Thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua khen thưởng ngành Kiểm sát

23/08/2024 17:15

Từ ngày 01/10/2024, quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua khen thưởng ngành Kiểm sát được thực hiện theo quy định tại Thông tư 02/2024/VKSNDTC

Quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua khen thưởng ngành Kiểm sát

Quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua khen thưởng ngành Kiểm sát (Hình từ Internet)

1. Quy trình chung xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng ngành Kiểm sát

Theo Điều 29 Thông tư 02/2024/VKSNDTC quy định về quy trình tại Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân như sau:

- Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng cấp nhà nước và hồ sơ đề nghị khen thưởng thuộc thẩm quyền quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, gửi văn bản xin ý kiến các đơn vị liên quan; tổng hợp, báo cáo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ngành;

- Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ngành họp xem xét, bỏ phiếu kín;

- Căn cứ kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ngành, Thường trực Hội đồng trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định;

- Thông báo kết quả thẩm định, kết quả khen thưởng;

- Lưu trữ hồ sơ theo quy định.

** Quy trình tại Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh

- Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng, gửi văn bản xin ý kiến các đơn vị liên quan; tổng hợp, báo cáo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị. Đối với danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng được bình xét tại cụm, khối thi đua thì phải có kết quả bình xét, đánh giá của cụm, khối thi đua trước khi tổng hợp, báo cáo Hội đồng;

- Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị họp xem xét, bỏ phiếu kín;

- Căn cứ kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị, Thường trực Hội đồng trình Thủ trưởng đơn vị xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định;

- Thông báo kết quả thẩm định, kết quả khen thưởng;

- Lưu trữ hồ sơ theo quy định.

2. Quy định chung về thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua khen thưởng ngành Kiểm sát

Theo Điều 30 Thông tư 02/2024/VKSNDTC quy định về  thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua khen thưởng ngành Kiểm sát như sau:

(1) Đối với các cá nhân, tập thể:

** Tập thể, cá nhân viết báo cáo thành tích và chuẩn bị hồ sơ có liên quan theo quy định.

- Báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng phải phù hợp với hình thức khen thưởng theo quy định. Trong báo cáo phải ghi cụ thể số quyết định, ngày, tháng, năm hoặc văn bản xác nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền trong thời gian tính thành tích khen thưởng của tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng (đối với các trường hợp đề nghị khen thưởng theo tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ); số quyết định, ngày, tháng, năm được tặng thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng (trừ trường hợp khen thưởng theo thủ tục đơn giản). Báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng của tập thể, cá nhân ngoài việc thể hiện thành tích đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định còn phải thể hiện chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo các mẫu tại Phụ lục kèm theo Thông tư 02/2024/VKSNDTC.

- Đối với khen thưởng công trạng cấp Nhà nước: Báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng trước 06 tháng tính đến thời điểm Ngành trình Thủ tướng Chính phủ, quá thời hạn trên, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân không nhận hồ sơ trình khen thưởng.

** Cá nhân đã nghỉ hưu, nay đơn vị đã giải thể hoặc sáp nhập thì đơn vị tiếp nhận nhiệm vụ của đơn vị đó có trách nhiệm xem xét, đề nghị khen thưởng; cá nhân đã nghỉ hưu (hoặc hy sinh, từ trần) hồ sơ đề nghị khen thưởng do cơ quan quản lý cán bộ trước khi nghỉ hưu (hoặc hy sinh, từ trần) xem xét, hoàn chỉnh, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

- Trường hợp cơ quan, đơn vị đã giải thể, chia tách, sáp nhập thì cơ quan, đơn vị tiếp nhận nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đó có trách nhiệm đề nghị khen thưởng. Thành tích khen thưởng của cơ quan, đơn vị đã giải thể, chia tách, sáp nhập được tính theo các năm hoặc cộng dồn các năm mà cơ quan, đơn vị đó đã đạt được để đề nghị khen thưởng theo tiêu chuẩn chung.

- Đối với cá nhân khi có thông báo nghỉ chế độ hưu trí hoặc có quyết định nghỉ hưu mà chưa được khen thưởng quá trình cống hiến (kể cả các trường hợp đã hy sinh, từ trần), Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của đơn vị quản lý cán bộ trước khi nghỉ hưu lập hồ sơ đề nghị khen thưởng quá trình cống hiến cho cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

** Tờ trình đề nghị khen thưởng cho cá nhân, tập thể phải có các nội dung sau:

- Căn cứ pháp lý;

- Nội dung, hình thức, thành tích đề nghị khen thưởng;

- Ý kiến của cơ quan liên quan về nội dung xin ý kiến đối với các trường hợp đề nghị khen thưởng;

- Ý kiến thẩm định của cấp trình về các trường hợp đề nghị khen thưởng đã đúng đối tượng, đủ điều kiện, tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục theo quy định.

Các nội dung chi tiết của Tờ trình đề nghị khen thưởng thực hiện theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Thông tư 02/2024/VKSNDTC.

** Khen thưởng danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ”, huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” đối với cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, đơn vị có tư cách pháp nhân đóng trên địa bàn địa phương, phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về các nội dung: Việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kết quả hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể (nếu tổ chức đảng, đoàn thể sinh hoạt tại địa phương). Hồ sơ khen thưởng cấp nhà nước đối với cá nhân thuộc quyền quản lý của Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy và của tập thể Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh phải có ý kiến đánh giá nhận xét của Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy.

** Thủ trưởng cấp trình phải chịu trách nhiệm đánh giá thành tích, xác nhận thành tích, thủ tục và nội dung hồ sơ trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng gồm: Hồ sơ, thủ tục, quy trình, tính chính xác của thành tích và các nội dung liên quan đến thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

** Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thẩm định hồ sơ khen thưởng, gồm: Hồ sơ, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp mình.

** Khi họp xét danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân”, “Cờ thi đua của Chính phủ”, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp trình khen thưởng phải tiến hành bỏ phiếu:

- Đối với tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân” phải có tỷ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân từ 90% trở lên tính trên tổng số thành viên của Hội đồng (nếu thành viên Hội đồng vắng mặt thì lấy ý kiến bằng văn bản).

- Đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân”, “Cờ thi đua Chính phủ” phải có tỷ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp trình khen thưởng từ 80% trở lên tính trên tổng số thành viên của Hội đồng (nếu thành viên Hội đồng vắng mặt thì lấy ý kiến bằng văn bản và được thể hiện trong Biên bản họp bình xét danh hiệu thi đua, Biên bản xét khen thưởng).

** Sau khi có kết quả họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân trình Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét có ý kiến bằng văn bản trước khi trình Thủ tướng Chính phủ:

- Khen thưởng cho cá nhân công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân;

- Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng: “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; “Huân chương Sao vàng”, “Huân chương Hồ Chí Minh”, “Huân chương Độc lập” (các hạng), danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Nhà giáo nhân dân”.

** Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự tham mưu về chủ trương khen thưởng cấp nhà nước cho tập thể, cá nhân người nước ngoài và giúp lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao xin ý kiến của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao trước khi phối hợp với Vụ Thi đua - Khen thưởng làm thủ tục đề nghị khen thưởng.

(2) Khi trình hồ sơ khen thưởng, cấp trình gửi bản giấy (bản chính) đồng thời gửi các tệp tin điện tử (file word và file pdf) của hồ sơ khen thưởng kèm theo về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân, trừ văn bản có nội dung bí mật nhà nước. Hồ sơ khen thưởng chỉ được tiếp nhận khi

Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân nhận được bản giấy (bản chính) của hồ sơ và các tệp tin điện tử của hồ sơ theo đúng quy định.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi bản giấy (bản chính) đồng thời gửi các tệp tin điện tử (file word và file pdf) của hồ sơ khen thưởng kèm theo đến Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương).

(3) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân phối hợp với Cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát công khai danh sách cá nhân, tập thể đề nghị xét tặng hình thức khen thưởng huân chương, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, danh hiệu vinh dự nhà nước và danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, đăng tải ít nhất 10 ngày trước khi họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân (trừ trường hợp khen thưởng thành tích đột xuất). Việc lấy ý kiến của nhân dân trên phương tiện thông tin truyền thông và kết quả xử lý thông tin (kể cả đơn thư khiếu nại, tố cáo nếu có) phải báo cáo bằng văn bản với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân trước khi trình cấp trên khen thưởng và được nêu trong Biên bản họp xét khen thưởng của Ngành.

(4) Thời gian đề nghị khen thưởng lần tiếp theo được tính theo thời gian lập được thành tích ghi trong quyết định khen thưởng lần trước. Đối với quyết định khen thưởng không ghi thời gian thì việc đề nghị khen thưởng lần sau được tính từ thời điểm ban hành quyết định khen thưởng lần trước.

(5) Chưa khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng cho cá nhân, tập thể trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, có vấn đề tham nhũng, tiêu cực được báo chí nêu đang được xác minh làm rõ.

(6) Đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát quân sự các cấp có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ thi đua, khen thưởng của cấp mình và cấp cơ sở để phục vụ việc tra cứu, giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác thi đua, khen thưởng hoặc xác nhận cho các đối tượng hưởng chính sách khi có yêu cầu. Chế độ bảo quản hồ sơ thực hiện theo quy định về lưu trữ của pháp luật và của Ngành.

Xem thêm tại Thông tư 02/2024/VKSNDTC có hiệu lực ngày 01/10/2024.

Trần Huyền Trang

Theo thuvienphapluat.vn
https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/chinh-sach-moi/69815/thu-tuc-de-nghi-xet-tang-danh-hieu-thi-dua-khen-thuong-nganh-kiem-sat
Copy Link
https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/chinh-sach-moi/69815/thu-tuc-de-nghi-xet-tang-danh-hieu-thi-dua-khen-thuong-nganh-kiem-sat
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua khen thưởng ngành Kiểm sát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO