PLBĐ - Nữ bệnh nhân 38 tuổi đến khám và điều trị tại bệnh viện trong tình trạng hai bên bầu vú cương cứng, vú bên trái đã có dấu hiệu hoại tử sắp vỡ, vú bên phải bắt đầu có dấu hiệu hoại tử da.
Mới đây BS. Hoàng Mạnh Ninh - Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu điện thông tin, ngày 27/9/2022 bệnh viện tiếp nhận nữ bệnh nhân 38 tuổi đến khám và điều trị trong tình trạng hai bên bầu vú cương cứng, vú bên trái đã có dấu hiệu hoại tử sắp vỡ, vú bên phải bắt đầu có dấu hiệu hoại tử da.
Trước đó, chị này cho hay có tiêm chất làm đầy (filler) nâng ngực tại một spa với giá 20 triệu.
"Hai bầu ngực của người bệnh bị cương cứng, ngực trái hoại tử sắp vỡ, ngực phải bắt đầu có dấu hiệu hoại tử da, cứng ngắc. Kết quả siêu âm, chụp cộng hưởng cho thấy chị bị áp xe, hoại tử mô vú hai bên. Nguyên nhân do tiêm filler không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vô khuẩn và đúng kỹ thuật" – BS. Ninh thông tin.
Sau hội chẩn, các bác sĩ rạch chích mủ làm sạch tổ chức, loại bỏ ổ viêm, hoại tử và filler không rõ nguồn gốc, kết hợp dùng kháng sinh theo phác đồ. Bệnh nhân may mắn không phải cắt bỏ ngực. Tuy nhiên cần theo dõi trong thời gian dài mới có thể đánh giá có ổn định hay không, do nguy cơ tái phát cao.
Trước đó, Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu Điện tiếp nhận một bệnh nhân nữ 42 tuổi trong tình trạng sốt 38,5 độ C, đau sưng tức ngực cả 2 bên, ngực trái sưng to kích thước 6x8cm.
Sau khi thăm khám, xét nghiệm hình ảnh qua siêu âm và chụp cộng hưởng từ của bệnh nhân, bác sĩ phát hiện trong ngực có nhiều ổ viêm mủ, dẫn đến đa áp xe vú mà nguyên nhân chính là do tiêm filler không rõ nguồn gốc.
Theo BS. Hoàng Mạnh Ninh, tiêm filler mang đến hiệu quả nhanh chóng, tuy nhiên phương pháp này chỉ thích hợp với những vùng có diện tích nhỏ như mũi, cằm, má, môi, tai,... còn với ngực, các chuyên gia làm đẹp khuyến cáo không thực hiện bởi vùng ngực là nơi nhạy cảm, khi tiêm filler số lượng lớn có thể gây tắc mạch gây nhiễm trùng và ảnh hưởng rất lớn tới tuyến sữa sau này.
Ngoài ra, filler chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn hạn, nếu muốn duy trì kết quả cần phải tiêm lại nhiều lần, thông thường sau 1 - 2 năm. Tiêm thường xuyên có thể làm cho ngực bị nhão, chảy xệ và mất tính đàn hồi. Phải tiêm nhiều lần nên chi phí khá tốn kém.
Hơn nữa, hiện nay chưa có loại filler nào đảm bảo an toàn tuyệt đối để nâng ngực, do đó các bác sĩ không khuyến khích nâng ngực theo cách này.
Để đảm bảo an toàn BS. Ninh đưa ra một số lưu ý sau:
Tiêm filler không phải bác sĩ nào cũng có thể tiêm mà chỉ có bác sĩ chuyên khoa được đào tạo kiến thức về tạo hình thẩm mỹ mới được phép thực hiện. Nếu người thực hiện không có chuyên môn và tiêm không đúng kỹ thuật vào mạch máu có thể dẫn đến tắc động mạch máu, xuất huyết, hoại tử gây biến dạng sau này.
Mặc dù nâng ngực bằng filler có hiệu quả làm đẹp nhanh, ít xâm lấn nhưng không phù hợp với nâng ngực và độn mông, do đó cách này không có bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nào chỉ định. Thay vào đó, để hiệu quả lâu dài thì bạn có thể chọn nâng ngực bằng túi độn hoặc bơm mỡ tự thân.
Trước khi thực hiện một phương pháp làm đẹp nào cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin về phương pháp làm, cơ sở thực hiện, kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật,… Không nên thực hiện theo số đông, lời giới thiệu từ người thân quen hoặc quảng cáo sai sự thật của một số cơ sở làm đẹp không uy tín.