Tình huống pháp lý vụ bé gái 3 tuổi và cha bị hai con chó giữ tấn công

03/06/2022 09:04

Bị hai con chó dữ lao vào tấn công con gái, người cha bất lực đành lấy thân che chở cho con, chấp nhận bị chúng cắn.

Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip quay lại cảnh một bé gái khoảng 3 tuổi bị hai con chó hung hãn lao vào cắn khiến nhiều người không khỏi xót xa. Theo đó, khi bố cháu bé đang bế con gái trên tay thì bất ngờ con chó (1 con lông đen, 1 con lông vàng đen) lao vào tấn công dữ dội bé gái.

Con chó màu đen lao tới, ngoạm cắn vào đùi bé gái. Con chó màu vàng cũng chạy vòng quanh định lao vào tấn công. Thấy con gặp nguy hiểm, người bố dùng hết sức mình ngăn cản nhưng con chó đen tỏ ra hung hăng, lao vào cắn vào đùi bé gái. Trước sự hung hãn của chúng, người bố phải nằm xuống che chắn cho con gái, chấp nhận bị con thú này cắn vào tay.

Vụ việc chỉ được dừng lại khi có người dân cầm chiếc chổi có cán dài lao tới xua đuổi thì hai con chó mới bỏ đi. Một số thông tin trên mạng cho rằng, vụ việc này xảy ra tại Đồng Nai, hai bố con đang trên đường đi bộ về nhà gần đấy thì bị lũ chó lao vào tấn công.

 - Ảnh 2.

Hình ảnh người cha cố gắng bảo vệ con gái nhỏ (ảnh cắt từ clip)

Theo Ts.Ls Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội), có lẽ khi xem clip hai con chó xông vào cắn cháu bé với sự truy cản của người đàn ông khiến ai cũng phải thót tim, rùng mình. May mắn là người đàn ông đã cứu được cháu bé, nếu không có sự can thiệp ngăn chặn kịp thời thì có lẽ cháu bé khó mà bảo toàn được tính mạng trước 2 con chó to hung dữ.

Sự việc xảy ra rất đáng thương cho cháu bé, tuy nhiên cũng rất đáng trách, thậm chí đáng lên án đối với chủ vật nuôi trong trường hợp này. Nếu cháu bé không may tử vong hoặc thương tích của cháu bé nghiêm trọng thì ngoài việc bồi thường thiệt hại, chủ vật nuôi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý làm chết người" hoặc tội "Vi phạm quy định về an toàn nơi đông người".

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi khi có thiệt hại xảy ra và có lỗi hoặc không có lỗi của người gây thiệt hại. Trong sự việc nêu trên, nạn nhân là cháu bé bị 2 con chó rất lớn xông vào cắn, mặc dù đã có sự bảo vệ của người cha nhưng cháu bé vẫn bị thương tích. Điều đáng chú ý là hành vi xảy ra nơi công cộng và có hai con chó không có xích, không có người dẫn đi và không đeo rọ mõm.

Trong sự việc trên cháu bé hoàn toàn không có lỗi. Bởi vậy chủ vật nuôi phải bồi thường thiệt toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với cháu bé theo quy định của Bộ luật Dân sự theo Điều 590 gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại, nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.

"Điều này có nghĩa là toàn bộ chi phí cứu chữa, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, tiền công người chăm sóc và các chi phí khác phát sinh trong quá trình cứu chữa, điều trị cho cháu bé. Gia đình cháu có quyền căn cứ vào quy định pháp luật trên để yêu cầu chủ vật nuôi phải bồi thường thiệt hại do vật nuôi đã gây ra", Ts.Ls Cường phân tích.

 - Ảnh 3.

Theo Ts.Ls Đặng Văn Cường, người chủ nuôi chó phải có trách nhiệm bồi thường mọi phí tổn trong quá trình điều trị, chăm sóc cháu bé

Cũng theo luật sư Cường, ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay thì một số loài chó dữ bị cấm nuôi hoặc khi nuôi phải đăng ký và quản lý ngặt nghèo. Còn ở Việt Nam, pháp luật không cấm người dân nuôi chó, nhiều người đã chọn các loại chó khác nhau, trong đó có cả chó dữ để làm thú cưng, nuôi trong khu dân cư.

Pháp luật quy định quá trình nuôi phải tuân thủ các quy định pháp luật để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh, an toàn cho cộng đồng. Người nuôi chó phải quản lý chó nuôi, phải tiêm phòng vac-xin dại cho đàn chó, cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình, khi ra ngoài còn phải đeo rọ mõm cho chó, khi đưa chó ra nơi công cộng phải xích giữ chó hoặc có người dắt.

Trường hợp để chó thả rông không có người lai dắt, không đeo rõ mõm dẫn đến chó cắn người thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về đảm bảo an toàn nơi đông người, nếu hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp hậu quả chưa nghiêm trọng thì hành vi này cũng sẽ bị xử phạt hành chính và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của bộ luật dân sự.

Trường hợp chó cắn người mà hậu quả nạn nhân không tử vong, thương tích chưa nghiêm trọng thì người quản lý phải chủ vật nuôi sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, với mức phạt hành chính là phạt tiền tử 1-2 triệu đồng.

Trường hợp người nuôi chó không tuân thủ quy định dẫn đến chó cắn chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý làm chết người" theo Điều 128 (BLHS 2015) với mức hình phạt có thể đến năm năm tù.

Trường hợp hành vi vô ý làm chết người này diễn ra nơi đông người, nơi công cộng thì sẽ xử lý hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn nơi đông người" theo Điều 295 (BLHS).

Như vậy, đối với trường hợp để chó thả rông nơi công cộng, nơi đông người dẫn đến hậu quả chó cắn người mà nạn nhân không chết nhưng thương tích từ 61 % trở lên hoặc thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên thì chủ vật nuôi cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn nơi đông người".

Ngoài ra, bộ luật hình sự cũng quy định nếu hành vi vô ý gây thương tích cho nạn nhân mà hậu quả thương tích của nạn nhân từ 31 % trở lên thì người có lỗi vô ý cũng có thể bị xử lý hình sự về tội "Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" được quy định tại Điều 138 (BLHS).

Trong vụ việc nêu trên, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ chủ vật nuôi là ai và xác định lỗi của chủ vật nuôi trong việc bảo quản, quản lý vật nuôi, xác định hậu quả thiệt hại về sức khỏe đã gây ra đối với nạn nhân, đánh giá sự việc xảy ra nơi đông người, nơi công cộng hay là khu vực ra từ để xác định hành vi là vô ý gây thương tích hay vi phạm quy định về an toàn nơi đông người. Trên cơ sở đó sẽ xác định trách nhiệm pháp lý là sự phạt hành chính hay thì cũng trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng. Dù có xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự thì chú vẫn nuôi trong trường hợp này sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân theo quy định của pháp luật.

"Đây không phải là trường hợp đầu tiên chó dữ cắn người, trước đó đã nhiều trường hợp trẻ em bị chó cắn, có những em đã tử vong. Bởi vậy cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý vật nuôi, đặc biệt là các loại chó dữ, nghiên cứu để ban hành các quy trình định để cấm hoặc hạn chế những loại vật nuôi hùng dữ nguy hiểm như vậy để đảm bảo an toàn cho cộng đồng", Ts.Ls Cường chia sẻ.

Bình Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tình huống pháp lý vụ bé gái 3 tuổi và cha bị hai con chó giữ tấn công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO