơn giản để cải thiện giấc ngủ. Quan trọng là, nếu bạn bị buồn ngủ đáng kể vào ban ngày hoặc có các triệu chứng của chứng rối loạn giấc ngủ, tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ, Nikki-Anne Wilson cho hay.

>> Bệnh nhân ung thư nên ăn gì?

Hằng Trần (Theo Medical News Today)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thói quen trước khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO