Cơ quan chức năng đã nhắc nhở chủ gara và chủ phương tiện gắn bánh xe máy vào ô tô lưu thông trên đường ở Cà Mau; Theo dự báo bão mới nhất, trong tháng 11 có một vài cơn bão, áp thấp dự kiến xuất hiện gần Biển Đông, không loại trừ có cả siêu bão...
Liên quan đến vụ ô tô gắn bánh xe máy lưu thông trên đường, ngày 4/11, một lãnh đạo Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau cho biết trên báo Người lao động, vì đây là sự cố nên trước mắt Cảnh sát giao thông huyện Đầm Dơi đã giáo dục, nhắc nhở đối với chủ phương tiện và chủ gara.
"Về việc có xử lý vi phạm hành chính hay không thì Công an huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau đang chờ ý kiến của lãnh đạo" – vị này thông tin thêm.
Trước đó, một trang mạng có lượng lớn người theo dõi ở Cà Mau đăng nội dung: "Đường về Đầm Dơi nay hơi lạ" kèm theo đoạn clip dài 20 giây ghi lại cảnh ô tô gắn bánh xe máy di chuyển trên đường.
Ngay lập tức, đoạn clip này nhận được hàng ngàn lượt "like" trên mạng xã hội cùng nhiều bình luận thể hiện sự lo lắng về mất an toàn giao thông khi phương tiện di chuyển trên đường.
Kết quả xác minh của Công an huyện Đầm Dơi cho thấy, ngày 26/10, ông P.H.V. (ngụ thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi) điều khiển ô tô mang BKS: 51A-506… từ TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau về nhà ở thị trấn Đầm Dơi thì bị sự cố gãy trục sau xe.
Khoảng 10 giờ ngày 28-10, ông V. liên hệ gara gần đó để nhờ sửa chữa và được thợ đến nhà ông V. hàn gắn tạm một bánh xe máy vào ô tô (do trục sau bị gãy không gắn được bánh dự phòng) nhằm kéo về gara để sửa chữa.
Trong quá trình phương tiện di chuyển, người dân đã dùng điện thoại quay lại đăng lên mạng xã hội.
Ngày 4/11, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết trên Vietnamnet, đơn vị đã tạm giữ 10 người liên quan vụ "quái xế" tông chết một người tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, khoảng 0h15 ngày 3/11, chị N.H.Q. (27 tuổi) điều khiển xe máy dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu thì bất ngờ bị một đoàn khoảng 25-30 xe máy chạy với tốc độ cao từ hướng Trần Hưng Đạo - ga Hà Nội lao tới.
Trong đoàn xe, N.H.N. (19 tuổi) điều khiển xe máy Vision màu xám chở theo N.P.A. (19 tuổi) với tốc độ cao, không quan sát kỹ nên đã tông vào chị N.H.Q. khiến nạn nhân ngã ra đường.
Ngay sau đó, N.T.M.K. điều khiển xe máy chở theo L.Đ.C. (16 tuổi) chạy cùng chiều đã không kịp xử lý, đâm vào chị Q. Cú va chạm mạnh khiến chị Q. tử vong tại chỗ.
Sau tai nạn, nhóm thanh niên đã rời khỏi hiện trường.
Làm việc với cơ quan công an, N.H.N. khai nhận, khoảng 22h ngày 2/11, sau khi trang điểm, N. đã đi đón bạn với dự định "lượn lờ" (đi xe máy với tốc độ cao) và chụp ảnh. Khi đến khu vực Nhà hát Lớn Hà Nội, N. gặp một nhóm khoảng 20-30 xe máy khác và rủ bạn cùng nhập vào đoàn.
Vừa nhập vào đoàn, N. nghe thấy tiếng hô "cảnh sát hình sự đuổi". Do không đội mũ bảo hiểm, N. cùng bạn tăng ga, chạy xe với tốc độ cao theo hướng Trần Khánh Dư - Bệnh viện 108 - Trần Hưng Đạo.
