Việc miễn thuế với hàng hóa giá trị nhỏ vừa làm thất thu ngân sách vừa tạo ra sự không công bằng
Là "tín đồ" chuyên "săn" hàng online giá rẻ nên ngay khi nghe tin sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu của Trung Quốc chính thức bán hàng sang Việt Nam, chị Phương Trang (ngụ TP HCM) lập tức tải ứng dụng, đăng ký tài khoản. Trong nháy mắt, chị đã "săn" được chiếc áo thun nữ chất liệu vải cotton đang khuyến mãi với giá chỉ 130.000 đồng (đã bao gồm phí ship 0 đồng); thời gian giao hàng chỉ 4 ngày, còn nhanh hơn cả mua hàng trong nước.
Người bán hàng lo lắng
Chị Trang cho biết nếu so với áo thun cùng loại trên các sàn Shopee, Lazada hay TikTok Shop, chiếc áo thun nói trên rẻ hơn 7%-10%. Nếu so với cửa hàng thì mức giá rẻ hơn tới 60.000 - 80.000 đồng/áo.
"Tín đồ" săn sale này còn hồ hởi cho biết Temu cam kết bồi thường cho khách 25.000 đồng nếu giao hàng trễ hạn. Thậm chí, nền tảng này còn có chính sách nếu đơn hàng của khách không cập nhật theo dõi trong hơn 15 ngày và không được giao, khách có thể yêu cầu gửi lại miễn phí hoặc hoàn tiền. Nếu nhận được hàng sau khi nộp yêu cầu, người dùng có thể giữ nó miễn phí mà không cần trả lại; hoàn trả hàng trong vòng 90 ngày…
Anh Xuân Huỳnh (ngụ TP HCM) tỏ ra bất ngờ khi thấy hàng hóa trên các sàn Temu, 1688 rẻ đến khó tin. Chẳng hạn, tủ quần áo xếp gấp, bằng kim loại cao 2 m, ngang 1,5 m nhưng giá chưa đến 450.000 đồng - rẻ hơn gần một nửa so với cửa hàng nội thất ở Việt Nam, mà còn được vận chuyển miễn phí đến tận nhà chưa đầy 1 tuần.
"So với Shopee và TikTok Shop, giá các mặt hàng thời trang, đồ gia dụng, mỹ phẩm của Temu không chênh lệch mấy do 90% sản phẩm giá rẻ trên các sàn này đều của Trung Quốc. Nhưng vì Temu đang có chính sách o bế người tiêu dùng Việt nên mức giá có phần hời hơn" - anh Huỳnh nhận xét.
Việc các sàn TMĐT Trung Quốc đồng loạt mở cửa sang Việt Nam, được lợi nhất là người tiêu dùng, trong khi người sản xuất - kinh doanh trong nước lại gặp áp lực rất lớn. Bà Nguyễn Thu (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM), từng kinh doanh đồ gia dụng trên online, cho hay từ khi các sàn TMĐT trong nước đẩy mạnh bán hàng xuyên biên giới như giao hàng nhanh, freeship, áp dụng mã giảm giá, tăng phí, chính sách giao hàng…, những người kinh doanh như bà không thể "thở nổi" do áp lực cạnh tranh quá lớn, hàng hóa ế ẩm, doanh thu không đủ chi trả trong khi chi phí ngày một tăng.
"Tôi nghỉ bán hồi giữa năm 2024 và bây giờ chuyển sang làm công việc văn phòng, vừa có mức lương ổn định vừa có thời gian chăm lo gia đình, con cái. Có lẽ sắp tới TMĐT sẽ càng khó khăn hơn nữa khi các sàn của Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động" - bà Thu nhìn nhận.
Bà Hoàng Chi, Giám đốc ECommerce Hoàng Phúc International, cho rằng với việc Temu vào thị trường Việt Nam, khách hàng sẽ có thêm rất nhiều lựa chọn về hàng hóa, mẫu mã, giá cũng như khuyến mãi. Thế nhưng, việc này sẽ mang lại sự lo lắng cho các doanh nghiệp (DN) và ngành sản xuất trong nước.
