Chị N.C.T (31 tuổi, Quảng Nam) tìm đến bác sĩ trong tình trạng áp xe vú hai bên nghiêm trọng sau khi tiêm filler tại một cơ sở thẩm mỹ không uy tín.
Sau khi sinh hai con, ngực chị T chảy xệ nên luôn mong muốn cải thiện hình dáng. Chị quyết định tiêm filler ngực theo quảng cáo trên mạng xã hội. Phương pháp này được giới thiệu là nhanh chóng và hiệu quả.
Tuy nhiên, sau tiêm, chị T cảm thấy ngực nổi các khối lổn nhổn và thường xuyên sưng đau. Ba năm sau, chị đi kiểm tra tầm soát ung thư vú, các bác sĩ phát hiện các khối "u filler" trong ngực chị, không rõ là ung thư hay nhân xơ.
Chị T muốn sinh thêm con, nhưng các bác sĩ cảnh báo rằng chất filler trong ngực chị không xác định được nguồn gốc, có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh và cho con bú. Chị được khuyên nên phẫu thuật loại bỏ các chất này tại các bệnh viện tuyến trung ương với các chuyên gia nhiều kinh nghiệm.
Ngực sưng đau nhưng không sắp xếp thời gian đến Hà Nội để can thiệp, chị lại tìm đến thẩm mỹ viện để hút filler. Sau can thiệp, chị T đau tức, sốt cao, dùng kháng sinh không đỡ. Lúc này, chị mới tìm đến các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết người phụ nữ trên nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng. Khám lâm sàng cho thấy nhiều khối u cục kích thước khác nhau ở toàn bộ tuyến vú hai bên.
Kết quả siêu âm không xác định rõ ràng vị trí của các khối này, vì vậy các bác sĩ chỉ định chụp phim cộng hưởng từ MRI 3.0 Breast Coil chuyên dụng cho vú. Phim chụp vú hiện đại nhất này cho thấy rất nhiều khối trong ngực có hình dạng như các cục “u filler”, rải rác khắp ngực, cả trong tuyến vú và cơ ngực lớn.
Bác sĩ chẩn đoán chị T bị áp xe ngực với các khối "u filler" do tiêm filler ngực và chọc hút không đảm bảo vô khuẩn. Biểu hiện sốt rét run của chị T báo hiệu các khối áp xe có nguy cơ vỡ, nếu vào phổi sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ nhanh chóng phẫu thuật lấy chất làm đầy ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Nếu sử dụng phương pháp mổ mở thông thường, các bác sĩ sẽ phải cắt bỏ toàn bộ tổ chức tuyến vú và cơ hoại tử xen kẽ với các khối u dịch nhiễm trùng, gây mất đi cấu trúc tuyến vú và cơ ngực lớn, tương tự như cắt bỏ các khối ung thư vú.
Do vậy, các bác sĩ quyết định sử dụng phương pháp nội soi ít xâm lấn. Đây là phương pháp phẫu thuật hiện đại, đưa ống dò nội soi vào các ngóc ngách của cơ thể để tìm ra các đường hầm filler lan tỏa trong tuyến vú và dưới cơ, trong cơ ngực lớn, có chỗ lan tới sát xương ức hay tận hõm nách, để hút ra.
Trước phẫu thuật, các phẫu thuật viên phối hợp với các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh để xác định chính xác vị trí nối thông, các đường dò trong cơ thể, phục vụ cho phẫu thuật nội soi.
Ca phẫu thuật kéo dài gần 6 tiếng, hiện chị T ổn định, không sốt, đang được chăm sóc và theo dõi các nguy cơ biến chứng, bao gồm cả biến chứng nhiễm trùng kéo dài do vi khuẩn kháng thuốc từ quá trình tiêm chọc không đảm bảo vô khuẩn ở spa.