Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính Phủ, công chức phải thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, không đánh bạc, sa vào tệ nạn xã hội, không sử dụng rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" giai đoạn 2019 - 2025.
Mục đích của kế hoạch này nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức cũng như hành động của cán bộ, công chức.
Không thờ ơ trước bức xúc của nhân dân
Tiêu chuẩn thi đua được đề ra đối với các tập thể, đơn vị là xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật đảm bảo chất lượng, công khai, minh bạch, hiệu quả. Đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí được giao, không để xảy ra lãng phí, tham nhũng.
Các đơn vị cũng phải đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc tại cơ quan, đơn vị để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ hành chính công, đảm bảo gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử để người dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước qua mạng.
Đối với đội ngũ cán bộ công chức, trong thực hiện chuyên môn phải trung thực, thẳng thắn, khách quan trong báo cáo, đề xuất, tham gia đóng góp với cấp trên.
Về tinh thần, thái độ làm việc, Thủ tướng yêu cầu công chức phải có tinh thần cầu thị, lắng nghe; nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc. Công chức không được kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó. Đặc biệt, phải có tinh thần đấu tranh tránh hiện tượng trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả.
Cán bộ công chức không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân.
Không nịnh bợ cấp trên, nâng đỡ cấp dưới không trong sáng
Với cán bộ lãnh đạo, quản lý, Thủ tướng yêu cầu phải công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá cán bộ thuộc quyền quản lý.
Lãnh đạo không được lợi dụng vị trí công tác để bổ nhiệm người thân quen, phải chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín, hoặc để xảy ra hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực thuộc trách nhiệm được giao.
Với quy định chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cán bộ giao tiếp với người dân phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân.
Đối với lãnh đạo cấp trên, công chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc. Đặc biệt, không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng. Đối với đồng nghiệp phải có tinh thần hợp tác, tương trợ, không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ.
Cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được duy ý chí, áp đặt, bảo thủ; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới, gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử và không nâng đỡ cấp dưới vì động cơ, mục đích không trong sáng.
Đặc biệt, công chức phải thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, không đánh bạc, sa vào các tệ nạn xã hội, không sử dụng đồ uống có cồn trong thời gian làm việc và giờ nghỉ trưa.
Công chức cũng phải tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến thực thi nhiệm vụ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, sau đó định kỳ hàng năm phải báo cáo việc thực hiện phong trào thi đua này.
(Theo Tri Thức Trực Tuyến)