Vùng không khí lạnh từ phía bắc đã tác động khiến thời tiết miền Bắc thay đổi; Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón học sinh.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, ngày 7/6, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cục bộ có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 7h đến 15h ngày 7.6 có nơi trên 100mm như: TP Hồ Chí Minh 152,2mm, Phú Thạnh (Đồng Nai) 126,6mm,…
Khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ dự báo từ ngày 8/6 có mưa, mưa vừa và rải rác có dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20 - 40mm, có nơi trên 100mm.
Từ đêm 8/6 đến ngày 9/6, khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20 - 60mm, có nơi trên 120mm.
Nguyên nhân của hiện tượng mưa trong giai đoạn này thường do rãnh áp thấp bị nén bởi khối không khí lạnh yếu từ phía bắc.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15 - 30mm, có nơi trên 50mm. Thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá là cấp 1. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường suất lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.
Trong khi đó, Trung Bộ có hình thái thời tiết chủ đạo là nắng nóng.
Khu vực từ Hà Tĩnh đến Phú Yên từ ngày 8 - 9/6 có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50 - 55%.
Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón học sinh.
Văn bản được ban hành sau khi xảy ra sự cố bé trai bị bỏ quên trên ô tô dẫn đến tử vong ở Thái Bình hôm 29/5.
Theo đó, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát các trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô hợp đồng đưa, đón học sinh. Đồng thời yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt là quy định về phương án kiểm soát đảm bảo không còn hành khách trên xe…
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng ngành GTVT và cơ quan chức năng địa phương thường xuyên kiểm tra các cơ sở giáo dục, trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh.
Bộ GTVT đề nghị các địa phương yêu cầu tất cả cơ sở giáo dục (từ bậc mầm non đến trung học phổ thông) trên địa bàn có sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh đến trường thực hiện quy trình, kiểm tra số lượng của học sinh khi lên xe và rời xe.
Phối hợp với hội phụ huynh làm việc với các đơn vị kinh doanh vận tải, yêu cầu phải thực hiện đầy đủ quy định về an toàn giao thông đối với phương tiện, người lái xe. Tuyệt đối không hợp đồng vận chuyển đưa đón học sinh đối với các đơn vị vận tải không đảm bảo các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Ghi rõ trong hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải những yêu cầu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khoẻ cho học sinh khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe tô tô; trên xe cần phải có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, duy trì trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định và kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe ô tô.
Các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt quan tâm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện xe ô tô đưa đón học sinh.
Riêng với UBND tỉnh Thái Bình, nơi xảy ra vụ cháu bé bị bỏ quên trên ô tô dẫn đến tử vong hôm 29/5, Bộ GTVT đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở GTVT kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện vi phạm. Đồng thời phối hợp với Sở GTVT có liên quan xử lý theo quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải để xảy ra vụ việc nêu trên.
Bộ GTVT cũng giao Cục Đường bộ Việt Nam, tăng cường đôn đốc các Sở GTVT thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ tại địa phương, đặc biệt là xe đưa đón học sinh, sinh viên, người lao động. Cục cũng có nhiệm vụ đôn đốc Sở GTVT các địa phương khai thác hiệu quả thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ô tô.
Thông tin trên báo Lao Động cho hay, ngày 7/6, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Nha Trang đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn đến Trường Mầm non VCN World (Trường mầm non Quốc tế VCN) để kiểm tra, xác minh thông tin phụ huynh phản ánh liên quan đến nội dung đang gây tranh cãi trong đơn chấp thuận tham gia chương trình bơi của phụ huynh (mẫu 1).
Trước đó, phụ huynh có con học tại Trường mầm non Quốc tế VCN bày tỏ sự bức xúc trước việc nhà trường yêu cầu họ ký vào đơn chấp thuận tham gia chương trình bơi của phụ huynh (mẫu 1) với một điều khoản gây tranh cãi. Trong đơn có nội dung "tôi tình nguyện chấp nhận những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động bơi, tôi biết rằng con của tôi có thể bị thương do sự cố không lường trước liên quan đến việc tham gia vào hoạt động bơi"....
Nhiều phụ huynh bức xúc, điều khoản nói trên đẩy cha, mẹ vào tình huống khó khi con em gặp rủi ro trong quá trình học bơi tại trường. Việc "tình nguyện chấp nhận những rủi ro..." được hiểu là giao tính mạng trẻ nhỏ cho nhà trường. Nếu có sự cố của trẻ thì phụ huynh tự chịu trách nhiệm!