Với DN, việc cạnh tranh giá là không thể tránh khỏi - nhất là khi suy thoái kinh tế vẫn tiếp diễn thì khách hàng càng dễ dàng tiếp nhận sản phẩm "no name" với mức giá rẻ. Các DN bán lẻ trong nước sẽ gặp trở ngại về sản lượng bán ra, giá bán sản phẩm và chi phí quảng bá tăng lên để thu hút khách hàng.
Đối với các ngành sản xuất, khi đơn vị kinh doanh gặp trở ngại về doanh số, các nhà máy sản xuất cũng sẽ chịu không ít khó khăn khi đàm phán giá, số lượng cho đơn hàng tối thiểu trong lúc giá thành phẩm nhập liệu lại tăng mỗi năm. "Sau cùng, các nền tảng TMĐT lớn nhất Việt Nam vẫn trực thuộc vốn đầu tư (công ty mẹ) của nước ngoài. Nếu không có chiến lược kiểm soát hay hỗ trợ thì DN trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn" - bà Chi nhận định.
Nhanh chóng bỏ quy định miễn thuế GTGT
Bà Chi dẫn chứng một đôi dép thương hiệu Hoàng Phúc lúc trước có thể bán với giá 599.000 đồng, rẻ hơn một số thương hiệu khác nên bán rất chạy. Hiện sản phẩm này chỉ có thể bán với giá 399.000 đồng nhưng số lượng bán ra kém hơn trước vì khách hàng có sự so sánh giá và chủ động tìm giá tốt nhất.
Hơn nữa, hàng hóa từ nước bạn có lợi thế về năng lực sản xuất, sao chép mẫu, mẫu mã đa dạng từ các dòng hàng tồn khiến người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy mẫu tương tự nhưng giá bán trên các sàn chỉ ở phân khúc dưới 200.000 đồng.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP HCM (RUPA), cũng thừa nhận việc các sàn Tamu, Taobao, 1688 của Trung Quốc đổ bộ Việt Nam, áp dụng khuyến mãi 60%-70%, kéo theo cơn sốt hàng giá rẻ là nỗi lo lớn đối với nhà sản xuất trong nước.
"Đây không chỉ là cuộc sàng lọc mà là nguy cơ triệt tiêu nhà sản xuất nhỏ, siêu nhỏ của Việt Nam. Cùng một nguyên liệu, cùng chủng loại sản phẩm, các DN Việt không thể sản xuất được sản phẩm có giá thành rẻ, chi phí giao nhận thấp như hàng hóa Trung Quốc trên sàn TMĐT" - ông Quốc Anh lo ngại.
Không chỉ DN sản xuất mà các DN phân phối cũng phải điều chỉnh cơ cấu hàng hóa, phương thức kinh doanh để tránh cạnh tranh trực tiếp với hàng ngoại nhập qua TMĐT. Các nhà phân phối lớn như Saigon Co.op, MM Mega Market, AEON, Central Retail… đều có mảng TMĐT nhưng chỉ tập trung bán các mặt hàng thế mạnh, bao gồm cả hàng tươi sống, chứ không "đánh" mạnh vào nhóm hàng tiêu dùng đang tiêu thụ mạnh trên các sàn lớn.
Trong bối cảnh đó, để bảo vệ hàng hóa và người kinh doanh trong nước, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng cần nhanh chóng bỏ quy định miễn thuế GTGT với hàng hóa nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng. Bởi lẽ, đơn hàng nhỏ nhưng cộng lại nhiều thì giá trị có thể lên tới trăm tỉ đồng.
