Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ. Nhưng lĩnh vực này cũng đang chịu áp lực rất lớn trước sự cạnh tranh của các kho hàng ngay bên cạnh biên giới và các nhà bán hàng đang hiện diện ngày càng nhiều ở các nền tảng TMĐT.
TMĐT đang dần chiếm lĩnh thói quen tiêu dùng
Theo thống kê, doanh thu của TMĐT trong năm 2023 là 3,5 triệu tỷ đồng. Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2023 TMĐT Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 25%, thuộc quốc gia phát triển nhanh nhất của Đông Á, trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tiềm năng phát triển TMĐT còn rất rộng lớn, bởi TMĐT đã chiếm khoảng 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Hiện nay có khoảng hơn 80% người dùng internet đã mua sắm trực tuyến và hoạt động TMĐT dần lan rộng trong cộng đồng dân cư một cách rất tự nhiên. Đến mức, hiện nay, tại một số chợ truyền thống, các tiểu thương cũng đã tiến hành live stream để hàng hóa có thể đến được với đông đảo người tiêu dùng hơn. Cùng với đó, hầu hết các nhà bán hàng nhỏ lẻ cũng như doanh nghiệp lớn đều đã chạy song song các nền tảng bán hàng đa kênh, trong đó kênh TMĐT có sức hút rất mạnh bởi sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp có quy mô lớn - nhỏ khác nhau.
Bà Lại Việt Anh lưu ý, theo một số báo cáo thông tin về thị trường, TMĐT xuyên biên giới chiếm đến khoảng 20 - 22% giá trị của TMĐT toàn cầu, tốc độ tăng trưởng ước tính gấp 2,3 lần TMĐT. Trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu, với thế mạnh dệt may, da giày, gạo, nông sản… Do đó, dư địa, tiềm năng về TMĐT xuyên biên giới rất lớn. Đã từng có số liệu ước tính về tiềm năng này. Theo đó, nếu năm 2022 doanh số xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới mới đạt khoảng 3,3 tỷ USD thì năm 2027, con số này có thể kỳ vọng đạt hơn 11 tỷ USD nếu có những cơ chế hỗ trợ từ cả nền tảng TMĐT cũng như nhà nước.
TMĐT xuyên biên giới hiện nay đang có những cơ hội phát triển rất lớn, nhất là khi Việt Nam có thể tiệm cận 1 trong 2 quốc gia đông dân nhất thế giới. Đó là thị trường Trung Quốc với dân số hơn 1 tỷ dân. Đây được xem là cơ hội mà ít quốc gia khác có được.
“Giữ sân chơi nội địa” cho TMĐT
Theo đánh giá của một số chuyên gia theo dõi thương mại, TMĐT xuyên biên giới đang diễn ra mạnh mẽ nhưng đang sôi động một chiều. Bởi trong khi các thương nhân quốc tế dễ dàng đăng bán hàng trên nền tảng thương mại quốc tế, đặc biệt các nhà bán hàng của Trung Quốc hiện đang xuất hiện khá nhiều ở các nền tảng TMĐT ở Việt Nam nhưng các nhà bán hàng Việt Nam lại gặp khó hoặc chưa thể thâm nhập vào các trang TMĐT ở các quốc gia khác.
Có thể thấy, hiện nay, vào các sàn TMĐT ở Việt Nam như Shopee, Lazada… rất dễ dàng gặp các gian hàng của người bán hàng ở Trung Quốc, từ các sản phẩm rất nhỏ như các mặt hàng gia dụng phục vụ nhà bếp đến các sản phẩm lớn hơn. Cùng với đó, hầu như giá cả của các gian hàng này khá cạnh tranh và thời gian giao hàng từ các nhà bán hàng từ bên kia biên giới cũng nhanh hơn so với các nhà bán hàng tại Việt Nam.
Chia sẻ với PLVN, đại diện Bộ Công Thương đã từng bày tỏ sự lo lắng với sự cạnh tranh trực tiếp từ hàng hóa của nước bạn, nhất là trong bối cảnh TMĐT xuyên biên giới đang rất cởi mở và các kho hàng đang được nhà bán hàng Trung Quốc xây dựng ngay cạnh biên giới Việt Nam để có thể dễ dàng giao hàng cho các đơn hàng được đặt từ Việt Nam.
Đây là thách thức rất lớn với hàng hóa Việt, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi hiện nay, khối doanh nghiệp này đang tận dụng các kênh TMĐT nói chung, TMĐT xuyên biên giới nói riêng để có thể tiếp cận nhiều hơn lượng khách hàng, từ đó có thể gia tăng đơn hàng, doanh số… Điều này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi cách quản lý, cải tiến sản xuất để giảm chi phí đưa ra những mặt hàng chất lượng và cạnh tranh nhất, mới có thể “hút” được tệp khách hàng là người Việt, trước khi chinh phục khách hàng quốc tế thông qua các nền tảng bán hàng quốc tế.
Tại cuộc tọa đàm về phát triển TMĐT do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm qua (14/8), Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, các nhà bán hàng Việt Nam cần đi từ nhỏ đến lớn trước. Tức là giữ thị trường nội địa để có được những lợi ích như tạo gói kinh nghiệm để nâng cao độ đồng bộ sản phẩm… “Thị trường nội địa của chúng ta đủ lớn để các doanh nghiệp trải nghiệm và lớn mạnh. Khi đạt đến ngưỡng đủ mạnh thì chúng ta bắt đầu tiếp cận thị trường thế giới” - ông Tuấn Anh nói.
Bà Lại Việt Anh cho rằng, để tối ưu hoá tiềm năng TMĐT của Việt Nam là bài toán đường dài. Theo đó, để phát triển bền vững TMĐT, cần phải cân bằng tất cả các yếu tố tham gia thị trường, từ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp quốc tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nội địa, giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp thương mại, giữa người bán hàng và người tiêu dùng…