Điều khoản này cũng yêu cầu phụ huynh "tình nguyện" loại bỏ trách nhiệm của nhà trường và người dạy bơi khi rủi ro phát sinh.
Cũng có một số phụ huynh thì nêu ý kiến, vẫn biết quá trình học bơi cho trẻ nhỏ sẽ có một số rủi ro nhất định chứ không thể 100% là an toàn, thực tế trong thời gian qua đã xuất hiện một số vụ đuối nước thương tâm, mà nạn nhân chính là trẻ em mầm non, tuy nhiên, để hạn chế rủi ro tới mức thấp nhất, nhà trường cần xây dựng quy trình quản lý, giám sát hoạt động dạy bơi thật chặt chẽ và đồng thời phối hợp với cha, mẹ trong việc giám sát hoạt động này. Đằng này, phía nhà trường yêu cầu phụ huynh ký đơn "tình nguyện chấp nhận rủi ro" như vậy là phản cảm, đổ hết trách nhiệm cho cha, mẹ.
Trước những tranh cãi từ phía phụ huynh, đại diện truyền thông của Công ty Cổ phần Đầu tư VCN (chủ đầu tư Trường mầm non Quốc tế VCN) cho biết, sự việc vẫn đang trong quá trình xử lý. Vị đại diện này cam kết, nhà trường sẽ cùng phụ huynh tìm phương án thoả đáng nhất và sẽ có thông tin trong thời gian tới.
Trao đổi với báo Lao Động, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Nha Trang xác nhận mới nghe được thông tin, còn cụ thể thế nào, cơ quan chuyên môn sẽ kiểm tra, yêu cầu nhà trường cung cấp những nội dung mà phụ huynh phản ảnh.
Chiều 7/6, tại buổi họp báo cung cấp thông tin liên quan đến kỳ thi lớp 10 năm học 2024-2025 ở TP HCM, trước ý kiến về đề thi môn toán được nhận xét là khó nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết đề thi thể hiện tính phân hóa, có dễ có khó để chọn học sinh.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP, đề thi lớp 10 là đề thi tuyển sinh, thông qua kỳ tuyển sinh sẽ chọn những em giỏi hơn, có năng lực cao hơn vào những trường tốp đầu, những em khá, trung bình thì vào các trường khác. Đề thi tuyển sinh không nói được khó hay dễ mà đề có tính phân hóa để kỳ thi đảm bảo theo yêu cầu tuyển học sinh theo đúng nguyện vọng của mình. "Đề thi khó thì khó chung, không ảnh hưởng đến quá trình chọn nguyện vọng của học sinh"- ông Nam khẳng định.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP, cho biết từ năm 2014 đến nay, hằng năm, việc ra đề thi đều tăng tính vận dụng kiến thức vào thực tế để giải quyết vấn đề đặt ra. Khó là mặt bằng chung, đồng thời trong quá trình chấm, hội đồng chấm thi sẽ cân nhắc xem đáp án như thế nào để đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh.
Theo Vietnamnet, báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT Hà Nội, sáng 7/6, có 698 thí sinh vắng mặt tại buổi làm thủ tục thi. Sở GD-ĐT nhận định, có thể các em đã trúng tuyển các trường chuyên thuộc đại học hoặc xác định học nghề.
Ngoài số bỏ thi, Sở GD-ĐT thống kê có 12 thí sinh cần hỗ trợ làm bài, trong đó 9 học sinh bị gãy tay, 3 thí sinh cần hỗ trợ y tế.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội năm nay Sở bố trí 201 điểm thi với số phòng thi không chuyên là 4.532; Số phòng thi dự phòng là 402.
Số cán bộ, giáo viên, nhân viên có mặt là 15.483/15.488 đạt tỷ lệ: 99.96%. Các cán bộ coi thi vắng mặt tại Điểm thi đã được bố trí giáo viên dự phòng thay thế đảm bảo đúng Quy chế thi.
Cũng theo Sở GD-ĐT thì cơ sở vật chất phục vụ tại các điểm thi đều được chuẩn bị đầy đủ theo quy định. 100% điểm thi đã phối hợp với lực lượng an ninh, công an chuẩn bị đầy đủ các phương án đảm bảo an toàn, an ninh trong trường thi và khu vực bên ngoài cổng trường thi; mỗi điểm thi có 01 máy phát điện dự phòng.
Sở đã chỉ đạo tăng cường biện pháp đảm bảo an ninh an toàn tại các điểm thi (phòng, tủ bảo quản bài thi, đề thi; hệ thống camera an ninh; nhân sự...) việc bảo quản vật dụng tư trang cá nhân thí sinh, phương án đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phối hợp phân luồng giao thông...