Mùa đông là thời điểm thuận lợi cho sự phát triển của virus gây bệnh ho, sổ mũi, cảm lạnh, sốt, đau họng…Vì vậy cần bồi bổ cơ thể để nâng cao sức đề kháng giúp phòng bệnh hiệu quả.
Dưới đây là một số bí quyết giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, phòng bệnh trong mùa đông.
Vào những ngày đông giá rét, ngoài việc mặc ấm thì lựa chọn thực phẩm phù hợp cũng giúp tăng sinh nhiệt cơ thể. Những thực phẩm giàu dinh dưỡng, chất chống oxy-hóa và có tác dụng tăng cường miễn dịch sẽ giúp giữ ấm cơ thể trong mùa đông.
Có thể tham khảo một số loại thực phẩm sau:
- Gừng : trong gừng có thành phần Gingerol – là chất chống oxy hóa mạnh, giúp nâng cao sức đề kháng, chống viêm, phòng ngừa và giảm triệu chứng viêm. Thêm vào đó, gừng có vị cay ngọt, tính ấm là vị thuốc hữu hiệu chữa các bệnh cảm lạnh, cảm cúm , ho, đau họng, hay giữ ấm cơ thể trong ngày đông.
Khi trời trở lạnh, có thể thêm gừng vào đồ ăn, hay uống trà gừng, ngậm kẹo gừng, mứt gừng… để giữ ấm cho cơ thể.
- Tỏi : giống như gừng, tỏi cũng là một gia vị có tính chất kháng khuẩn tốt. Ăn tỏi sẽ giúp cơ thể tăng sức đề kháng, làm ấm cơ thể, phòng ngừa cảm lạnh, cảm cúm. Vì thế, nên thường xuyên sử dụng tỏi để chế biến các món ăn trong mùa đông. Ngoài tỏi cũng có thể sử dụng những gia vị có tính cay nóng như ớt, hạt tiêu…
- Trái cây họ cam - quý t: các loại trái cây như cam, quýt, bưởi có chứa hàm lượng cao vitamin C cùng flavonoid có khả năng tăng sức đề kháng và chống lại bệnh tật. Đây chính là loại thực phẩm không nên bỏ qua và nên sử dụng thường xuyên vào mùa lạnh.
Ngoài ra, cần chú ý thói quen ăn uống hạn chế dùng đồ lạnh. Khi dùng đồ lạnh vào mùa đông sẽ khiến cơ thể dễ bị nhiễm lạnh . Làm ảnh hưởng đến sức khỏe gây ra các bệnh đường hô hấp như: viêm họng, ho, đau họng, cảm lạnh… Vì vậy, nên hạn chế dùng nhiều món lạnh và nên bổ sung các đồ cay ấm để giữ ấm cơ thể.
Ăn chín uống sôi, vệ sinh thực phẩm: là điều cần quan tâm không chỉ mùa đông mà tất cả các mùa khác để đảm bảo sức khỏe. Thêm vào đó, mùa đông miền bắc khí hậu lạnh ẩm – là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển.
Chất béo luôn được mọi người đánh giá là không tốt cho cơ thể và ăn nhiều chất béo sẽ làm nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Tuy nhiên, chất béo cũng có loại tốt và không tốt. Các chất béo từ cá, các loại hạt, quả bơ… đều rất lành mạnh nên bổ sung vào mùa lạnh để giúp no lâu và tràn đầy năng lượng. Ngoài ra, bổ sung 1 thìa bơ mỗi ngày giúp làn da khỏe mạnh, cơ thể săn chắc và cung cấp năng lượng cho những buổi sáng mùa đông.
Mùa đông không khí lạnh, nên nhiều người có xu hướng uống ít nước hơn và chỉ uống khi cảm thấy khát. Tuy nhiên, ngay cả khi thời tiết có lạnh đến mấy thì cơ thể vẫn cần cung cấp đủ nước để hoạt động bình thường, khỏe mạnh.
Trong cơ thể, nước chiếm tới 70% có tác dụng như một cỗ máy vận chuyển bạch cầu (tế bào miễn dịch) đi khắp cơ thể. Ngoài ra, một số chất độc có thể được đào thải theo nước thông qua tuyến mồ hôi. Và khi uống lượng nước vừa đủ có tác dụng tăng cường trao đổi chất, giúp hấp thu các chất dinh dưỡng thiết yếu khác tốt hơn. Vậy nên, uống đủ nước mỗi ngày là điều hết sức cần thiết cho sức đề kháng của cơ thể.
Lưu ý mùa đông khí hậu lạnh dẫn đến thân nhiệt giảm, các mạch máu bị co thắt, kém lưu thông. Vì vậy, cần uống nước ấm để các mạch máu được giãn nở, máu được lưu thông tốt hơn và không làm hạ thân nhiệt tránh cảm lạnh.
Một cách khác giúp tăng cường hệ thống miễn dịch vào mùa đông là tạo thói quen tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Tập thể dục không chỉ giúp làm ấm cơ thể vào mùa đông, hỗ trợ cơ bắp dẻo dai hơn mà còn giúp đào thải độc tố, khí huyết lưu thông tốt hơn. Nhờ đó, cơ thể khuyến khích sản sinh các tế bào miễn dịch – bạch cầu, bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.
Thời gian tối thiểu tập cho mỗi ngày là khoảng 30 phút, 1 tuần tập ít nhất 5 ngày. Có thể lựa chọn môn thể thao mà mình thích để tập luyện như: đi bộ, chạy bộ, nhảy dây, đạp xe, đánh cầu lông, chơi bóng…Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch có thể giúp mỗi người phòng được các bệnh truyền nhiễm và tránh lây bệnh cho người khác. Theo thống kê của Bộ Y tế, gần một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao (trên 100.000 dân) như: cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, lỵ, quai bị, thủy đậu… có liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường.
Rửa tay với xà phòng cũng làm giảm tới gần 50% trường hợp mắc tiêu chảy, hơn 25% các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp và giảm 15% trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi, rửa tay với xà phòng cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, cúm…