Tin sáng 22/3: Miền Bắc nắng nóng đến sớm và gay gắt hơn; Diễn biến mới vụ hóa đơn tiền nước 57 triệu

Giá mận đầu mùa 300.000 đồngkg 22/03/2024 08:14

Tại khu vực Bắc Bộ nắng nóng xuất hiện sớm hơn, số ngày nắng nóng khả năng nhiều hơn và mức độ gay gắt hơn; Công ty Cấp nước Sài Gòn đã cho biết thông tin mới về việc hộ dân nhận hóa đơn tiền nước 57 triệu...

Nắng nóng ở miền Bắc đến sớm, nhiều đợt và gay gắt hơn

Tin sáng 22/3: Miền Bắc nắng nóng đến sớm và gay gắt hơn; Diễn biến mới vụ hóa đơn tiền nước 57 triệu - Ảnh 1.
Ảnh minh họa

Chiều 21/3, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn năm 2023 và nhận định xu thế thiên tai năm 2024.

Báo cáo tại hội nghị, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng cho biết, năm 2023, số lượng cơn bão hoạt động ít nhất so với trung bình nhiều năm; không có cơn bão nào đi vào đất liền nước ta. Đây cũng là năm xuất hiện tới 20 đợt nắng nóng, nhiều hơn 5 đợt so với trung bình nhiều năm…

Dự báo mùa hè năm nay, ông Lâm thông tin, nắng nóng xuất hiện sớm hơn, số ngày nắng nóng khả năng nhiều hơn và mức độ gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Tại Tây Bắc Bộ, cao điểm nắng nóng rơi vào tháng 5-6; trong khi Đông Bắc Bộ, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế vào tháng 6-7; Đà Nẵng - Khánh Hòa cao điểm vào tháng 7 và Nam Bộ cao điểm tháng 3-4.

Về diễn biến mùa mưa bão năm nay, lãnh đạo cơ quan khí tượng cho biết, mùa mưa ở miền Bắc được dự báo diễn ra theo đúng quy luật vào khoảng tháng 5-8.

Biển Đông khả năng hứng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, xấp xỉ trung bình nhiều năm. Nhiều khả năng, hình thái này sẽ tập trung vào nửa cuối mùa ở Trung Bộ.

Dự báo này cũng phù hợp với nhận định mưa lớn khả năng xuất hiện nhiều trong các tháng cuối năm tại khu vực Trung Bộ, tập trung từ tháng 9-11/2024.

Trong khi đó, Tây Nguyên và Nam Bộ khả năng bắt đầu mùa mưa muộn. Riêng tháng 6, gió mùa Tây Nam xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm, khiến mưa gia tăng ở hai khu vực này.

Ngoài ra, mùa lũ năm 2024 ít có khả năng đến sớm trên các sông, suối ở miền Bắc. Nguồn nước có thể bị thiếu hụt 30-50% trên sông Đà, 40-50% trên sông Thao, sông Lô, sông Hồng...

Các chuyên gia cũng cảnh báo, từ nay đến hết mùa hạn mặn năm 2024, ở Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của 4 đợt xâm nhập mặn tăng cao (thời kỳ 23-28/3, 8-14/4, 23-28/4, 6-12/5), trong đó đợt xâm nhập cao nhất vào thời kỳ 8-14/4.

Vụ hóa đơn tiền nước 57 triệu: Người dân chỉ cần đóng bằng các tháng trước

Tin sáng 22/3: Miền Bắc nắng nóng đến sớm và gay gắt hơn; Diễn biến mới vụ hóa đơn tiền nước 57 triệu - Ảnh 2.
Hóa đơn tiền nước hộ gia đình tại TPHCM trong tháng 2 cao bất thường, lên đến 57 triệu đồng. Ảnh: Dân Trí

Liên quan tới vụ việc một hộ dân nhận hóa đơn tiền nước tháng 2 cao bất thường với 57 triệu đồng, thông tin trên Dân Trí, ông Lê Trọng Thuần, Giám đốc kinh doanh Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) cho hay, địa chỉ cấp nước này thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định. Vào kỳ hóa đơn tiền nước tháng 1, nhân viên đến đo đồng hồ nước nhưng gia đình đi vắng, phía công ty lấy mặc định lượng nước sử dụng những tháng trước đó để ra hóa đơn.

Đến kỳ tính hóa đơn tháng 2, nhân viên đã tiếp cận đồng hồ nước của hộ gia đình này và thấy khối lượng sử dụng nước tăng lên như trong hóa đơn. Nhân viên của công ty sau đó đã kiểm tra, rà soát hệ thống đường ống dẫn nước, hệ thống nước trong ngôi nhà, kiểm định đồng hồ nước.

"Trong trường hợp này, Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định áp dụng phương án tính hóa đơn nước kỳ tháng 2 vẫn bằng trung bình các kỳ trước là khoảng 20m3. Sau khi có kết quả kiểm định đồng hồ nước, chúng tôi sẽ thông tin tới khách hàng và đưa ra hướng xử lý tiếp theo", đại diện Sawaco nêu rõ.

Trước đó, ông Nguyễn Quốc Huy (41 tuổi, ngụ hẻm 490 Lê Văn Sỹ, quận 3) tá hỏa khi nhận hóa đơn tiền nước tháng 2 hơn 57 triệu đồng.

Theo ông Huy, tháng 1 (trước Tết), nhân viên đến đo đồng hồ nước nhưng gia đình đi vắng. Phía công ty lấy mặc định lượng nước sử dụng những tháng trước đó để ra hóa đơn và tính toán lại sau.

Tháng 2, khi nhận mức phí sử dụng nước trên, ông Huy quá bất ngờ. Trung bình mỗi tháng gia đình ông sử dụng khoảng 20m3 nước với số tiền hơn 200.000 đồng. Ông nghi đồng hồ nước có vấn đề mới xảy ra chuyện như vậy.

Chủ gia đình tính toán, nếu 3.000m3 nước thất thoát trong 2 tháng, mỗi ngày gia đình ông phải dùng tầm 50m3, tức 2m3 nước/giờ. Tuy nhiên, khi dùng thiết bị đo lượng nước từ đường ống qua máy bơm cung cấp cho gia đình, ông đo được áp suất nước tối đa chỉ 1,5m3/giờ.

Như vậy, nguồn cấp nước đầu vào chỉ 1,5m3 nước/giờ, không thể nào gia đình ông làm thất thoát 2m3 nước/giờ. Với việc sử dụng 2m3 nước/giờ, gia đình ông phải xài liên tục trong 60 ngày mới đủ 3.000m3 nước.

Nữ sinh lớp 9 bị nhóm bạn cùng trường đánh đập dã man

Tin sáng 22/3: Miền Bắc nắng nóng đến sớm và gay gắt hơn; Diễn biến mới vụ hóa đơn tiền nước 57 triệu - Ảnh 3.
Em T. H bị nhóm bạn cùng trường đánh đập dã man (Ảnh cắt từ clip)

Thông tin trên Vietnamnet cho biết, vụ việc xảy ra sau giờ tan học trưa 12/3, tại khu vực nghĩa trang thôn Linh Nham, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang. Học sinh bị đánh là em T.H lớp 9.

Nhóm nữ sinh tham gia đánh em H là bạn học cùng trường, cùng lớp. Ngoài ra còn có 8 học sinh tham gia xem, trong đó có 4 em quay video.

Theo UBND huyện Mang Yang, nguyên nhân ban đầu được xác định là do mâu thuẫn cá nhân, em H và nhóm học sinh nhắn tin nói xấu nhau. Tuy nhiên sự việc chưa được giải quyết nên hẹn nhau gặp mặt để nói chuyện, sau đó xảy ra xô xát.

Sau khi xảy ra vụ việc, sáng ngày 13/3, Hiệu trưởng nhà trường đã báo cáo bằng điện thoại và mời Công an xã Đak Djrăng cùng phụ huynh các học sinh có liên quan đến trường để phối hợp giải quyết. Qua quá trình làm việc, các gia đình đã thống nhất tự thỏa thuận khắc phục hậu quả, động viên, thăm hỏi lẫn nhau, hòa giải tránh mâu thuẫn về sau. Hiện tại nữ sinh H đã đi học bình thường.

Nhận được thông tin, UBND huyện đã triệu tập các cơ quan đơn vị liên quan để họp, chỉ đạo giải quyết vụ việc. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Thị Lan Anh đã nghiêm túc phê bình, chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác quản lý đối với Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu nhà trường, với lý do chậm báo cáo vụ việc khi vụ việc xảy ra.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang yêu cầu Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu nhà trường rút kinh nghiệm sâu sắc, đồng thời phối hợp giải quyết sự việc hợp tình, hợp lý tránh gây bức xúc và dư luận không tốt trong xã hội.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cũng yêu cầu UBND xã Đak Djrăng mời các gia đình có con liên quan đến vụ việc trên đến để làm việc; phối hợp giải quyết vụ việc và quản lý con em trong thời gian tới, không để vụ việc tái diễn hoặc phát sinh vụ việc mới tương tự.

Một gia đình 3 người bị chìm ghe được cảnh sát giao thông cứu

Tin sáng 22/3: Miền Bắc nắng nóng đến sớm và gay gắt hơn; Diễn biến mới vụ hóa đơn tiền nước 57 triệu - Ảnh 4.
Gia đình anh Hoạch được cứu vào bờ an toàn. Ảnh: Dân Trí

Chiều 21/3, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, trên kênh Lấp Vò - Sa Đéc đoạn chảy qua huyện Châu Thành vừa xảy ra vụ tại nạn đường thủy, một ghe gỗ bị chìm hoàn toàn.

Theo thông tin, sáng cùng ngày, ghe gỗ chở 15 tấn phân vịt của anh Huỳnh Văn Hoạch (36 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) khi di chuyển ngược dòng qua đoạn kênh theo hướng về TP Sa Đéc thì bất ngờ hỏng động cơ. Chiếc ghe trôi tự do, va chạm với ghe gỗ lớn hơn đang chạy xuôi dòng.

Vụ va chạm khiến ghe của anh Hoạch chìm hoàn toàn. Trên ghe lúc này ngoài anh Hoạch còn có vợ là chị Cao Thị Mỹ Ngọc (28 tuổi) và con trai 6 tuổi.

Thời điểm này, Tổ Cảnh sát đường thủy thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Tháp tuần tra ngang qua, phát hiện sự việc. Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh là tổ trưởng cùng 2 tổ viên đã nhanh chóng triển khai các hoạt động ứng cứu.

Hoạt động cứu hộ kịp thời đã giúp gia đình anh Hoạch thoát chết trong gang tấc.

Khi đã đứng vững trên bờ, chị Ngọc xúc động nói: "Tôi không biết bơi, được cứu như chết đi sống lại. Con tôi cũng còn nhỏ quá, may mắn có các anh công an đến kịp thời".

Gia đình anh Hoạch cũng không ngừng cảm ơn các CSGT. Sau khi đưa các nạn nhân lên bờ, tổ tuần tra đã quay lại bảo vệ hiện trường tai nạn, điều tiết giao thông.

Giá vàng đột ngột lao dốc trước áp lực chốt lời

Tin sáng 22/3: Miền Bắc nắng nóng đến sớm và gay gắt hơn; Diễn biến mới vụ hóa đơn tiền nước 57 triệu - Ảnh 5.
Ảnh minh họa

Tính đến 6h, giá vàng SJC trong nước được các đơn vị kinh doanh niêm yết ở ngưỡng cao, 79,5 - 81,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng nhẫn 9999 quanh ngưỡng 68,4-70,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá vàng SJC lao dốc, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý đón lượng khách lớn đến giao dịch. Theo báo Lao Động ngày 21/3, tại một số cửa hàng kinh doanh vàng trên địa bàn TP.Hà Nội, dù chênh lệch giá vàng đang ở mức cao nhưng không khí mua bán tấp nập. Khách hàng sẵn sàng ngồi chờ để tới lượt mua hàng.

Đối với vàng nhẫn, hiện giá vàng nhẫn tròn trơn được Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 69,18-70,48 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Trong khi đó, Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,4-69,7 triệu đồng/lượng chiều mua vào - bán ra.

Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết ở ngưỡng 68,4-69,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trong khi đó, giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco lúc 0h ngày 21/3 điều chỉnh xuống mức 2.171 USD/ounce. Kim loại quý vấp phải làn sóng chốt lời khi chọc thủng ngưỡng 2.200 USD/ounce vào phiên hôm qua 20/3. Theo Kitco sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại, thị trường vàng đang thu hút một số lực bán kỹ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tin sáng 22/3: Miền Bắc nắng nóng đến sớm và gay gắt hơn; Diễn biến mới vụ hóa đơn tiền nước 57 triệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO