Bài viết sau có nội dung về tiêu chí xác định dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù từ 01/12/2024 được quy định trong Nghị định 127/2024/NĐ-CP.
Tiêu chí xác định dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù từ 01/12/2024 (Hình từ Internet)
Ngày 10/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 127/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc.
Theo quy định tại Điều 4b Nghị định 05/2011/NĐ-CP (sửa đổi khoản 2 Điều 1 Nghị định 127/2024/NĐ-CP) thì tiêu chí xác định dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù được xác định như sau:
- Dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù được xác định theo các tiêu chí, trình tự, thủ tục, hồ sơ do cấp có thẩm quyền quy định trong từng thời kỳ.
- Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết khoản 1 Điều 4b Nghị định 05/2011/NĐ-CP (sửa đổi khoản 2 Điều 1 Nghị định 127/2024/NĐ-CP)
Ngoài ra, việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển được quy định cụ thể tại Điều 4a Nghị định 05/2011/NĐ-CP (sửa đổi khoản 2 Điều 1 Nghị định 127/2024/NĐ-CP) như sau:
- Vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phân định theo trình độ phát triển theo các tiêu chí, trình tự, thủ tục, hồ sơ do cấp có thẩm quyền quy định trong từng thời kỳ.
- Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết khoản 1 Điều 4a Nghị định 05/2011/NĐ-CP (sửa đổi khoản 2 Điều 1 Nghị định 127/2024/NĐ-CP).
Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo trong công tác dân tộc được quy định cụ thể tại Điều 10 Nghị định 05/2011/NĐ-CP như sau:
- Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số theo chương trình chung quốc gia; xây dựng chính sách giáo dục ở tất cả các cấp học phù hợp với đặc thù dân tộc.
- Phát triển trường mầm non, trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trường dạy nghề, trường dự bị đại học; nghiên cứu hình thức đào tạo đa ngành bậc đại học cho con em các dân tộc thiểu số để đẩy nhanh việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
- Quy định các điều kiện và biện pháp cụ thể, phù hợp để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số; giải quyết chỗ ở, học bổng và cho vay vốn trong thời gian học tập phù hợp với ngành nghề đào tạo và địa bàn cư trú của sinh viên dân tộc thiểu số.
Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được miễn học phí ở tất cả các cấp học, ngành học.
- Đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm từng vùng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập Quốc tế.
- Quy định việc hỗ trợ giáo viên giảng dạy tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo giáo viên là người dân tộc thiểu số và giáo viên dạy tiếng dân tộc.
- Tiếng nói, chữ viết và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học phù hợp với địa bàn vùng dân tộc.
- Chính quyền địa phương, nơi có con em dân tộc thiểu số thi đỗ vào Đại học, Cao đẳng và sinh viên được cử đi học hệ cử tuyển, có trách nhiệm tiếp nhận và phân công công tác phù hợp với ngành nghề đào tạo sau khi tốt nghiệp.
- Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung Điều 10 Nghị định 05/2011/NĐ-CP.
Xem thêm Nghị định 127/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/12/2024.