Tiêm mũi 2 chậm hơn thời gian khuyến cáo, vaccine COVID-19 liệu có hiệu quả?

18/08/2021 07:07

PLBĐ - Nhiều người thắc mắc, tiêm mũi 2 chậm hơn thời gian khuyến cáo của nhà sản xuất thì có phải tiêm lại từ đầu và hiệu quả của vaccine COVID-19 có bị giảm.

Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng 5 loại vaccine COVID-19. Hầu hết vaccine COVID-19 đều tiêm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi tùy theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cụ thể: Vaccine AstraZeneca: từ 8 - 12 tuần; Vaccine Sputnik V: 3 tuần; Vaccine Pfizer: 3 tuần; Vaccine của Sinopharm: 3 - 4 tuần; Vaccine Moderna: 28 ngày.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những người đã tiêm mũi 1 loại vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vaccine cùng loại. Người đã tiêm vaccine Sinopharm, Pfizer, Moderna được chỉ định tiêm 2 mũi cùng loại. Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, nếu đã tiêm mũi 1 là vaccine AstraZeneca thì có thể tiêm trộn mũi 2 là vaccine Pfizer. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần.

Hiện nhiều trường hợp đã được tiêm mũi 1 nhưng quá thời hạn vẫn chưa tiêm mũi 2. Vì vậy, nhiều người đặt câu hỏi trong trường hợp này thì có phải tiêm lại mũi 1 không? Việc tiêm mũi 2 không đúng khoảng cách thời gian khuyến cáo của nhà sản xuất liệu có giảm hiệu quả vaccine hay không?

Tiêm mũi 2 vaccine COVID-19 muộn có giảm hiệu quả? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Giải đáp thắc mắc trên, trả lời VnExpress, ThS. BS Nguyễn Hiền Minh (Đơn vị Tiêm chủng - Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM) cho biết: "Đến nay vẫn chưa có khuyến cáo tiêm lại từ đầu và việc tiêm trễ không làm giảm hiệu quả của vaccine".

Bác sĩ lý giải, một nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện tại Anh về khoảng cách giữa 2 mũi của vaccine Pfizer đã tạo ra đáp ứng miễn dịch tạo kháng thể và đáp ứng của tế bào lympho T. Đây là tế bào rất quan trọng đối với trí nhớ miễn dịch dài hạn và giúp tạo ra kháng thể.

Nghiên cứu được thực hiện trên hơn 500 nhân viên y tế, đánh giá mức độ kháng thể và lượng tế bào T sau 2 liều vaccine Pfizer với khoảng cách thời gian giữa 2 mũi ngắn (3-4 tuần, trung bình 24 ngày) và dài (6-14 tuần, trung bình 70 ngày).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, đối với nhóm có khoảng cách tiêm dài, nồng độ kháng thể giảm đáng kể giữa liều đầu tiên và liều thứ hai. Đặc biệt, nồng độ kháng thể trung hòa chống lại biến thể Delta tạo ra kém hơn sau khi dùng một liều duy nhất và không được duy trì trong khoảng thời gian trước liều thứ hai.

Tuy nhiên, tế bào T được duy trì tốt giữa liều đầu tiên và liều thứ hai. Sau 2 liều vaccine, nồng độ kháng thể trung hòa cao gấp đôi. Khoảng thời gian tiêm 2 mũi vaccine dài hơn dẫn đến mức kháng thể trung hòa cao hơn sau khi tiêm liều thứ hai, giúp cơ thể chống lại biến thể Delta và các biến thể khác.

"Bất kể lịch tiêm vaccine như thế nào, nghiên cứu cho thấy mức độ kháng thể và tế bào T thay đổi đáng kể ở mỗi cá nhân. Kết quả còn phụ thuộc vào di truyền, tình trạng sức khỏe cơ bản và quá khứ từng tiếp xúc với COVID-19 và các loại virus khác hay không", bác sĩ Minh nói.

Tiêm mũi 2 chậm hơn thời gian khuyến cáo, vaccine COVID-19 liệu có hiệu quả? - Ảnh 2.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Internet)

Cũng liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với báo Lao động, TS. Đặng Thị Thanh Huyền (Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) cho biết: "Những khuyến cáo về khoảng cách giữa 2 mũi tiêm mà nhà sản xuất đưa ra là mốc lý tưởng nhất, trong bối cảnh dồi dào và sẵn nguồn vaccine. Còn trong tình trạng thiếu vaccine như hiện nay ở Việt Nam, việc tiêm chậm hơn so với khuyến cáo không ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine. Người dân không phải tiêm lại từ đầu các mũi vaccine".

Theo TS. Huyền chia sẻ, hiện nay chưa có thời gian tối đa của việc chậm tiêm mũi 2 là bao nhiêu. Khi được tiêm mũi 1, người được tiêm đã được bảo vệ ở một mức độ an toàn nhất định.

Vaccine COVID-19 không được phân phối đồng đều trên toàn cầu. Nhìn chung, các quốc gia giàu có nhất thế giới đã đảm bảo được nhiều nguồn cung sẵn có hơn các quốc gia nghèo hơn.

Trong khi đó, các biến thể SARS-CoV-2 mới có khả năng lây lan cao hơn đang xuất hiện, các chuyên gia y tế trên toàn cầu đang thảo luận về lựa chọn tiêm chủng cho nhiều người hơn với liều đầu tiên bằng cách lùi ngày tiêm liều thứ hai của những loại vaccine này. Đối với các quốc gia không cung cấp đủ vaccine ngay lập tức thì có thể tập trung vào việc tiêm liều đầu tiên cho càng nhiều người càng tốt, thậm chí nếu điều đó có nghĩa là kéo dài thời gian liều thứ hai nhiều hơn khuyến cáo 12 tuần.

Việt Nam đã tiêm được 15.343.633 liều vaccine phòng COVID-19

Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, đến hết ngày 16/8, cả nước đã tiêm được 15.343.633 liều vaccine phòng COVID-19.

Con số này cho thấy tốc độ tiêm chủng đang được đẩy nhanh vì tính từ mốc hơn 10 triệu liều vào ngày 9/8 (10.393.025 liều sau 5 tháng), chỉ qua 8 ngày (hết ngày 16/8) cả nước đã tiêm được thêm 5 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Trong số này đã có 1.379.274 người được tiêm mũi 2 (ngày 9/8 là 1.003.287).

Về tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19 tại các địa phương, hiện TP. HCM dẫn đầu cả nước về tiến độ tiêm chủng với 4.747.988 liều, tiếp theo là Hà Nội với 2.157.338 liều.

Ba thành phố trực thuộc Trung ương khác, gồm Hải Phòng đã tiêm được 131.398 liều (con số Hải Phòng công bố), Đà Nẵng 118.022 liều, Cần Thơ 206.099 liều.

Một số địa phương khác tiêm chủng đạt hơn 300.000 liều/trên số vaccine được phân bổ là: Bình Dương (488.302), Long An (377.012), Bắc Giang (360.500), Bắc Ninh (354.876), Đồng Nai (331.684), Đồng Tháp (315.125); đạt hơn 200.000 liều: Tiền Giang (273.853), Quảng Ninh (261.973), Vĩnh Long (211.992), Bà Rịa - Vũng Tàu (201.590).

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiêm mũi 2 chậm hơn thời gian khuyến cáo, vaccine COVID-19 liệu có hiệu quả?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO