GĐXH - Phản ánh tới Phóng viên Chuyên trang Gia đình & Xã hội (Báo Sức khỏe & Đời sống), thời gian qua, một số trường hợp đã mất tiền khi tin tưởng vào những người nhận thi hộ chứng chỉ ngoại ngữ.
Hơn một tháng nay, anh Đào Thanh Long (30 tuổi, ở Thanh Ba, Phú Thọ) loay hoay với việc học và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu học Thạc sĩ.
Sau một thời gian tìm hiểu, anh Long nhận được tin nhắn từ người lạ trên nhóm "thi hộ, học hộ" trên mạng xã hội Facebook, quảng cáo rằng có thể giúp anh có chứng chỉ ngoại ngữ tiếng anh B1 mà không cần học.
Việc của anh Long là chỉ cần đến trường, ngồi vào phòng thi, còn thi như thế nào thì đã có người khác "lo". Chi phí là 15 triệu đồng.
Anh Long cho biết: "Thời điểm này, ngoài thời gian đi làm giờ hành chính và gia đình, tôi không còn thời gian để học tiếng Anh, tôi cho rằng, sẽ có nhiều giải pháp để có được chứng chỉ ngoại ngữ mà không cần học. Bởi vậy, thông qua một số nhóm trên mạng xã hội, người này khẳng định 100% là thi đậu, có chứng chỉ. Bởi khi vào phòng thi, tôi sẽ có "tay trong" đứng cạnh nhắc bài".
Theo anh Long, vì tin tưởng, anh Long đã chuyển một nửa chi phí là 7,5 triệu đồng nhưng khi lệnh chuyển tiền vừa chuyển đi, mọi kết nối cũng đều bị ngắt.
Chị Lương Thị Hoài (22 tuổi, ở Cầu Giấy) cũng mất 250.000 đồng sau khi tìm người thi hộ môn ngoại ngữ.
Chị Hoài cho biết: "Tôi chỉ tìm người thi hộ bài thi giữa kỳ, nên sau khi đăng bài trong một nhóm về thi hộ, admin nhóm này đã liên hệ với tôi và khẳng định sẽ sắp xếp người để thi hộ. Chi phí là 500.000 đồng, tôi cọc 250.000 đồng nhưng khi vừa chuyển tiền thì người này chặn mọi liên lạc".
Chị Nguyễn Thị An (29 tuổi, ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm) cũng "tiền mất tật mang" sau khi chuyển 14 triệu đồng cho một cá nhân với niềm tin được thi hộ chứng chỉ IELTS.
Sau "cứ lừa" để đời này, chị An quyết định tìm giáo viên để " 1 kèm 1" ôn thi ngoại ngữ.
Chị An cho biết, hiện nay, có rất nhiều thông tin quảng cáo có thể thi hộ chứng chỉ IELTS, chứng chỉ ngoại ngữ Vstep (kỳ thi năng lực tiếng Anh tiêu chuẩn hóa của Việt Nam). Tuy nhiên, kỳ thi này được tổ chức bởi một số trường đại học và kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu thi đến trả chứng chỉ.
"Sau cú lừa đó, tôi mới tìm hiểu từ những người đã từng tham gia thi và liên hệ một số trường đại học tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ mới biết rằng, các trường kiểm tra căn cước công dân với khuôn mặt người thi rất chặt chẽ. Mỗi thí sinh thi trên một máy tính và các đề thi không giống nhau. Hơn nữa, các trường đều đòi hỏi thí sinh cung cấp giấy khai sinh, căn cước công dân khi đến lấy chứng chỉ tại trường", chị An cho hay.
Ghi nhận của phóng viên, lợi dụng nhu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, hiện nay, trên mạng xã hội Facebook đã và đang có rất nhiều hội/nhóm hỗ trợ về thi hộ chứng chỉ ngoại ngữ.
Chỉ cần gõ từ khóa "thi hộ chứng chỉ ngoại ngữ" trên các công cụ tìm kiếm internet, mạng xã hội, sẽ xuất hiện hàng nghìn kết quả là các bài đăng về việc hỗ trợ thi hộ các chứng chỉ, không chỉ tiếng Anh, mà còn tiếng Pháp, tiếng Trung…
Những fanpage/hội nhóm này đăng thông tin sẽ thi hộ cho người có nhu cầu muốn sở hữu các chứng chỉ ngoại ngữ như: IELTS, PTE, TOEIC, VSTEP, KET, FCE… với những lời quảng cáo, cam kết đầu ra, như: "Cam kết đầu ra 450Đ TOEIC hoặc 4.5 - 7.0 IELTS"; "bao đỗ khi thi lần đầu", "chỉ đi thi đúng 1 buổi thay vì phải học cả năm"… kèm theo đó là hình ảnh những thí sinh (được che mặt) cầm trên tay các chứng chỉ ngoại ngữ cùng những lời cảm ơn nhằm tạo uy tín.
Còn fanpage Dịch vụ Anh ngữ - Nhận bằng hỏa tốc - Thanh toán tiền sau, đăng thông tin: "Hỗ trợ thi hộ IELTS, PTE, TOEIC, bao đỗ khi thi lần đầu, cấp chứng chỉ đúng thời hạn, không phải chờ đợi lâu".
Ngoài ra, trên Facebook cũng xuất hiện nhiều hội, nhóm được đặt tên như "Đồng hành cùng các kỳ thi", "Tự học tiếng Anh"… với hàng nghìn thành viên tham gia.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng luật Trung Hòa, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, Điều 22 Luật Giáo dục năm 2019 quy định các hành vi gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục.
Điều 14, Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/1/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định: Phạt tiền từ 14 triệu đồng đến 16 triệu đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm.
Hiện nay, Bộ luật Hình sự hiện hành không có quy định đối với hành vi thi hộ. Tuy nhiên, nếu các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội như làm giả giấy tờ, đi thi thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Video nam sinh lớp 11 đạt 8.0 lên lớp trợ giảng cho học viên tại trung tâm ngoại ngữ