Có 5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư, với mức thu thấp nhất 900 đồng/km và cao nhất là 5.200 đồng/km; từ 19-21/10, không khí lạnh tăng cường trở lại...
Nghị định số 130/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác với mức thu phí từ 900 đồng/xe/km đến 5.200 đồng/xe/km.
Theo đó, điều kiện thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác được triển khai thu phí gồm.
Đường bộ cao tốc đáp ứng các điều kiện như được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan, đưa vào khai thác theo quy định của Luật Đường bộ, quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan…
Đường bộ cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, khi đưa vào khai thác mà chưa đáp ứng quy định tại Khoản 1 Điều 45, Khoản 2 Điều 47 của Luật Đường bộ thì việc thu phí sẽ được triển khai thực hiện sau khi hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, thiết bị phục vụ việc thu phí; các công trình dịch vụ công tại trạm dừng nghỉ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ để quản lý, điều hành giao thông và có đề án khai thác tài sản được người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Cũng theo Nghị định số 130/2024/NĐ-CP phí sử dụng đường bộ cao tốc được xác định trên quãng đường thực tế phương tiện tham gia giao thông (km) và mức phí tương ứng với từng loại phương tiện (đồng/km).
Mức phí sử dụng đường bộ cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc từ 900 đồng/xe/km đến 5.200 đồng/xe/km và có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2024.
5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc
- Nhóm 1: Xe dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng.
- Nhóm 2: Xe từ 12 chỗ đến 30 chỗ; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn.
- Nhóm 3: Xe từ 31 chỗ trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn.
- Nhóm 4: Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container dưới 40 feet.
- Nhóm 5: Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container từ 40 feet trở lên.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết Hà Nội 3 ngày từ 17-19/10, mưa giông giảm dần, sau gia tăng trở lại.
Cụ thể, trong 2 ngày tới, khả năng xảy ra mưa rào và giông như vừa qua giảm; sang 19/10, mưa rào và giông có thể xuất hiện trở lại trên khu vực thủ đô Hà Nội. Nhiệt độ cao nhất trong 3 ngày tới trong khoảng 31-32 độ C, nhiệt độ ban đêm 25-26 độ.
Đồng thời, Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ cũng dự báo, ngày 17-18/10, không khí lạnh ổn định và suy yếu dần, do vậy, Hà Nội mưa vài nơi về đêm và sáng, nhiệt độ tăng trở lại.
Đáng chú ý, từ 19-21/10, bộ phận không khí lạnh tăng cường trở lại kết hợp với hội tụ gió trên cao nên thời tiết Hà Nội mưa rào và rải rác có giông, nhiệt độ giảm nhẹ, se lạnh về đêm và sáng.
Ngoài ra, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết những nơi khác ở Bắc Bộ có mưa rào và giông vài nơi; chiều tối và đêm 17/10 khu vực Tây Bắc có mưa rào rải rác và có nơi có giông. Từ 19-20/10, Bắc Bộ có mưa rào và giông rải rác.
Thời tiết Hà Nội từ 17 - 19/10/2024:
Ngày 17/10, liên quan đến vụ phát hiện nhiều bộ phận cơ thể người tại quán karaoke An Phú (phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), một nguồn tin của báo Người Lao Động cho biết bước đầu đã có những manh mối về thi thể này.
"Tuy nhiên, phải chờ kết quả xét nghiệm ADN mới có kết luận chính xác"- nguồn tin nói.
Qua quá trình điều tra ban đầu, nạn nhân được xác định là một nam giới trưởng thành, mặc quần ngắn, áo thun và giày thể thao.
Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, ngoài bàn tay đứt rời, lực lượng chức năng đã tìm thấy toàn bộ phần còn lại của thi thể ở dưới hố nước trong khuôn viên của quán.
Phần thi thể này bị che lấp bằng nhiều rác và phế liệu bên trên, chỉ lộ ra phần đầu đã bị phân hủy mạnh gác lên miệng hố. Do vậy, người phát hiện thi thể này trình báo với cơ quan chức năng chỉ có phần đầu và tay tại đây.
Các bộ phận còn lại của cơ thể vẫn tương đối nguyên vẹn, chỉ trừ phần đầu và phần tay đã có dấu hiệu phân hủy nặng.
Cơ quan công an nhận định, khả năng cao nạn nhân đã không may trượt chân và rơi xuống hố ga bên trong quán karaoke, dẫn đến tử vong.
Cũng trong quá trình điều tra, công an đã nhận được thông báo mất tích của ông L.Q (SN 1986, quốc tịch Trung Quốc).
Theo thông tin từ gia đình, ông L.Q bị trầm cảm và đã rời khỏi nhà từ ngày 14/9/2024. So sánh với quần áo mà ông L.Q mặc khi mất tích khá trùng khớp với quần áo của nạn nhân được tìm thấy tại hiện trường.
Thông tin trên Lao Động cho hay, tại tỉnh Đắk Lắk, thực trạng cơ sở kinh doanh bày bán các sản phẩm là thực phẩm, đồ chơi... không rõ nguồn gốc xuất xứ ra thị trường ngày càng diễn biến phức tạp.
Các đối tượng, cơ sở kinh doanh có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng.
Thống kê của Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, trong 9 tháng năm 2024, các Đội Quản lý thị trường và Tổ công tác Thương mại điện tử đã xử lý 85 vụ vi phạm với tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là gần 1,7 tỉ đồng.
