Vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, với sức gió giật cấp 8 và di chuyển về hướng đất liền nước ta; Lực lượng chức năng đã xác định được 11/12 người tử vong trong vụ lở đất vùi lấp xe khách tại tỉnh Hà Giang....
Chiều tối 13/7, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, vùng áp thấp trên vùng biển phía tây của khu vực giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 16h ngày 14/7 và những giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới mạnh lên và tăng cấp gió nhưng giữ nguyên hướng di chuyển.
Đến 16h ngày 15/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển ngoài khơi từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9, di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ 10km/giờ.
Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và suy yếu dần.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía tây của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía tây nam của khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có mưa rào và giông mạnh, gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2-4m.
Từ ngày 14/7, vùng biển ngoài khơi từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định gió mạnh lên cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 1,5-3m.
Đáng lưu ý, áp thấp nhiệt đới gây mưa to trên đất liền. Cụ thể, từ đêm 14/7 đến 17/7, ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to và giông, có nơi mưa rất to. Lượng mưa ở đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ là 60-120mm, có nơi trên 200mm; khu vực Bắc và Trung Trung Bộ là 100-200mm, có nơi trên 250mm.
Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.
Thông tin từ báo Lao Động, theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Hà Giang, sau khi rà soát, lực lượng chức năng đã xác định 12 nạn nhân tử vong trong vụ lở đất vùi lấp xe khách 16 chỗ.
Trong đó có 8 người đi xe khách, 3 người đi xe Inova (lên hỗ trợ xe khách) và 1 người chưa xác định được.
Các nạn nhân tử vong gồm:
Dương Văn N, sinh năm 1996, địa chỉ: Nà Đon - Quảng Lâm - Cao Bằng
Lò Hoàng C (sinh năm 2018) địa chỉ: huyện Than Uyên tỉnh Lai Châu
Ma Thị H, sinh năm 1945, địa chỉ: huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng
Bàn Văn N, địa chỉ: huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang
Nông Thị H, sinh năm 1991 địa chỉ: xã Minh Ngọc huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang
Bùi Đức T, sinh năm 2020 (con trai của chị Nông Thị H)
Dương Thị X, địa chỉ: xã Yên Thổ huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng
Nguyễn Chí T, sinh năm 1966, địa chỉ: Tổ 16 phường Trần Phú, Thành phố Hà Giang
Hoàng Văn L, sinh năm 1991, địa chỉ: Sinh Long, Na Hang, Tuyên Quang
Đinh Văn T, sinh năm 1994, địa chỉ: Sinh Long, Na Hang, Tuyên Quang
Hoàng Văn K, sinh năm 2001, địa chỉ: Sinh Long, Na Hang, Tuyên Quang.
Đến thời điểm cuối chiều 13/7, đã có 9 nạn nhân tử vong được đưa về gia đình tổ chức an táng; các nạn nhân còn lại đang chờ gia đình đến nhận thi thể.
Danh tính 4 người bị thương đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang gồm:
Lò Mai P, sinh năm 2016, địa chỉ: huyện Than Uyên, Lai Châu
Ma Thị D, sinh năm 1989, địa chỉ: Nà Lình - Nam Quang - huyện Bảo Lâm, Cao Bằng
Giàng A T, sinh năm 2005, địa chỉ: xã Yên Cường huyện Bắc Mê tỉnh Hà Giang
Vừ Mí S, sinh năm 2005, địa chỉ: Lủng Dưới - Khâu Vai huyện Mèo Vạc).
Tỉnh Hà Giang thực hiện hỗ trợ 5 triệu đồng đối với nạn nhân tử vong, 3 triệu đồng đối với người bị thương; huyện Bắc Mê hỗ trợ mai táng phí 25 triệu đồng đối với nạn nhân tử vong và 5 triệu đồng đối với người bị thương.
Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng hỗ trợ 5 triệu đồng đối với nạn nhân tử vong và 2 triệu đồng đối với người bị thương.
Theo Người lao động, ngày 13/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định đình nã đối với Trần Văn T. (SN 1968; ở thôn Hồng Sơn, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) nghi phạm chính trong vụ án sát hại cô gái trẻ - do bị can đã tử vong.
Cơ quan chức năng xác định bị can bị truy nã Trần Văn T. đã tự sát tại khu vực rừng thuộc bản Eo Bù - Chút Mút, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy.
Như Báo Người Lao Động thông tin, khoảng 12 giờ ngày 6/5, T. và chị Hồ Thị M. (24 tuổi, trú xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy) vào rừng chặt lá cọ lợp mái nhà.
Đến 14 giờ cùng ngày, ông T. gọi điện báo cho người nhà biết việc mình đã giết chị M. và nói 20 phút nữa sẽ tự tử rồi tắt điện thoại. Nhận tin báo, lực lượng chức năng và người nhà chị M. nhanh chóng vào rừng tìm kiếm.
Quá trình tìm kiếm, lực lượng chức năng phát hiện chị M. tử vong trong tư thế bị treo cổ vào thân cây, trên người có nhiều vết thương.