"Quan điểm của tôi là mua hàng qua sàn phải bị đánh thuế. Vì vậy, giờ không phải thời điểm tiếp tục xem xét nên hay không nên miễn thuế GTGT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ mà cần bàn phương thức, triển khai thực hiện thế nào cho hiệu quả" - ông Đức nhấn mạnh.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, thực tế, việc đánh thuế qua sàn TMĐT, kênh online không hề dễ dàng mà cần các công cụ về công nghệ, sự phối hợp của các bên. Tuy nhiên, khi đánh thuế hàng hóa nhập khẩu qua kênh online sẽ giúp tạo công bằng cho người sản xuất, người bán hàng ở các kênh thương mại truyền thống trong nước. Ngoài ra, ông cũng đề nghị cần phải có quy định mới để chống thất thoát thuế trên TMĐT, không thể tính theo cách thủ công là mỗi người được miễn bao nhiêu thuế, hàng thế nào thì không bị đánh thuế.
Theo PGS-TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và Hải quan - Học viện Tài chính, do Việt Nam tham gia Công ước Kyoto nên cũng áp dụng quy định pháp luật về miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu với hàng hóa giá trị nhỏ theo công ước này. Ngoài ra, trước đây, số thuế thu với hàng giá trị nhỏ phù hợp vì còn ít và làm thủ tục thủ công mất nhiều thời gian.
Còn hiện nay, khi TMĐT xuyên biên giới phát triển mạnh, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vô cùng lớn thì việc miễn thuế với hàng hóa giá trị nhỏ vừa làm thất thu ngân sách vừa tạo sự không công bằng. Thêm vào đó, với việc áp dụng thủ tục hải quan điện tử thì không còn lo ngại về chuyện cản trở thương mại quốc tế.
Từ những phân tích trên, ông Trường cho rằng nên nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu để bỏ quy định miễn thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giá trị nhỏ.
Doanh nghiệp phải tự thay đổi
Ông Đỗ Hữu Hưng, CEO ACCESSTRADE, nhận định sự tham gia của các nền tảng TMĐT Trung Quốc như Temu, Taobao, 1688 mang đến cả cơ hội lẫn thách thức cho thị trường TMĐT Việt Nam. "Mặc dù hàng hóa giá rẻ có thể gây áp lực với các DN trong nước nhưng cũng không thể phủ nhận đây sẽ là cơ hội để DN Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn" - ông Hưng nhìn nhận.
Theo ông Hưng, áp lực cạnh tranh chính là động lực thôi thúc DN phải đổi mới sáng tạo để tồn tại và phát triển. DN buộc phải nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ, tối ưu hóa quy trình sản xuất và tìm kiếm những lợi thế cạnh tranh riêng biệt, thay vì sử dụng mãi những cách thức truyền thống không còn hiệu quả.
"Đây cũng là thời điểm DN Việt Nam cần tập trung vào việc tìm hiểu rõ hơn về khách hàng của mình. Làm thế nào để tiếp cận, để có lòng tin từ họ? Làm thế nào để tạo ra giá trị khác biệt mà các nền tảng TMĐT Trung Quốc không thể có... Đó là bài toán then chốt mà DN cần giải quyết" - ông Hưng đánh giá.
Ông Trần Hòa Nam - quản lý và phát triển dự án Công ty TNHH Truyền thông và Quảng cáo SW Channel - nhận xét các DN Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, chỉ tập trung sản xuất sản phẩm sao cho tốt rồi đem bán sỉ mà không quan tâm đến marketing, thương hiệu. "Nếu sản phẩm không có thương hiệu thì chỉ có thể cạnh tranh về giá, mà giá thành hàng Việt Nam lại khó có thể so với hàng Trung Quốc" - ông Nam thẳng thắn.
Do đó, nếu DN không thay đổi tư duy trong việc bán hàng, xây dựng thương hiệu, phát triển kênh online thì sẽ rất dễ thua ngay trên sân nhà. Hiện nhiều chủ DN vẫn xem marketing, truyền thông, xây dựng thương hiệu là chi phí mà không nghĩ đó là hoạt động đầu tư dài hạn trong bối cảnh thị trường đang thay đổi quá nhanh.