Bài viết sau có nội dung về thủ tục chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng mới nhất được quy định tại Quyết định 1782/QĐ-BTP năm 2024.
Thủ tục chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng mới nhất (Hình từ Internet)
Ngày 27/9/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định 1782/QĐ-BTP công bố bổ sung thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp.
Theo Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 1782/QĐ-BTP năm 2024 thì thủ tục chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng được thực hiện như sau:
(1) Trình tự thực hiện:
- Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có từ 05 Phòng công chứng trở lên thì Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Kế hoạch chuyển đổi các Phòng công chứng trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phê duyệt;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi các Phòng công chứng; trường hợp cần thiết thì lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tư pháp trước khi quyết định;
- Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên tổ chức họp với công chứng viên, viên chức, người lao động đang làm việc tại Phòng công chứng dự kiến chuyển đổi, đẻ xem xét trao đổi các vấn đề có liên quan đến việc chuyển đổi Phòng công chứng.
- Trên cơ sở kết quả cuộc họp, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án chuyển đổi Phòng công chứng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt Đề án chuyển đổi Phòng công chứng;
- Sở Tư pháp trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hồ sơ đề nghị chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng.
(2) Cách thức thực hiện: Trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến (nếu có).
(3) Thành phần, số lượng hồ sơ:
- Quyết định phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi Phòng công chứng;
- Quyết định phê duyệt Đề án chuyển đổi Phòng công chứng.
(4) Thời hạn giải quyết: Không quy định.
(5) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp.
(6) Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
(7) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng.
(8) Phí, lệ phí (nếu có): Không quy định.
(9) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không quy định.
(10) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Không quy định.
Việc chuyển đổi, giải thể phòng công chứng được quy định cụ thể tại Điều 21 Luật Công chứng 2014 như sau:
- Trong trường hợp không cần thiết duy trì Phòng công chứng thì Sở Tư pháp lập đề án chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng.
- Trường hợp không có khả năng chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng thì Sở Tư pháp lập đề án giải thể Phòng công chứng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Phòng công chứng chỉ được giải thể sau khi thanh toán xong các khoản nợ, làm xong thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với người lao động, thực hiện xong các yêu cầu công chứng đã tiếp nhận.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định giải thể Phòng công chứng, Sở Tư pháp phải đăng báo trung ương hoặc báo địa phương nơi có trụ sở của Phòng công chứng trong ba số liên tiếp về việc giải thể Phòng công chứng.
Xem thêm Quyết định 1782/QĐ-BTP cố hiệu lực từ 27/9/2024.