Những ngày qua tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang phải chịu cái nắng nóng gay gắt đầu Hè, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của người dân.
Không chủ quan với cúm
Trong vòng 3 tháng vừa qua, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (BV Bạch Mai) đã tiếp nhận điều trị cho 170 bệnh nhân mắc cúm và có xu hướng gia tăng trong những ngày gần đây. Đáng chú ý trong đó có nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy.
Chia sẻ về tình trạng thời tiết nắng nóng khiến bệnh nhân cúm tăng đột biến, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, thông thường đối với bệnh cúm người dân hay chủ quan nên thường tự chữa và khi đã xuất hiện biến chứng nặng thì mới đưa bệnh nhân tới bệnh viện nên số bệnh nhân tăng lên và khó kiểm soát. Đặc biệt, trong thời tiết nắng nóng bất thường như hiện nay thì bệnh cúm không thể coi thường. Hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho 4 bệnh nhân cúm rất nặng phải thở máy, nhân viên y tế thường xuyên phải theo dõi sát sao đối với bệnh nhân. Trước đó, ngay từ đầu tháng 4, tại BV Nhiệt đới trung ương cũng đã phải xử lý rất nhiều ca bệnh nặng do cúm, phải chạy ECMO.
Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, thời tiết hiện nay đang nắng nóng bất thường, nhiệt độ lên tới 40 độ C mà vẫn xảy ra cúm và bệnh nhân nhập viện vì cúm còn tăng cao là điều đáng ngạc nhiên. Bởi bệnh cúm thường xảy ra vào thời điểm cuối đông đầu xuân với thời tiết lạnh, ẩm.
Các ca mắc bệnh cúm năm nay chủ yếu là cúm mùa như cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B. Bệnh rất dễ trở nặng nếu bệnh nhân có nền bệnh tật phức tạp, mắc nhiều bệnh phối hợp khác. Theo các bác sĩ, virus cúm thường gây tổn thương ở phổi, diễn tiến rất nhanh, dẫn đến suy hô hấp, nếu ở nhóm có nguy cơ cao thì cần được theo dõi và điều trị kịp thời, nếu không có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, chưa kể những người bị cúm nhẹ được điều trị ngoại trú, ngày nào cũng có vài trường hợp cúm nặng phải nhập viện, trong đó có bệnh nhân viêm phổi nặng do cúm trên nền bệnh xơ gan, đái tháo đường dù được cứu chữa tích cực nhưng bệnh quá nặng, gia đình phải xin về.
Cùng với cúm, bệnh nhân nhập viện vì sởi cũng đang có xu hướng tăng nhanh. Tại các bệnh viện ở Hà Nội đều cho biết số ca mắc sởi liên tục tăng. Trong tuần qua (15/4 đến 21/4), số ca mắc sởi đã tăng vọt lên 123 ca. Từ đầu năm đến nay thành phố đã ghi nhận 928 ca mắc sởi (gấp 15 lần so với cùng kỳ năm 2018), chưa có trường hợp tử vong.
Chủ động phòng bệnh
Theo các chuyên gia, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C. Sau khi bị nhiễm virus cúm, người bệnh sẽ có các triệu chứng như sốt cao 39 đến 40 độ C kèm theo rét run, nhức đầu, buồn nôn, đau mỏi toàn thân, mệt mỏi. Hoặc có thể kèm theo các biểu hiện sổ mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, đau họng, ho… Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hoá, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Để chủ động phòng bệnh, GS.TS Nguyễn Văn Kính- Giám đốc BV Nhiệt đới trung ương khuyến cáo, cả người lớn và trẻ nhỏ nên đi tiêm vắc xin phòng cúm định kỳ (1 mũi/năm) để phòng bệnh. Những tường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Ngoài ra, người bệnh cần uống đủ nước, ăn uống đủ dưỡng chất để tăng sức đề kháng, không tự điều trị bằng kháng sinh để phòng tránh kháng thuốc.
(Theo Xuân Thủy/Đại Đoàn Kết)