Cơ quan khí tượng dự báo, sau khi đi vào Biển Đông, bão Trà Mi sẽ tiếp tục mạnh lên, có thể giật đến cấp 15 vào ngày 26/10; Nhiều hộ dân ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) sống trong thấp thỏm khi xuất hiện vết nứt kéo dài trên đỉnh đồi xuống vườn sản xuất...
Cập nhật mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 23/10, bão Trà Mi có vị trí tâm ở vào khoảng 16,2 độ vĩ bắc; 123,6 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11. Bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, tốc độ 15 - 20km/h.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây bắc sau có khả năng đổi hướng tây tây nam với tốc độ 15 - 20km/h, đi vào Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 24/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ vĩ bắc - 119,8 độ kinh đông; trên vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.
Dự báo trong 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 10 - 15km/h. Đến 13 giờ ngày 25.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ vĩ bắc - 117,4 độ kinh đông; trên vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 640km về phía đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12.
Dự báo trong 72 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây với tốc độ 15 - 20km/h. Đến 13 giờ ngày 26.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ vĩ bắc - 113,2 độ kinh đông; trên vùng biển phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, sau có khả năng đổi hướng nam tây nam và di chuyển chậm lại.
Về tác động của bão, vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6 - 7. Từ gần sáng ngày 24/10 gió mạnh tăng lên cấp 8 (62-74km/h), vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12, sóng biển cao 3 - 5m, vùng gần tâm bão 5 - 7m; biển động rất mạnh.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Thông tin trên Vietnamnet cho hay, UBND huyện Bảo Lâm vừa chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trạng quả đồi tại thôn 4, xã Lộc Tân.
Nguyên nhân là gần đây, sau những trận mưa kéo dài, quả đồi nói trên xuất hiện vết nứt kéo dài từ trên đỉnh xuống khu vực vườn của người dân ở bên dưới. Một vài đoạn nứt rộng chừng 1,5m, sâu nhiều mét, một số điểm hở 20-40cm.
Dưới quả đồi này có khoảng 20 hộ dân xóm Cốc sinh sống và trồng chè. Mỗi ngày, nơi đây có hàng trăm người và xe cộ qua lại.
Bên cạnh đó, trên các vách taluy sát đường, nhiều tảng đá lớn có nguy cơ sạt xuống kéo theo cả đất.
Theo người dân, thời gian qua ở địa phương liên tục mưa. Vì thế, họ lo lắng khi thấy vết nứt ở trên đồi cùng với những tảng đá lớn có nguy cơ lăn xuống đường.
Sau khi khảo sát hiện trường, cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm thông tin vết nứt trước đây là rãnh nước từ trên đổ xuống giữa vườn của 2 hộ dân. Mưa lớn lâu ngày đã gây ra tình trạng xói mòn đất dẫn đến tình trạng như người dân phản ánh. Trước mắt, địa phương cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân phòng tránh.
Theo Lao Động, ngày 23/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1244/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Theo đó, dự án thực hiện tại tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế với mục tiêu góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29.11.2013 và Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Theo Quyết định, chiều dài tuyến khoảng 98,35 km. Hướng tuyến bám theo tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang khai thác. Điểm đầu (Cam Lộ) tại Km0+000, kết nối với điểm cuối dự án đường bộ cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Điểm cuối (La Sơn) tại khoảng Km102+200, kết nối với điểm đầu dự án La Sơn - Hòa Liên thuộc địa phận xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đầu tư mở rộng nền, mặt đường và các công trình trên tuyến từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe. Tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến hiện tại đang khai thác, đường cao tốc cấp 80 theo TCVN 5729-2012 và QCVN 115:2024/BGTVT.
Đây là dự án nhóm A, đầu tư theo hình thức đầu tư công.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 6.488 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 là 5.488 tỉ đồng.
Nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 là 1.000 tỉ đồng.
Cơ quan chủ quản dự án là Bộ Giao thông Vận tải.
Thông tin trên Người lao động cho biết, ngày 23/10, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Ngọc Hà (cựu hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo cơ quan công an, từ năm 2022 đến năm 2023, ông Trần Ngọc Hà đã chỉ đạo rút kinh phí chính sách hỗ trợ cho học sinh số tiền hơn 765 triệu đồng (tiền hỗ trợ theo Nghị định 116/2016 của Chính phủ quy định). Trong tổng số tiền nêu trên, ông Trần Ngọc Hà đã chi sai và chiếm đoạt hơn 52 triệu đồng.
Ngày 22/10, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lào Cai chủ trì phối hợp với Công an huyện Bắc Hà đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trần Ngọc Hà về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng ngày, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai thi hành các quyết định, lệnh và tiến hành khám xét nơi ở của ông Trần Ngọc Hà tại xã Tài Chải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Hiện, vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, mở rộng.
Ngày 23/10, lãnh đạo UBND xã Xuân Lũng xác nhận trên Vietnamnet, vụ cháy nêu trên xảy ra vào khoảng 10h sáng cùng ngày. Lực lượng cứu hỏa đang có mặt tại hiện trường để chữa cháy.
Sau khi xảy ra vụ cháy, lực lượng cứu hỏa của tỉnh, huyện cùng các lực lượng tại chỗ đang nỗ lực chữa cháy, khắc phục hậu quả. Đến nay, chưa ghi nhận thiệt hại về người.
Nguyên nhân vụ cháy chùa Phổ Quang đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Chùa Phổ Quang có niên đại trên 800 năm và còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị, trong đó có Bệ đá hoa sen từ thời nhà Trần được coi là Bảo vật Quốc gia.
Cục Hàng không Việt Nam vừa phát Công điện gửi các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không về việc chủ động ứng phó cơn bão Trà Mi.
Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia và Trung tâm cảnh báo thời tiết (MWO) dự báo diễn biến cấp độ rủi ro thiên tai mức 3; khu vực chịu ảnh hưởng là phía Đông khu vực Bắc Biển Đông và khu vực Bắc Biển Đông.
Để chủ động ứng phó cơn bão Trami, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức trực 24/24 giờ theo Quy chế Trực ban phòng, chống thiên tai; Quy trình ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới trong hoạt động hàng không dân dụng.
Cục Hàng không yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng; liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo tới người dùng.
Đối với các sân bay, các hãng hàng không, các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, Cục Hàng không yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác phối hợp; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để có phương án điều chỉnh kế hoạch bay hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp tại một số địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp và đảm bảo an toàn cho hoạt động bay.
Cập nhật đầy đủ thông tin khí tượng từ các cơ sở khí tượng hàng không liên quan và căn cứ tình hình thực tế để triển khai các hành động ứng phó cần thiết, giảm thiểu tác động đến khai thác, đảm bảo an toàn hoạt động bay, bảo vệ người và tài sản của đơn vị trước thiên tai.
Đồng thời triển khai phương án phòng chống mưa, bão, các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy trong cảng hàng không, sân bay, bảo vệ cho các công trình, phương tiện, thiết bị tại cảng hàng không, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra đến mức thấp nhất và nhanh chóng ổn định mọi hoạt động hàng không phục vụ các nhu cầu của hành khách.