Quyền lợi chủ hộ kinh doanh bị thu bảo hiểm xã hội sai luật có thể được đưa vào nghị quyết của Quốc hội thay vì quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Tại Nghị quyết tháng 6/2023, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan trong năm 2023 giải quyết dứt điểm vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho chủ hộ kinh doanh cá thể bị thu bảo hiểm xã hội (BHXH) trái luật theo phản ánh của Ban Dân nguyện, Thường vụ Quốc hội. Đến tháng 5/2023, còn 3.567 chủ hộ kinh doanh chờ giải quyết quyền lợi, 37% trong số này đã đóng BHXH trên 15 năm.
Tròn một năm, các bên liên quan vẫn đang bàn thảo, tính toán phương án xử lý. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cuối tháng 5 từng nêu quy định chuyển tiếp chủ hộ kinh doanh đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc trước ngày luật có hiệu lực thi hành (dự kiến 1/7/2025) thì việc giải quyết các chế độ BHXH do Chính phủ quy định.
Song bản chỉnh lý mới nhất đã bỏ nội dung này, bởi đại biểu Quốc hội không đồng tình quy định chuyển tiếp vì không đúng nguyên tắc. Luật hiện hành không quy định chủ hộ kinh doanh thuộc diện đóng bắt buộc.
Các đại biểu đề nghị gói gọn trong nghị quyết kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, không đưa vào luật sửa đổi, tránh gây hiểu nhầm "Quốc hội đã luật hóa cho một việc làm sai". Việc ban hành nghị quyết riêng nhằm nhanh chóng giải quyết quyền lợi, đặc biệt là hưu trí cho nhiều chủ hộ đã hết tuổi lao động để họ ổn định cuộc sống về già, không để phát sinh đơn thư khiếu kiện, khiếu nại như mấy năm qua.
Chính phủ đồng tình thống nhất nguyên tắc ghi nhận thời gian đã đóng BHXH bắt buộc trước đây của chủ hộ làm căn cứ giải quyết chế độ, đề nghị không quy định trong luật sửa đổi mà đưa vào Nghị quyết Quốc hội, giao Chính phủ xây dựng hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.
Từ góp ý của các bên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉ đạo chỉnh lý dự luật theo hướng giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để giải quyết quyền lợi cho chủ hộ kinh doanh cá thể.
Các chủ hộ kinh doanh cá thể tập trung tại nhà ông Nguyễn Viết Lâm tại TP Tuyên Quang, tháng 5/2023. Ảnh: Phạm Cường
Trả lời về hướng giải quyết ngày 14/6, ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết tinh thần là bám sát nguyên tắc đóng - hưởng và có chia sẻ, đảm bảo quyền lợi cho lao động song cũng cần đánh giá kỹ tác động. "Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có 5 cuộc làm việc với các bộ ngành về vấn đề này, các bên thảo luận kỹ để xem xét giải quyết sớm", ông nói.
Chia sẻ với VnExpress trước đó, một số chủ hộ cho biết vẫn chờ đợi hưu trí dù đã quá tuổi nghỉ hưu 4-5 năm. Ông Nguyễn Viết Lâm, 64 tuổi, trú TP Tuyên Quang, tiếp tục gõ cửa cơ quan công quyền để cập nhật tiến độ giải quyết song chưa có kết quả. Có chủ hộ chọn chờ lấy lương hưu chứ không muốn nhận lại tiền đóng mà không tính lãi. Song cũng có chủ hộ nhiều năm vật lộn với ung thư "không muốn chờ nữa" mà muốn lấy lại tiền đóng.
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm và sử dụng dưới 10 lao động. Chủ hộ kinh doanh là cá nhân hoặc một người trong hộ gia đình được các thành viên khác ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh. Theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh phải đóng BHXH bắt buộc cho lao động thuê mướn, giao kết hợp đồng; còn chủ hộ không thuộc diện đóng bắt buộc.