Do Trần Văn T. đã bỏ trốn, không xác định được đang ở đâu nên Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án và truy nã bị can. Sau đó, cảnh sát phát hiện hung thủ cũng đã chết trong rừng, cách địa điểm gây án chừng vài trăm mét.
Thế vận hội - Olympic Paris 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26/7 đến 11/8 tới đây. Đây là lần thứ ba Pháp đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh (sau năm 1900 và 1924).
Thể thao Việt Nam có 16 vận động viên (đạt chuẩn và đặc cách) tham dự Olympic vào mùa hè này. Con số này vượt chỉ tiêu ban đầu của ngành thể thao là từ 12-15 vận động viên. Tuy nhiên, so với kì Thế vận hội trước, Việt Nam có đến 18 vận động viên góp mặt.
Theo đó, cua-rơ Nguyễn Thị Thật là người đầu tiên giành vé dự Olympic, sau khi về nhất giải xe đạp đường trường châu Á 2023 nội dung xuất phát đồng hàng nữ (109km).
Đây là suất dành cho vận động viên của các quốc gia không thể giành vé dự Olympic thông qua bảng xếp hạng của Liên đoàn xe đạp thế giới (UCI) hoặc giải vô địch thế giới.
Vận động viên Nguyễn Huy Hoàng tiếp tục tham dự Olympic nội dung 800m tự do, sau khi giành huy chương đồng tại ASIAD 19 với thông số 51 giây 44.
Ở môn bắn súng có 2 vận động viên giành vé đến Pháp là Trịnh Thu Vinh (10m súng ngắn nữ) và Lê Thị Mộng Tuyền (10m súng trường hơi nữ).
Trong đó, Thu Vinh từng xếp hạng 5/8 tại giải bắn súng vô địch thế giới 2023 (tháng 8/2023) còn Mộng Tuyền cũng đứng thứ 5 tại giải vô địch châu Á 2024.
Ngoài ra, cầu lông cũng có 2 tấm vé dự Olympic là Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát. Nữ vận động viên người Phú Thọ đã trải qua quá trình thi đấu tích điểm ấn tượng để có lần thứ 2 liên tiếp góp mặt ở đấu trường này. Đồng đội của cô là Đức Phát lần đầu dự Olympic nhưng đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng.
Tương tự như vậy, môn boxing có 2 võ sĩ dự Thế vận hội là Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh, bắn cung có 2 cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Lê Quốc Phong.
Ở môn judo, Hoàng Thị Tình là vận động viên duy nhất giành vé dự Olympic, thông qua tấm huy chương vàng tại giải Lima Panamerican Open 2024.
Bên cạnh đó, môn rowing có vận động viên Phạm Thị Huệ lần đầu tiên dự Olympic sau 2 lần lỡ cơ hội đáng tiếc; Nguyễn Thị Hương cũng đại diện môn canoeing dự đấu trường thế giới.
Đáng chú ý, vận động viên Trịnh Văn Vinh dù chỉ vừa trở lại sau án phạt cấm thi đấu 4 năm vì doping - đã xuất sắc có vé tranh tài tại Thế vận hội ở môn cử tạ.
Bên cạnh những vận động viên giành vé trực tiếp đến Olympic, thể thao Việt Nam có 2 suất đặc cách được trao cho Võ Thị Mỹ Tiên (bơi) và Trần Thị Nhi Yến (điền kinh).
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an soạn thảo, mới được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025. Theo đó, có nhiều quy định mới về giao thông đường bộ mà người dân cần nắm rõ.
Đáng chú ý, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ bổ sung thêm các trường hợp không được dừng, đỗ xe so với Luật Giao thông đường bộ 2008.
Tại Điều 19, khoản 3 của Luật nêu về việc người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phải thực hiện các quy định sau đây:
1) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết khi vào, ra vị trí dừng xe, đỗ xe;
2) Không làm ảnh hưởng đến người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông.
Trong khi đó, tại khoản 4 nêu, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:
1) Bên trái đường một chiều;
2) Trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi có tầm nhìn bị che khuất;
3) Trên cầu, trừ những trường hợp tổ chức giao thông cho phép;
4) Gầm cầu vượt, trừ những nơi được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
5) Song song cùng chiều với một xe khác đang dừng, đỗ trên đường;
6) Cách xe ô tô đang đỗ ngược chiều dưới 20 mét trên đường phố, dưới 40 mét trên đường có một làn xe cơ giới trên một chiều đường;
7) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
8) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 05 mét tính từ mép đường giao nhau;
9) Điểm đón trả khách theo quy định;
10) Trước cổng và trong phạm vi 05 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ra vào;
11) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe cơ giới;
12) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
13) Che khuất biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông;
14) Trên đường dành riêng cho xe buýt, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; trên lòng đường, vỉa hè trái quy định.
So với Luật Giao thông đường bộ, Luật trên bổ sung thêm 3 địa điểm mà tài xế không được dừng, đỗ xe.