Riêng trong quý III/2024, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra, xử lý 16 vụ vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xử phạt hành chính hơn 197 triệu đồng. Giá trị hàng hóa buộc tiêu hủy là hơn 340 triệu đồng.
Đơn cử như mới đây, Đội Quản lý thị trường số 1 (thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk) thực hiện giám sát tiêu hủy đối với hơn 2.300 sản phẩm đồ chơi trẻ em và bánh trung thu, táo đỏ không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lô hàng trên được xác định là của hộ kinh doanh tại đường Giải Phóng (phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột).
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh đang bày bán hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hạn sử dụng. Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa.
Liên quan tới thực trạng cơ sở kinh doanh bày bán các sản phẩm là thực phẩm, đồ chơi... không rõ nguồn gốc xuất xứ, ông Vương Minh Sơn - Cục phó Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk nhận định: "Với sự phát triển của công nghệ, phương thức thanh toán đa dạng, việc bán hàng trên môi trường thương mại điện tử cũng khá dễ dàng. Từ đó, dẫn đến việc nhiều đối tượng thường không có đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ kinh doanh cụ thể".
Theo ông Sơn, cơ quan chức năng rất khó xác định được kho chứa hàng hóa. Thường thì hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi. Thậm chí, có những cơ sở chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian... Sau đó, các bên chuyển hàng và thanh toán theo thỏa thuận, hoàn toàn bí ẩn. Điều này dẫn đến việc lực lượng chức năng rất khó kiểm soát, xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.
Ông Mai Mạnh Toàn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk - cho biết: "Từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về niêm yết giá, hàng giả, hàng cấm, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Đặc biệt, đơn vị sẽ chú trọng kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm các hành vi liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu và tập trung vào một số mặt hàng trọng điểm (vàng, vật tư y tế, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, mỹ phẩm...)."
Theo Vietnamnet, sáng 17/10, Công an TP Hà Nội đã thông tin chính thức về vụ cháy kho hàng trên địa bàn phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng.
Cụ thể, hồi 21h20 ngày 16/10, Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP nhận được tin báo cháy kho hàng hóa tại ngõ 124 Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Tuy.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, nhận định đám cháy có khả năng diễn biến phức tạp, Trung tâm thông tin chỉ huy đã điều động lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH công an các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình và Đội Cảnh sát CC&CNCH khu vực số 1 (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội) với 80 cán bộ, chiến sĩ cùng 10 xe chữa cháy, xe chuyên dụng đến hiện trường phối hợp chính quyền, nhân dân địa phương tổ chức chữa cháy.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng xác định địa điểm xảy ra cháy có nhiều kho hàng hóa với các vật liệu bắt cháy, sinh ra nhiều khói khí độc, có thể cháy lan sang các khu vực nhà xưởng, kho lân cận.
Lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai các mũi tiếp cận, sử dụng nguồn nước tự nhiên tại chỗ và hệ thống cấp nước chữa cháy để tổ chức chữa cháy, ngăn cháy lan và tìm kiếm cứu nạn.
Khoảng 23h45 cùng ngày, đám cháy đã được khống chế. Đến 1h ngày 17/10, đám cháy được dập tắt. Lực lượng chức năng đã bảo vệ được hơn 8.000m2 kho xưởng và hàng chục hộ dân liền kề.
Thống kê ban đầu, diện tích bị cháy khoảng 370m2, chưa phát hiện thiệt hại về người. Nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra, làm rõ.
Thời gian gần đây, Hà Nội liên tục xuất hiện những lớp sương mù dày đặc, che lấp nhiều tòa nhà cao tầng và đường phố, không khí cũng vì thế mà trở nên ngột ngạt.
Dữ liệu từ ứng dụng theo dõi chất lượng không khí IQAir, chỉ số ô nhiễm không khí từ đầu tháng 10 đã có thời điểm ở ngưỡng 200-300 µg/m³, gấp nhiều lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tại buổi đối thoại của Chủ tịch UBND TP Hà Nội với thanh niên, các đại biểu đã nêu vấn đề nóng của ô nhiễm môi trường không khí.
Ông Lê Thanh Nam - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - cho biết, Hà Nội hiện có 17 khu công nghiệp, hơn 1.300 làng nghề, 8 triệu phương tiện giao thông, tiêu thụ hàng triệu lít xăng dầu mỗi ngày... đó là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm.
Đứng trước thực trạng này, việc cải thiện chất lượng không khí không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn cần sự tham gia tích cực từ cộng đồng để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống cho chính mình.
Hiện tại, TP Hà Nội cùng nhiều chuyên gia đã đưa ra các giải pháp cấp bách và lâu dài để giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm không khí. Để cứu lấy bầu trời Hà Nội, ông Lê Thanh Nam - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - cho biết, thành phố đang triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt trong đó, trọng tâm là cải tạo hồ, sông ngòi; chuyển đổi năng lượng sạch; phát triển hệ thống giao thông và đô thị xanh.
Mục tiêu đến năm 2025, rác thải sinh hoạt sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện, giảm diện tích chôn lấp. Đồng thời, từ năm 2025, Hà Nội sẽ thí điểm triển khai các vùng phát thải thấp. Các khu vực đông đúc và là điểm nóng về ô nhiễm không khí sẽ bị hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm.
Bên cạnh đó, ông Nam cũng nhấn mạnh, việc phát triển giao thông xanh, từ xe buýt điện đến hạ tầng giao thông thông minh sẽ là chìa khóa giúp Hà Nội giảm ùn tắc và ô nhiễm, mang lại một tương lai trong lành hơn cho Thủ đô.