Đến nút giao Bà Triệu, xe máy do N.H.N. điều khiển đã va chạm với xe máy của chị N.H.Q. đang dừng chờ đèn đỏ. Cú va chạm mạnh khiến cả hai xe và người điều khiển ngã ra đường.
"Tôi không nhớ gì cả, lúc tỉnh dậy đã thấy mình trong bệnh viện. Khi nghe bạn kể lại sự việc, tôi mới biết mình đã gây tai nạn chết người", N.H.N. cho biết. Nữ sinh này bày tỏ sự hối hận và cho biết bản thân đang rất sốc.
Nói về lý do nhập vào đoàn xe máy, N.H.N. khai do tò mò, muốn trải nghiệm cảm giác chạy xe tốc độ cao và xem có gặp người quen hay không. Chiếc xe máy N.H.N. sử dụng được mua bằng tiền bố mẹ cho với mục đích để đi làm.
Còn N.T.M.K. khai rằng, sau khi xe của N.H.N. va chạm với xe máy của chị Q., do đang chạy với tốc độ cao nên K. đã không kịp phản ứng và đâm vào nạn nhân.
Công an quận Hoàn Kiếm đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
Tin bão mới nhất của Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) cho hay, ít nhất một đến hai cơn bão nhiệt đới có thể đổ bộ vào khu vực dự báo của Philippines (PAR) trong tháng 11.
Chuyên gia dự báo thời tiết của PAGASA Benison Estareja cho biết dựa trên các hồ sơ từ năm 1948, các cơn bão nhiệt đới trước đây thường đổ bộ vào đất liền trong tháng 11.
Ông Estareja lưu ý, các cơn bão nhiệt đới gần Philippines trong tháng này cũng có khả năng đạt đến cấp bão cuồng phong hoặc thậm chí là siêu bão.
"Các cơn bão nhiệt đới thường đổ bộ vào đất liền vào mỗi tháng 11 ở Luzon, Visayas và cho đến gần đây là ở Vùng Caraga. Khả năng thay đổi hướng hoặc quay trở lại biển Philippines ngày càng nhỏ hơn" - ông Estareja nói.
Chuyên gia dự báo bão Estareja bổ sung: "Đối với tháng 11, xét về cường độ, chúng ta vẫn có thể có bão cuồng phong và siêu bão. Và đặc biệt trong tháng 11 năm nay, một đến hai cơn bão nhiệt đới có thể vào PAR của Philippines".
Theo tin bão mới nhất ngày 4/11 của PAGASA, bão Marce (tên quốc tế là Yinxing) đang mạnh lên khi di chuyển về phía tây tây bắc trên biển Philippines.
Vào hồi 10h ngày 4.11, vị trí tâm bão nhiệt đới Marce ở vào khoảng 12,4 độ vĩ bắc, 132,5 độ kinh đông, cách thành phố Borongan, Đông Samar 775 km về phía đông.
Sức gió mạnh nhất gần tâm bão đạt 75 km/h, giật lên đến 90 km/h và áp suất trung tâm 998 hPa. Bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 35 km/h. Gió mạnh cấp bão bao trùm 580 km tính từ tâm bão.
Dự báo bão Marce sẽ di chuyển chủ yếu về phía tây tây bắc cho đến ngày 5.11 trước khi chuyển hướng về phía tây với tốc độ chậm qua biển Philippines, phía đông của Cực Bắc Luzon.
Theo dự báo đường đi, bão Marce sẽ đổ bộ vào vùng lân cận Quần đảo Babuyan hoặc đất liền phía bắc Cagayan vào tối thứ Năm (7/11) hoặc sáng sớm thứ Sáu (8/11).
Do không chắc chắn về cường độ của vùng áp cao phía bắc bão Marce, đường đi của bão vẫn có thể thay đổi và đưa điểm đổ bộ vào đất liền khu vực Cagayan-Isabela.
Dự kiến cơn bão nhiệt đới này sẽ dần mạnh lên và có thể đạt đến cấp bão nhiệt đới dữ dội vào ngày 5/11. Nó cũng có thể đạt đến cấp bão cuồng phong vào tối 5/11 hoặc sáng sớm 6/11.
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo thời tiết hạn vừa Châu Âu (ECMWF) cho biết, bão Yinxing có thể đi vào khu vực giữa của phía bắc Biển Đông trong tuần này.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cũng dự báo bão Yinxing sẽ đi vào Biển Đông vào khoảng ngày 8-9/11 ở cấp bão cuồng phong với sức gió mạnh nhất gần tâm bão dự kiến ở mức 126 km/h, giật tới 180 km/h.
Thông tin trên Báo Lao Động cho biết, Hà Nội dự kiến hoàn thành cải tạo tòa A2, A3 tại khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp thành NƠXH cho thuê năm 2026. Thông tin này được nêu trong kết luận của Chủ tịch Hà Nội tại cuộc họp mới đây về tình hình 5 dự án chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố khẩn trương hoàn thiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng NƠXH trên cơ sở cải tạo, nâng cấp nhà A2, A3 (đã xây dựng phần thô) của Dự án Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên (Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai).
Bà Nguyễn Thị Huyền (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, nhiều dãy nhà của dự án này luôn trong tình trạng bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm, ngày càng xuống cấp gây lãng phí lớn. Hiện nay, giá nhà Hà Nội ngày càng đắt dỏ, việc sở hữu một ngôi nhà rất khó khăn. Bởi vậy, việc cải tạo khu nhà bỏ hoang thành NƠXH là chính sách thiết thực cần sớm thực hiện.
Theo ông Nguyễn Văn Trĩ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhiều dãy nhà bỏ hoang lâu nên người dân xung quanh tận dụng làm bãi xe, trồng rau… Thỉnh thoảng, có những người đến khảo sát nhưng sau đó, các tòa nhà vẫn nằm im lìm.
Được biết, dự án khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) khởi công xây dựng từ năm 2009 với tổng vốn đầu tư 1.900 tỉ đồng. Mục tiêu ban đầu dự án nhằm đáp ứng chỗ ở cho khoảng 22.000 học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.
Từ tháng 1/2015, 3 tòa nhà đi vào sử dụng, có sức chứa 10.800 sinh viên. Sau dịch COVID-19, tòa nhà đóng cửa im lìm, không hoạt động.
Bảng dự trù kinh phí tổ chức tiết mục múa hát dân ca, do một trung tâm đào tạo năng khiếu trên địa bàn quận 12 gửi cho lớp 8A1 Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, đang gây xôn xao khi được chia sẻ trên mạng xã hội vì kinh phí lên đến hơn 21 triệu đồng.
Cụ thể, theo dự kiến, tiết mục múa hát dân ca có chi phí biên đạo là 10 triệu đồng, chi phí thuê trang phục biểu diễn là 5,6 triệu đồng, tiền ăn và nước uống cho 10 bạn trong đội văn nghệ cùng với các hoạt động thể thao hết 6 triệu đồng. Tổng chi phí cho 3 nội dung hết là 21,6 triệu đồng.
Trong thư ngỏ gửi lớp, ban đại diện cho biết một phụ huynh trong lớp ủng hộ 3 triệu đồng, còn lại cần đóng góp 18,6 triệu đồng.
Chia sẻ trên Vietnamnet, bà Lại Thị Bạch Hường - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Thanh cho biết nhà trường không chỉ đạo các lớp vận động quyên góp từ phụ huynh số tiền lớn cho tiết mục văn nghệ. Ngay khi nắm được sự việc, bà đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện phụ huynh lớp 8A1 không vận động phụ huynh số tiền nói trên.
Bà Hường cũng cho biết thêm sau sự việc, phụ huynh làm ở trung tâm đào tạo về năng khiếu hứa sẽ tài trợ toàn bộ chi phí cho lớp để dàn dựng tiết mục văn nghệ. Còn kinh phí ăn uống của học sinh trong quá trình luyện tập sẽ tùy thuộc vào khả năng đóng góp, thực hiện của phụ huynh.