Bài viết sau có nội dung về việc tiếp tục hoàn thiện Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ và thu phí sử dụng đường bộ trong Nghị quyết 128/NQ-CP năm 2024.
Tiếp tục hoàn thiện Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ và thu phí sử dụng đường bộ (Hình từ Internet)
Ngày 08/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024.
Theo nội dung trong Nghị quyết 128/NQ-CP năm 2024 thì việc hoàn thiện Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ và thu phí sử dụng đường bộ được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong tháng 9/2024 và thời gian tới trong đó cần chú trọng một số nội dung trọng tâm sau:
- Tập trung tiếp thu, giải trình, hoàn thiện, trình Chính phủ các Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, quy định về thu phí sử dụng đường bộ và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
- Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn lại trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật các dự án, bảo đảm nguồn vật liệu trong quá trình triển khai các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp tục phối hợp, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho các địa phương trong triển khai các dự án cao tốc do địa phương là cơ quan chủ quản.
- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để ban hành định mức trong lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, nhất là định mức về đường bộ cao tốc.
Ngoài ra, trong Nghị quyết 128/NQ-CP năm 2024 thì Thủ tướng Chính phủ còn có một số yêu cầu đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư như sau:
- Xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 20/9/2024.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9/2024 để xem xét phát động phong trào 120 ngày giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
- Tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, Hydrogen...; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương để tập trung xử lý, giải quyết các vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, mặt bằng... nhằm đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam.
- Phát huy hiệu quả các Hội đồng điều phối vùng, thúc đẩy liên kết vùng gắn với tăng cường xúc tiến đầu tư; hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát huy tối đa hiệu quả vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, cả ở trung ương, các vùng và địa phương để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
- Tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị tốt tài liệu phục vụ Phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến cuối năm 2024.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Xây dựng và các cơ quan liên quan báo cáo về việc áp dụng quy định pháp luật để thực hiện dự án đầu tư công của các bộ quản lý ngành, trình Chính phủ trước ngày 20/9/2024.
Xem thêm Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành ngày 8/9/2024.