Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất lao động nam tham gia BHXH tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản khi vợ sinh con.
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), người lao động (kể cả nam và nữ) tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXH tự nguyện) khi sinh con được hưởng trợ cấp thai sản.
Cụ thể, đối tượng áp dụng chế độ trợ cấp thai sản là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại khoản 4 Điều 31 của Luật này.
Theo khoản 4 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này (đối tượng tham gia bảo hiếm xã hội bắt buộc).
Về điều kiện hưởng trợ cấp thai sản, người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Lao động nữ sinh con; lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Người lao động thuộc trường hợp nêu trên phải đóng bảo hiếm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Về mức trợ cấp thai sản, lao động nữ khi sinh con, lao động nam có vợ sinh con được hưởng 2 triệu đồng cho một con mới sinh.
Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định.
Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng chế độ theo quy định.
Trợ cấp thai sản quy định nêu trên do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Về giải quyết hưởng trợ cấp thai sản, dự thảo Luật nêu rõ, trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày sinh con, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thai sản.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động, trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.